Hành trình từ cô bé bán hàng rong đến bà chủ của một doanh nghiệp xã hội

Từ một cô bé bán hàng rong, chưa học hết tiểu học, Tẩn Thị Shu – cô gái trẻ dân tộc Mông đã thành lập công ty Sapa OChâu, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sapa) theo mô hình du lịch cộng đồng.

Đến nay, cái tên Sapa OChâu đã trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài nước. Điều đáng nói là phần lớn lợi nhuận thu được từ các hoạt động của Sapa OChâu đều được dành để hỗ trợ những trẻ em dân tộc có hoàn cảnh khó khăn học tập để theo đuổi ước mơ của mình.

Nỗ lực vươn lên

Gặp Tẩn Thị Shu tại diễn đàn doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự tự tin và nỗ lực vươn lên, khát vọng xây dựng một doanh nghiệp xã hội (DNXH) vì cộng đồng của một cô gái Mông sinh năm 1986.

Ngược dòng kí ức, Shu chia sẻ về tuổi thơ với những tháng năm khó khăn, nhọc nhằn kiếm sống. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Lao Chải, thị trấn Sa Pa, Lào Cai, người cha bệnh nặng đau ốm liên miên nên học đến lớp 3, Shu phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. 12 tuổi đã bán vải dệt thổ cẩm tại bản.

Tẩn Thị Shu chia sẻ tại diễn đàn DNXH và Phát triển bền vững.

Tẩn Thị Shu chia sẻ tại diễn đàn DNXH và Phát triển bền vững.

13 tuổi lên thị trấn Sa Pa bán hàng cho khách du lịch. Mỗi ngày, Shu đi bộ cả chục km từ nhà ra thị trấn bán hàng cho du khách nước ngoài mặc cho lúc đó tiếng phổ thông còn chưa đọc thông, viết thạo, tiếng Anh thì không biết. Những ngày lang thang theo chân khách du lịch, nhiều lúc Shu bị đói, lạnh, mệt không có nơi nghỉ đành phải nằm ngủ ngoài đường.

“Lúc đó, tôi nghĩ vì không được đến trường nên những nhận thức về văn hóa và ngôn ngữ là những chướng ngại lớn cản trở trong công việc của mình. Vì vậy, tôi đã quyết tâm học tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch. Tôi tự học tiếng Anh khi bán hàng cho người nước ngoài và học thêm ở những anh chị hướng dẫn viên những câu đơn giản để bắt chuyện với khách Tây. Cứ có thời gian rảnh là lại học để trau dồi thêm vốn ngoại ngữ của mình”, Shu kể.

Đến giờ, Shu có thể nói thành thạo được tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Anh và đang muốn học thêm một số ngôn ngữ nữa… Hiện Shu đang theo học năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh, hệ học từ xa của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Cơ duyên đến với việc thành lập DNXH, Shu bảo, trong quá trình làm hướng dẫn viên du lịch, Shu đã có ước mơ phải làm một việc gì đó để lưu giữ và phát huy được tiềm năng du lịch của bản làng nơi mình ở, phải thay đổi để bớt nghèo, bớt khổ. Từ những ước mơ đó, cộng với sự giúp đỡ của những người bạn Australia đến năm 2007, Shu đã bắt tay xây dựng dự án Sapa OChau. Hai năm sau đó, Công ty Sapa OChau chuyên kinh doanh loại hình du lịch cộng đồng của Shu được thành lập.

Gieo ước mơ tươi sáng cho trẻ em người Mông

Sapa OChau là công ty đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải kinh doanh về các dịch vụ du lịch cộng đồng và trở thành doanh nghiệp xã hội hiếm hoi lúc bấy giờ.

Chia sẻ về quá trình bắt tay vào việc xây dựng một DNXH với bao gian nan, Tẩn Thị Shu cho biết: “Tôi không thể đọc 1 văn bản pháp luật, không biết là văn bản đó có bao nhiêu điều? Tôi có thể cầm tay chỉ việc, nhưng tôi không biết đọc các văn bản pháp quy, không thể tiếp cận các tổ chức phi chính phủ, vì tôi quá sợ, không biết báo cáo thế nào, không biết xin thế nào, trình bày ra sao… khiến tôi muốn từ bỏ. Nhiều hôm bị mắng, rơi nước mắt, nhưng không dám khóc, vẫn an ủi các em, vẫn duy trì thu nhập, tạo công ăn việc làm cho các em.

Những khó khăn giúp cho tôi mạnh mẽ hơn. Các tổ chức phi chính phủ cử người đến hướng dẫn, tôi học dần dần. Có những lúc khủng hoảng nhưng tôi nghĩ rằng, có sự quan tâm của các anh chị hỗ trợ DNXH thì mọi việc sẽ thành công và tôi lại làm tiếp, dù tôi chưa mạnh mẽ nhưng tôi phải làm một ngôi sao trong chính ngôi làng của mình đã”.

