Hành trình vạn dặm của các ông bầu: Vì tương lai bóng đá Việt Nam!

'Bóng đá sẽ không còn là bóng đá nếu các đứa trẻ chơi bóng không tìm thấy niềm vui'.

Đó là câu nói đầy ý nghĩa của một cựu danh thủ đang làm việc cho CLB Tottenham. Ông nhắn nhủ lời này đến những em nhỏ đam mê ở Việt Nam trong ngày CLB TPHCM kí hợp đồng với một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, cũng là nhà tài trợ cho Tottenham ở giải ngoại hạng Anh.

Bóng đá được hiểu qua câu chuyện trên là có sứ mệnh đem đến niềm vui cho các em nhỏ chơi bóng, còn các khán đài phải có khán giả cổ vũ cuồng nhiệt.

Bóng đá còn kết nối mọi người lại với nhau, không phân biệt giàu - nghèo, không dành cho riêng ai. Vì chỉ cần có 1 quả bóng thì 22 người có thể cùng nhau thi đấu. Và hàng tỷ CĐV trên khắp thế giới có cơ hội giao lưu với nhau, tìm hiểu về văn hóa các nước...

Trong một lăng kính thực tế, bóng đá đã được trả về đúng nghĩa ở SV-League 2020, giải đấu của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải cùng 5 ông chủ nổi tiếng khác chung tay cho ra đời.

Hình ảnh ấn tượng về các khán đài chật cứng CĐV ở SV-League 2020.

Hình ảnh ấn tượng về các khán đài chật cứng CĐV ở SV-League 2020.

Bình quân mỗi trận đấu ở SV-League có 3-4 nghìn CĐV cổ vũ. Riêng trận khai mạc thu hút đến 10 nghìn khán giả. Mỗi trận đấu được trực tiếp qua mạng xã hội thu hút hàng chục nghìn người dõi theo. Những con số ấn tượng này cho thấy sân chơi bóng đá sinh viên khi nhận được sự đầu tư bài bản, quan tâm lớn và làm chuyên nghiệp sẽ mang đến sự khác biệt.

Thực sự, mỗi trận đấu ở SV-League mang đến những câu chuyện đầy ý nghĩa. Hình ảnh ấn tượng là khán đài luôn tràn ngập sắc màu của tuổi trẻ, sự cuồng nhiệt, cổ vũ một cách rất văn minh và sinh viên các trường giao lưu với nhau. Đây là câu chuyện đẹp của sinh viên Việt Nam về tinh thần yêu thể thao, sự đoàn kết.

Dưới sân bóng, các cầu thủ thi đấu đẹp, chơi sòng phẳng, đá thật và quyết tâm hết mình. Và mỗi trận đấu luôn có những cái cúi đầu của các chàng sinh viên dành cho khán giả và ban huấn luyện của hai đội. Một phông văn hóa đẹp để thấy được giá trị lớn từ các cầu thủ học đường.

Một sân chơi ý nghĩa, tạo ra các giá trị và nhiều câu chuyện đẹp từ khán đài đến sân cỏ, cũng như thu hút sự quan tâm lớn. Nhưng ngược lại cần đặt vấn đề thế này: Nếu không phải bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải và 5 ông chủ dám làm thì liệu có ai đầu tư cho sân chơi sinh viên?

Bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải cùng 5 ông chủ đang rất tâm huyết với SV-League 2020. Mục đích là vì tương lai bóng đá Việt Nam.

Rất khó. Vì câu chuyện làm bóng đá gắn liền với thương hiệu, sự quảng bá hình ảnh, hay kiếm lời theo các cách khác nhau đã trở thành câu chuyện rất cũ ở Việt Nam. Ví dụ một ông chủ ở V.League có thể sẵn sàng bỏ tiền đưa cầu thủ đi châu Âu, lợi ích đổi lại là thương hiệu. Nhưng đầu tư cho sân chơi sinh viên thì khó có ai dám làm, bởi làm bóng đá học đường chỉ có cho đi rất nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu.

Thế nên, chuyện đầu tư cho bóng đá học đường phải xuất phát từ chữ tâm và chữ tầm của các ông chủ. Họ phải yêu bóng đá, mong muốn được thấy tinh thần thể thao lan tỏa trong sinh viên, góp phần tìm ra những tài năng vẹn toàn từ văn hóa đến chuyên môn cho bóng đá nước nhà.

Đó là một hành trình vạn dặm, gieo mầm rất kỳ công của các ông bầu dành cho tương lai bóng đá Việt Nam.

Cũng như chuyện người Nhật trước khi nghĩ đến chuyện cho ra đời những ngôi sao bóng đá thi thố ở World Cup, họ phải tạo ra phông văn hóa yêu môn thể thao Vua cho trẻ em trên cả nước qua bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới: Đội trưởng Tsubasa. Bóng đá Nhật rõ ràng phải đi qua cả một hành trình từ "thai nghén" trong tư tưởng đến các hành động thực tế , qua đó mới có một nền bóng đá hùng mạnh hàng đầu châu lục như ngày hôm nay.

Hành trình vạn dặm của bóng đá Nhật có hai yếu tố rất quan trọng: Thứ nhất, bóng đá tạo niềm vui, sự phát triển toàn diện cho trẻ em. Tức các em nhỏ được hòa nhập vào tập thể, biết làm việc nhóm, tự tin thể hiện bản thân trước đám đông, trau dồi nhiều kỹ năng khác như mạnh dạn, năng động... Thứ hai, bóng đá học đường phát triển một cách toàn diện để không bỏ sót nhân tài.

Với bóng đá Việt Nam, nguồn lực học đường có thể nói là vô cùng to lớn, bởi năm 2020 có gần 23 triệu học sinh. Nếu bóng đá học đường phát triển toàn diện thì bóng đá nước nhà chắc chắn có thêm nhiều tài năng từ sân chơi học đường.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bóng đá học đường phát triển, qua đó không bỏ sót tài năng từ 23 triệu học sinh kể trên?

Đáp án chính là cần lắm sự tâm huyết như các ông chủ như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải đang đầu tư cho sân chơi SV-League. Có nhiều giải đấu học đường, tức có nhiều sân chơi để cho học sinh - sinh viên được chơi bóng, sống cùng đam mê, thỏa mãn tình yêu thể thao. Và công cuộc này cần có sự đầu tư lớn về tiền bạc, công sức, thời gian, tức phải đi một chặng đường rất dài và làm thật thì mới có được kết quả như mong đợi.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-thao/hanh-trinh-van-dam-cua-cac-ong-bau-vi-tuong-lai-bong-da-viet-nam-20201130103707331.html