Hành trình trượt dốc của bóng đá Thái từ khi chia tay Kiatisak

Kể từ ngày huấn luyện viên Kiatisak Senamuang rút lui, bóng đá Thái Lan liên tục thất bại ở các cấp độ đội tuyển, với đỉnh điểm là hai trận thua đáng quên tại King's Cup 2019.

Vào tháng 3/2017, tờ Bangkok Post xác nhận tin huấn luyện viên (HLV) Kiatisak Senamuang xin thôi giữ cương vị ở đội tuyển Thái Lan. Nguyên nhân của cuộc chia tay được cho vì tuyển Thái Lan thua toàn diện ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018. Thế nhưng báo chí khẳng định yếu tố sau cùng là việc Kiatisak không được lòng tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Pumpanmuang. Ông Somyot đánh giá Kiatisak chỉ là phương án ngắn hạn, nên tuyển Thái Lan cần HLV đẳng cấp hơn để hướng đến tương lai rực rỡ.

Vào tháng 3/2017, tờ Bangkok Post xác nhận tin huấn luyện viên (HLV) Kiatisak Senamuang xin thôi giữ cương vị ở đội tuyển Thái Lan. Nguyên nhân của cuộc chia tay được cho vì tuyển Thái Lan thua toàn diện ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018. Thế nhưng báo chí khẳng định yếu tố sau cùng là việc Kiatisak không được lòng tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Pumpanmuang. Ông Somyot đánh giá Kiatisak chỉ là phương án ngắn hạn, nên tuyển Thái Lan cần HLV đẳng cấp hơn để hướng đến tương lai rực rỡ.

SEA Games 29: Đoàn quân của HLV Worrawoot Srimaka bước vào SEA Games 29 với tư cách là nhà đương kim vô địch và thể hiện sức mạnh vượt trội. Ở vòng bảng, “Voi chiến” tiễn U22 Việt Nam về nước bằng chiến thắng 3-0. Tuyển Thái Lan lần lượt hạ Myanmar (bán kết) và chủ nhà Malaysia (chung kết) với cùng tỷ số 1-0 để giành HCV thuyết phục. Đây là chiến công đầu của bóng đá Thái Lan ở thời hậu Kiatisak, được xem là bước đệm để "Voi chiến" hướng tới vòng chung kết U23 châu Á 2018.

VCK U23 châu Á 2018: Sau thành tích ở SEA Games 29, HLV Worrawoot từ chối tiếp tục dẫn dắt đội U23 Thái Lan vì chỉ muốn giữ vai trò trợ lý. FAT sau đó bổ nhiệm ông Zoran Jankovic nắm đội U23 và xếp Worrawoot làm trợ lý cho vị HLV người Serbia. Ở giải đấu trên đất Thường Châu, U23 Thái Lan chơi bết bát và dừng bước từ vòng bảng với 3 trận thua, cùng hiệu số -6. FAT thất vọng vì kết quả này, để rồi lạnh lùng sa thải ông Jankovic.

ASIAD 18: Trước thềm ASIAD 18, cổ động viên Thái Lan kỳ vọng HLV Milovan Rajevac dẫn dắt đội Olympic chứng tỏ năng lực. Tuy nhiên, HLV Rajevac chỉ muốn dồn toàn lực cho đội tuyển Thái Lan, nên FAT không còn cách nào khác là phải đưa ông Worrawoot trở lại vai trò “thuyền trưởng”. Sau 3 trận ở vòng bảng ASIAD 18, “Voi chiến” chỉ giành 2 điểm và sớm khăn gói về nước. Trong bối cảnh bị CĐV chỉ trích quyết liệt, HLV Worrawoot phải “đứng mũi chịu sào” với trát sa thải từ FAT.

AFF Cup 2018: Kể từ khi được FAT bổ nhiệm thay Kiatisak, đây là giải đấu chính thức đầu tiên của HLV Rajevac. Trái với kỳ vọng từ CĐV, HLV Rajevac chỉ xem AFF Cup 2018 là sự chuẩn bị cho Asian Cup 2019. Bằng chứng là ông không triệu tập 4 cầu thủ thi đấu tại nước ngoài là Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin và Kawin Thamsatchanan. Hậu quả là tuyển Thái Lan thua đau Malaysia tại vòng bán kết, khiến HLV Rajevac mất điểm nghiêm trọng.