“Lúc mới thành lập Sapa OChau, tôi không nhận được ủng hộ từ bạn bè, người thân, mà được truyền cảm hứng từ những người bạn nước ngoài. Tôi muốn thúc đẩy sản phẩm địa phương, thúc đẩy được giá trị văn hóa, địa phương, đầu tiên tôi phải thay đổi, sau đó mới đến người khác thay đổi. Bởi, trên thực tế, ở nhiều nơi họ vẫn tiếp cận và bắt nhịp được văn hóa bên ngoài, vẫn giữ được văn hóa của mình.

Kiếm tiền trên mảnh áo của mình, mình ở cái nôi sinh ra tiền vậy tại sao mình không biết cách để kiếm được tiền. Với những gì mà quê hương tôi có, mảnh đất Sapa đầy hấp dẫn và thu hút du khách một cách bền vững, ở đó tôi muốn giữ ruộng bậc thang, giữ được nền văn hóa ấy, và tự kiếm tiền trên mảnh đất của họ”, Shu chia sẻ.

Nên với Sapa OChau là nền tảng cơ sở, không phải vì lợi nhuận mà muốn tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập để thay đổi cuộc đời cho trẻ em người Mông, người Dao bản địa. Du khách khi tham gia vào tour của Sapa OChau sẽ đến giảng dạy miễn phí cho các em nhỏ ở địa phương.

Sapa OChau nhiều lúc tưởng chừng sẽ thất bại do thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý điều hành còn non trẻ. Nhưng vào năm 2011, với sự giúp đỡ từ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế, Tẩn Thị Shu đã được đào tạo về năng lực lãnh đạo và quản lý kinh doanh. Từ đó, Sapa OChau đã hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn và có những bước tiến đột phá, mở thêm nhiều dịch vụ với doanh thu hàng tỷ đồng. Đến tháng 6/2013, Công ty TNHH MTV Du lịch Sapa OChau (Sapa OChau travel) ra đời và đến năm 2017 chính thức trở thành Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa OChau.

Những câu chuyện rất thật trong hành trình thành lập một DNXH và phát triển bền vững gắn với cộng đồng và trách nhiệm xã hội đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người và với mỗi người dân ở nơi đây. Quan điểm của Shu rất rõ là: “Chúng ta không phải làm việc chỉ đơn thuần vì lợi nhuận, mà còn vì chính dân tộc chúng ta, người dân tộc Mông du canh, du cư, tôi muốn chứng minh với người dân của mình là có thể sống trên mảnh đất của mình.

“Những em nhỏ trên quê hương tôi, tôi thấy họ giống như một phần của tôi. Vì vậy, thông qua Sapa OChau, tôi muốn mang ước mơ của tôi cũng như của những người bạn có ước mơ mà không thể thực hiện được, trở thành hiện thực. Nếu như tôi không được đi học, mà tôi giúp được 10 em nhỏ đến trường thì tôi sẵn sàng”.

Câu chuyện của Tẩn Thị Shu đã thực sự đem đến cho những người có mặt tại Diễn đàn DNXH và phát triển bền vững những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tiến sĩ Võ Trí Thành đã phải thốt lên rằng: “Với Tẩn Thị Shu, DNXH không có sự khô khan của những con số, mà là sự chia sẻ, đồng cảm, cầm tay chỉ việc và vận hành một cách chuyên nghiệp. Lợi nhuận thu được từ DNXH sẽ tái đầu tư vào cộng đồng, những cách làm này đã thực sự tạo dấu ấn và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và những DNXH khác học tập theo”.

Với những kinh nghiệm hoạt động DNXH, Tẩn Thị Shu mong muốn có chính sách ưu tiên cho những người khởi nghiệp ở địa phương. Ngôn ngữ còn cản trở huống chi là đọc hiểu những văn bản pháp luật. Kiến nghị có phần riêng cho dân tộc thiểu số địa phương khởi nghiệp, có lộ trình đào tạo họ hiểu chính sách.

Ưu tiên họ về đất đai, hướng dẫn họ, tôi muốn tạo nhiều leader ship ở những vùng khác. Shu muốn là người đi trước, có thể hỗ trợ họ. Shu mong muốn rằng DNXH có thể lan truyền ở vùng sâu, vùng xa. DNXH chính là con người ở đó, địa phương đó, là sự phát triển bền vững. Sapa OChau có nghĩa là “cảm ơn” Sa Pa.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của DNXH, bên cạnh đó, có hàng chục ngàn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của DNXH. Các DNXH đó đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…

Lưu Hiệp

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/hanh-trinh-tu-co-be-ban-hang-rong-den-ba-chu-cua-mot-doanh-nghiep-xa-hoi-560825/