Hành trình tìm lại dáng đi thẳng cho chàng trai gù vẹo cột sống

Bị gù vẹo cột sống từ lâu, nhưng anh A chấp nhận mang dáng dấp của một người đã già trong thân hình đôi mươi.

Anh N.V.A xuất thân trong một gia đình làm nghề biển ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh mắc bệnh gù vẹo cột sống đã từ rất lâu, nhưng vì kinh tế khó khăn eo hẹp nên anh chấp nhận sống với hình thể biến dạng hàng chục năm nay.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi thấy mình gù vẹo ngày càng tăng lên, kèm theo đau cột sống, khó thở tăng nặng do biến dạng cột sống gây nên, anh và gia đình tìm đến một số bệnh viện lớn để được điều trị. Tuy nhiên, chưa có cuộc phẫu thuật nào được diễn ra.

Anh A vẫn luôn nuôi hy vọng sẽ lấy lại được dáng đi thẳng. Khi đọc được thông tin trên báo chí và biết Bệnh viên 108 là nơi đã phẫu thuật, chỉnh hình thành công cho nhiều ca gù vẹo lớn. Anh cùng gia đình đã quyết định khăn gói ra Hà Nội.

Qua các hình ảnh X-quang về tình trạng thực tế của bệnh nhân, các bác sĩ xác định đây là một ca bệnh đặc biệt khó, góc vẹo rất lớn T6L3 khoảng 126 độ, hơn nữa ca bệnh này càng khó khăn hơn là kèm theo gù cũng rất lớn > 100 độ.

Anh A bị gù vẹo cột sống.

Anh A bị gù vẹo cột sống.

Trước đây, khoa cũng đã tiến hành phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân vẹo lớn, nhưng hầu hết là vẹo đơn thuần, không kèm theo gù, và chủ yếu là các BN trẻ tuổi, cột sống khá mềm dẻo.

Trước ca bệnh này, các bác sĩ đã nghiên cứu y văn và dựa vào những kinh nghiệm trước đây, cuối cùng các bác sĩ đã quyết tâm phẫu thuật cho bệnh nhân với 2 thì mổ:

- Thì thứ nhất đi lối trước, cắt xương sườn, vén phổi, cắt tối đa được 4 đĩa đệm để làm lỏng cột sống, sau đó lắp khung kéo dãn trên giường nghiêng 30 độ, trong thời gian 3 tuần, với cân nặng tăng dần đến lúc đạt mức tối đa là 50% cân nặng của bệnh nhân.

- Thì thứ 2, đi lối sau, bắt vít nắn chỉnh vẹo.

TS.BS Phan Trọng Hậu – Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, người trực tiếp mổ cho anh A đã quyết định cắt V xương ở 3 mức để nắn chỉnh. Để thực hiện điều này phải là cả một sự quyết tâm lớn, bởi vì thời gian mổ dài, kĩ thuật khó, nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng. Cuộc đại phẫu cân não kéo dài nhiều tiếng.

Sau mổ, hình thể người bệnh đã gần như bình thường, chiều cao tăng thêm vài cm, Anh đã cảm thấy thở dễ hơn, đi lại cũng ổn hơn, và quan trọng nhất là đã tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống.

Sau hơn 1 tháng, bệnh nhân đã phục hồi rất tốt, chỉ còn 1 thời gian ngắn nữa, anh sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình.

Vẹo cột sống có 2 nguyên nhân: Vẹo cột sống bẩm sinh là biến dạng vẹo của cột sống do sự phát triển bất thường của cột sống ngay từ khi trẻ em sinh ra. Hai nguyên nhân chính của vẹo cột sống bẩm sinh là bất thường về sự phân chia đốt sống, bất thường về hình thành đốt sống hoặc kết hợp cả hai nguyên nhân.

Mức độ tiến triển biến dạng gù vẹo cột sống rất dao động, tùy theo vị trí đốt sống phát triển bất thường. Một số trẻ có đường cong vẹo ổn định và không thay đổi theo thời gian, trong khi đó có trẻ em biến dạng vẹo tiến triển không ngừng.

Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cột sống sẽ theo dõi tiến triển của đường cong vẹo bằng cách chụp X-quang cứ 6 tháng một lần.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hanh-trinh-tim-lai-dang-di-thang-cho-chang-trai-gu-veo-cot-song-20221227110505992.htm