Hành tung bí ẩn của UAV cảm tử Phoenix Ghost trên chiến trường Ukraine

Mỹ đã cung cấp hàng trăm UAV cảm tử Phoenix Ghost cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga nhưng cho tới nay, hầu như có rất ít thông tin về hoạt động cũng như hiệu quả của UAV này trên chiến trường Ukraine.

Sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phòng thủ của Ukraine trước chiến dịch quân sự của Nga. Hầu hết số vũ khí này đều đến từ kho vũ khí của Mỹ nhưng một số vũ khí được thiết kế riêng. UAV chiến thuật Phoenix Ghost là một trong số đó.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết Phoenix Ghost "khá giống" UAV chiến thuật Switchblade mà Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết Phoenix Ghost "khá giống" UAV chiến thuật Switchblade mà Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ

Vào cuối tháng 4, Lầu Năm Góc thông báo sẽ cung cấp 121 UAV Phoenix Ghost cho Ukraine. Theo Lầu Năm Góc, Không quân Mỹ đã phát triển Phoenix Ghost thậm chí trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột nổ ra, Lầu Năm Góc nhận định UAV này sẽ là vũ khí phù hợp để sử dụng ở chiến trường Ukraine và bắt đầu điều chỉnh kế hoạch phát triển vũ khí này theo những nhu cầu cụ thể của quân đội Ukraine.

Dựa trên những thông tin hạn chế mà Lầu Năm Góc cung cấp về Phoenix Ghost thì UAV này được thiết cho các cuộc tấn công riêng lẻ. Vào tháng 4/2022, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết Phoenix Ghost "khá giống" UAV chiến thuật Switchblade mà Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine hồi tháng 3.

Switchblade-300 và Switchblade-600 đều là một loại “đạn tuần kích” nhắm vào bộ binh và các mục tiêu bọc thép. Về cơ bản, chúng là "UAV một chiều", ông Kirby nhận định.

Phoenix Ghost có hệ thống quang học và cảm biến được thiết kế cho các cuộc tấn công chiến thuật, người phát ngôn Lầu Năm Góc Kirby nói.

Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc đã cung cấp khoảng 700 UAV Phoenix Ghost cho Kiev. Tuy nhiên, bất chấp việc hàng trăm UAV này được sử dụng ở chiến trường Ukraine, hầu như có rất ít thông tin về hoạt động của chúng.

Cho tới nay, quân đội Mỹ đã cung cấp hoặc cam kết cung cấp cho Ukraine 4 loại UAV chiến thuật và chiến lược với mỗi loại được thiết kế cho những mục đích khác nhau.

Những UAV này bao gồm: RQ-20 Puma của AeroVironment - một loại UAV nhỏ sử dụng để trinh sát chiến thuật, UAV Switchblade cũng do AeroVironment sản xuất, Scan Eagle của Boeing Insitu - một loại UAV tầm thấp có thể hoạt động trong thời gian dài và Phoenix Ghost - được thiết kế bởi Aevex Aerospace như một phần trong chương trình bí mật của Không quân Mỹ.

Tổng cộng, quân đội Mỹ cam kết cung cấp cho quân đội Ukraine khoảng 2.000 UAV để tiến hành các cuộc tấn công và thực hiện các nhiệm vụ như tình báo, giám sát và trinh sát.

Các UAV này chỉ là một phần trong nỗ lực quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm cải thiện khả năng phòng thủ của Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Kể từ đó, Mỹ cam kết hỗ trợ an ninh hơn 17,2 tỷ USD cho Ukraine.

Tính từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine hơn 15,2 tỷ USD và từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp khoảng 14,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Những vũ khí và các khóa huấn luyện của Mỹ cùng các quốc gia khác đóng vai trò quyết định với khả năng phòng thủ của Ukraine.

Cụ thể, các vũ khí như tên lửa chống tăng GM-148 Javelin, tên lửa đối kháng tốc độ cao AGM-88, hệ thống pháo phản lực HIMARS M142 đã giúp quân đội Ukraine cầm cự và dần tiến tới phản công.

Những lo ngại của phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ dẫn tới leo thang căng thẳng với Nga dường như đã dừng lại và Washington đang cung cấp nhiều vũ khí hiện đại hơn cho Kiev, mặc dù một số vũ khí như chiến đấu cơ vẫn chưa được thêm vào danh sách này./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/hanh-tung-bi-an-cua-uav-cam-tu-phoenix-ghost-tren-chien-truong-ukraine-post954790.vov