'Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh'

Đó là chủ đề của Triển lãm nhằm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) vừa khai mạc chiều nay (19/8) tại Hà Nội do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã tới dự khai mạc triển lãm.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, với hơn 250 tài liệu, hiện vật, hình ảnh và phim tài liệu, trưng bày giới thiệu đến công chúng những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trên chặng đường vẻ vang 50 năm qua, từng bước hiện thực hóa những mong muốn cuối cùng của Người trước lúc đi xa.

Đồng thời, trưng bày cũng góp phần động viên nhân dân tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, nỗ lực phấn đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

“Sau 30 năm đổi mới, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng cao. Thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là dân tộc yêu chuộng hòa bình, quật cường, anh dũng trong chiến tranh, mà còn là đất nước đổi mới thành công, thân thiện, có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển năng động, tích cực tham gia vào cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đã và đang không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, ông Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tham quan Triển lãm. (Ảnh: YN)

Nội dung Triển lãm gồm 4 phần.

Phần thứ nhất: Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (1969 - 1975). Nội dung trưng bày này khái quát lại những dấu mốc lịch sử của Tổ quốc ta từ lúc Bác Hồ ra đi. Cả dân tộc đã chiến đấu, vươn lên, một lòng cống hiến sức lực, xương máu góp phần từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đúng như di nguyện của Người.

Phần thứ hai: Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc (1975 -1986).

Những hình ảnh, tài liệu hiện vật của phần này nhằm giới thiệu nội dung công cuộc kiến thiết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày giải phóng. Cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định sản xuất, tái thiết đất nước, cải thiện một bước đời sống nhân dân.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được tăng cường đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế còn nhiều gian nan, đất nước đã phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài. Trong giai đoạn này, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt được một số thành tựu cơ bản, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước.

Phần thứ ba: Đổi mới và phát triển (1986 -1995)

Phần trưng bày này khái lược nội dung: Sau 10 năm đất nước hòa bình và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn, yếu kém dẫn đến khủng hoảng trầm trọng. Đổi mới để vượt qua khủng hoảng và phát triển ổn định đã trở thành nhu cầu bức thiết của đất nước.

Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986. Đây là nước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế chuyển đổi và tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội từng bước trở nên năng động và có sự chuyển mình, đất nước phồn vinh, quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm.

Phần thứ tư: Hội nhập và cất cánh (1995-2019)

Các tài liệu, hiện vật, hình ảnh của phần trưng bày này bao hàm nội dung về sự phát triển của đất nước ta sau công cuộc đổi mới với nội dung hội nhập, cất cánh và nâng tầm quốc gia.

Với mỗi giai đoạn, Việt Nam đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển để hội nhập quốc tế sâu rộng theo chiều hướng song phương và đa phương, kinh tế - xã hội của đất nước ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân liên tục được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng đảm bảo.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/8 đến tháng 12/2019.

Dưới đây là một số hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại Triển lãm:

Bút dạ được đồng chú Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Bình dùng ký hiệp định Pari 1973.

Chuông điện dùng để báo động mỗi khi máy bay địch đến đánh phá; Mũ sắt được Tự vệ Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo sử dụng trong 12 ngày đêm chống máy bay Mỹ ném bom Hà Nội 1972; Ống nhòm sử dụng để quan sát mục tiêu 1972; Lược được làm từ mảnh xác máy bat F111A, B52 bị quân dân Thủ đô bắn rơi trong trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972.

Hòm phiếu dùng để bỏ phiếu bầu Quốc hội Việt Nam thống nhất ở huyện Côn đảo tháng 4/1976.

Bài nói chuyện - đồng chí Trường Chinh phát biểu tại Hội nghị trí thức Việt Nam học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch 1969.

La bàn (trái) được sử dụng xác định phương hướng triển khai đội hình bảo vệ biên giới tháng 3/1979 và Súng tiểu liên AK báng gập (phải).

Mô hình đầu máy D19E - 950 do Nhà máy xe lửa Gia lâm chế tạo, lắp ráp.

Cáp sợi quang (trái) dùng cho mạng viễn thông để truyền tín hiệu thông tin, liên lạc năm 1994 và phích nước (phải) phục vụ nhân dân trong những năm đổi mới 1990 -1996.

Vải lụa CDC - Sản phẩm tơ tằm của Liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ Việt Nam dùng làm hàng xuất khẩu sang các nước thuộc thị trường khu vực I và II trong những năm 90.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hanh-trinh-vuon-toi-nhung-uoc-mo-50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-99604.html