Hành trình trở thành vendor cấp 1

Câu chuyện của các doanh nghiệp (DN) là vendor (nhà cung ứng) cấp 1 của Samsung cho thấy tiềm năng của các DN hoạt động trong ngành phụ trợ trong nước là rất lớn. Điều quan trọng ở đây là sự quyết tâm, chủ động của DN trong việc cải thiện hiệu quả sản xuất, năng lực quản trị để tự tin bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành công nhờ nỗ lực cải tiến

Chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn (Khu Công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những DN Việt Nam hiếm hoi là nhà cung ứng (vendor) cấp 1 của Samsung. Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Minh Thắng - Giám đốc Công ty cho biết, từ tháng 2/2018, công ty đã trở thành vendor cấp 1 của Samsung, tuy nhiên để chen chân được vào chuỗi cung ứng của Samsung, DN phải bỏ rất nhiều công sức.

Ông Hoàng Minh Thắng kể, ngay từ khi thành lập công ty, DN đã có sự chuẩn bị về con người, nhà xưởng và các điều kiện làm việc của người lao động để đáp ứng các yêu cầu của Samsung, nhưng khi Samsung đến thăm nhà máy lần đầu tiên vào tháng 7/2017, họ vẫn đánh giá DN còn yếu, nhiều điểm không phù hợp, cần phải giải quyết. Sau đó, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương Bắc Ninh trong vai trò “cầu nối”, tháng 9/2017, công ty đã nhận được gói tư vấn của Samsung.

Trong thời gian nhận được gói tư vấn của Samsung, họ đã chỉ ra rất nhiều vấn đề để DN cải tiến, khắc phục và sau 3 tháng, Công ty Châu Thái Sơn đã đáp ứng gần như toàn bộ các yêu cầu. Hiện, công ty đang tất bật gia tăng sản xuất để đáp ứng đủ đơn hàng cho các tập đoàn lớn, trong đó có Samsung, với sản lượng trung bình 1.000 - 1.500 tấn bao bì/tháng. “Chúng tôi đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để cải tạo nhà xưởng, đầu tư máy móc. Cứ 3 tháng, Samsung lại đến đánh giá một lần, nếu phát hiện lỗi sẽ không giữ được vị trí vendor cấp 1” - ông Hoàng Minh Thắng cho hay.

Chia sẻ cụ thể hơn các yêu cầu để trở thành đối tác của Samsung, ông Hoàng Minh Thắng nhấn mạnh, đáp ứng được các tiêu chuẩn của Samsung là việc cực kỳ khó với bất cứ một DN Việt Nam nào. Bởi tiêu chuẩn của Samsung là tiêu chuẩn toàn cầu và rất cao. Do đó, việc đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm cho Samsung đồng nghĩa với việc đáp ứng được yêu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ.

Đó là, các yêu cầu về vấn đề môi trường sản phẩm, đảm bảo không có dư lượng hóa chất gây hại trong sản phẩm bao bì; môi trường lao động; chấp hành các quy định của luật pháp Việt Nam. Đặc biệt, các vấn đề về mặt kỹ thuật, tiến độ giao hàng, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm. “Samsung gần như không có kho để chứa bao bì, chúng tôi phải cung cấp trực tiếp vào đầu các dây chuyền sản xuất của họ, cho nên rất khó cho DN hỗ trợ của Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu” - ông Hoàng Minh Thắng bày tỏ.

Tập trung hỗ trợ DN

Để thúc đẩy ngành CNHT phát triển, đặc biệt sự tham gia của các DN địa phương, ông Hoàng Minh Thắng cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải có trung tâm hỗ trợ DN, với vai trò kết nối giữa DN trong nước và DN nước ngoài để tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Bởi hiện tại dù tiềm năng của các DN hoạt động trong ngành CNHT trong nước là rất lớn nhưng đa số các DN đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ cho các DN mới thành lập về giá thuê đất, miễn giảm thuế, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển…

Cũng là một trong số những DN nội địa trở thành vendor cấp 1 cho Samsung, Công ty Cổ phần CNHT Minh Nguyên đang cung ứng một số mặt hàng cho tổ hợp các sản phẩm điện tử và điện gia dụng cho Samsung. Chất lượng sản phẩm được DN này khẳng định là tiêu chí quan trọng nhất, việc quản lý phải đảm bảo gần như 100% sản phẩm không được lỗi. Dù vậy, hành trình đó cũng không dễ dàng, DN gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất ở thời kỳ đầu là tìm được đất để phát triển sản xuất. Đồng thời, phải chủ động nguồn vốn, nguồn nhân lực. Bởi DN CNHT muốn phát triển nhất định phải phát triển R&D, đó là nòng cốt để cải tiến tất cả mọi thứ trong nhà máy.

Hiện ngành CNHT của Việt Nam đang đứng trước những mục tiêu, tham vọng lớn. Đến năm 2020, phấn đấu có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Những mục tiêu này đang đặt ra các bài toán lớn, đòi hỏi từ Chính phủ, cơ quan chức năng đến DN... phải chung tay giải quyết trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đang được xem là địa điểm thích hợp trong cuộc dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, theo nhận định của nhiều chuyên gia, lĩnh vực CNHT luôn đòi hỏi kinh nghiệm, vốn để đầu tư máy móc, công nghệ nhưng lợi nhuận không hấp dẫn như các lĩnh vực khác, việc chủ động thị trường cũng rất khó vì họ không bán cho người tiêu dùng mà bán cho DN nên rất cạnh tranh. Do vậy, Chính phủ phải có chương trình khởi sự DN trong lĩnh vực công nghiệp này thì mới gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng DN.

Tiềm năng đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững là rất lớn. Chỉ tính riêng Samsung đã công bố cần khoảng 500 DN cung ứng từ nay đến năm 2020. Đây là cơ hội để các DN vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành những nhà cung ứng địa phương cấp 1.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hanh-trinh-tro-thanh-vendor-cap-1-121144.html