Asian Cup 2019: So với AFF Cup 2018, giải đấu trên đất UAE là dịp HLV Rajevac nắm trong tay những con người tốt nhất ở tuyển Thái Lan. Thế nhưng ngay ở trận ra quân, “Voi chiến” thua thảm Ấn Độ 1-4. Trong cơn thịnh nộ từ CĐV, vị HLV người Serbia bất ngờ bị sa thải dù tuyển Thái Lan vẫn còn cơ hội đi tiếp. Trợ lý Sirisak Yodyardthai tạm thời thay thế Rajevac, giúp “Voi chiến” vượt qua vòng bảng. Ở vòng 16 đội, tuyển Thái Lan dừng cuộc chơi vì thua Trung Quốc 1-2.

Vòng loại U23 châu Á 2020: U23 Thái Lan đã chắc suất dự vòng chung kết U23 châu Á 2020 với tư cách là chủ nhà. Thế nhưng "Voi chiến" vẫn góp mặt ở vòng loại bảng K cùng các đối thủ Việt Nam, Indonesia và Brunei. Ở lượt trận cuối cùng, U23 Thái Lan đối đầu Việt Nam. Thầy trò HLV Alexandre Gama vào trận với tâm lý thoải mái, trong khi U23 Việt Nam phải thắng để rộng cửa đi tiếp. Sau 90 phút tại Mỹ Đình, tiền đạo Supachai Jaided bị truất quyền thi đấu và U23 Thái Lan thua thảm 0-4. Đây là trận thua đậm nhất trong những lần bóng đá Thái Lan chạm trán Việt Nam.

King’s Cup 2019: Giải đấu này vượt xa khuôn khổ của trận giao hữu khi tuyển Việt Nam là một trong 3 khách mời góp mặt ở Buriram. Bên cạnh đó, kết quả tại King’s Cup 2019 cũng ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí của các đội trên bảng xếp hạng FIFA. Ngoại trừ Chanathip rút lui giờ chót vì chấn thương, “Voi chiến” tập trung đủ lực lượng mạnh nhất để đối đầu Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Tuyển Thái Lan và Việt Nam chơi ngang ngửa trong 90 phút và dường như chuẩn bị tâm lý cho loạt sút luân lưu 11 m. Dẫu vậy, cú đánh đầu ở phút 90+4 của Nguyễn Anh Đức và pha xử lý lỗi từ thủ môn Kawin giúp tuyển Việt Nam giành chiến thắng. Sau trận đấu, tờ Siam Sport gọi đây là cú sốc cho cả đất nước Thái Lan, còn thầy trò HLV Sirisak bị chỉ trích nặng. Đến trận tranh hạng 3 với tuyển Ấn Độ, Thái Lan tiếp tục gục ngã. Trong lịch sử 47 kỳ King’s Cup, đây là năm chủ nhà Thái Lan có thành tích tệ nhất. Ảnh: Minh Chiến.

Từ tấm HCV SEA Games 27, bóng đá Thái Lan thất bại thảm hại ở tất cả giải đấu. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo chinh phục hàng loạt thành công để lần đầu tiên trong lịch sử bứt lên so với Thái Lan. Sau chiến dịch King’s Cup 2019, FAT chấm dứt hợp đồng với HLV Sirisak. Theo cách gọi của tờ Siam Sport: “Bóng đá Thái Lan chưa bao giờ trải qua giai đoạn đen tối như hiện nay”. Trên mạng xã hội, nhiều CĐV yêu cầu FAT nối lại mối lương duyên với Kiatisak nếu muốn tình hình không tồi tệ thêm. Ảnh: Minh Chiến.

CĐV Thái Lan thất vọng đội chủ nhà, săn đón cầu thủ Curacao Màn trình diễn không tốt của các cầu thủ Thái Lan khiến nhiều CĐV thất vọng. Thay vào đó, họ ủng hộ và săn đón Bacuna ở tuyển Curacao.

Viết Tuệ
Ảnh: Fox Sports

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-trinh-truot-doc-cua-bong-da-thai-tu-khi-chia-tay-kiatisak-post955188.html