Hành trình tìm kiếm 'miền đất hứa'

Trong những ngày qua, truyền thông Mỹ và thế giới tràn ngập hình ảnh dòng người di cư được cho là đông kỷ lục từ các nước Trung Mỹ tìm đường tiến đến biên giới Mexico, mang theo hy vọng về một 'giấc mơ Mỹ'.

Hàng nghìn người, chủ yếu đến từ Honduras, Guatemala và El Salvador, muốn chạy trốn khỏi quê hương đang chìm trong nghèo đói, tội phạm ma túy và tham nhũng để tìm đến một chân trời mới. Đích đến của họ là nước Mỹ, vốn được mô tả như “miền đất hứa”. Theo The New York Times, trong số này, người thì có ý định nộp đơn xin tị nạn tại Mỹ, trong khi nhiều người khác biết rằng họ chỉ có thể vào Mỹ bằng con đường nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên, cũng có những người thậm chí còn không nghĩ xa tới vậy.

Dòng người di cư dừng chân tại thành phố Huixtla của Mexico. Ảnh: The New York Times.

The New York Times cho biết, phần lớn dòng người di cư đã nghe tin chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng quyết liệt và cứng rắn trong vấn đề nhập cư, nhất là việc điều động binh sĩ tới khu vực biên giới với Mexico. Mặc dù vậy, họ vẫn tin rằng chỉ có đến Mỹ mới có cơ hội đổi đời, thoát khỏi đói nghèo, bạo lực và những khó khăn vẫn đeo bám họ ở quê nhà. Theo họ, việc đầu tiên phải làm đó là đến được biên giới Mexico-Mỹ.

Chia sẻ với The New York Times, Josúe Rosales, 28 tuổi, người Honduras nói rằng, anh không chắc dòng người di cư có đến được biên giới Mexico-Mỹ và đặt chân được tới Mỹ hay không? Thế nhưng, anh cho biết bản thân không còn sự lựa chọn nào khác nên phải làm liều. Ở Honduras, Josúe Rosales không có nghề nghiệp ổn định và thậm chí còn bị trấn lột trên phố rất nhiều lần. “Khi bạn tuyệt vọng, bạn thường tin vào phép màu. Những người di cư thực sự hy vọng rằng bằng cách đi theo đoàn đông như vậy, họ sẽ làm lay động trái tim ai đó và phép màu sẽ xuất hiện”, ông Oscar Chacón, Giám đốc điều hành Alianza Americas-một mạng lưới nhóm người nhập cư tại Mỹ có trụ sở ở thành phố Chicago, nói với The New York Times.

Phần lớn trong dòng người di cư từ Honduras, Guatemala và El Salvador là những người trưởng thành, muốn đến Mỹ tìm việc làm. Nhiều người trong số họ còn mang theo cả gia đình. The New York Times cho biết, dòng người di cư phải chi tiêu tằn tiện với lộ phí ít ỏi mang theo cũng như sống nhờ vào tấm lòng hảo tâm của những người lạ trên đường đi. Nhiều chính quyền địa phương nơi dòng người di cư đi qua đã cung cấp chỗ ở và chăm sóc y tế, trong khi giáo hội và các nhóm dân sự phát đồ ăn và thức uống miễn phí cho họ. Mặc dù vậy, dòng người di cư vẫn phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Ngày càng có nhiều người bị viêm kết mạc, bệnh hô hấp, sốt và tiêu chảy. Nhiều người bị mất nước, cháy nắng, sưng tấy chân do đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày. “Trên đường đi rất nóng. Đi bộ dưới cái nắng gay gắt là điều khó khăn nhất”, một người di cư tên là Iris, 21 tuổi, chia sẻ với CNN. Còn Carlos Gomez, người đàn ông 52 tuổi đến từ Honduras cho biết, ông đã bị sốt vài ngày nay. Ông kể với CNN rằng đã phải bỏ lại 8 đứa con ở quê nhà. Với ông, cách duy nhất kiếm đủ tiền nuôi đàn con nheo nhóc là tiếp tục cuộc hành trình dài cả nghìn cây số để tới xứ sở cờ hoa.

Mặc dù muốn tìm đến chân trời mới để thoát khỏi đói nghèo và bạo lực, nhưng quyết định rời bỏ quê hương cũng không hề dễ dàng với nhiều người. “Quyết định đó khiến tôi đau đớn. Mảnh đất nơi bạn sinh ra cũng giống như chính người mẹ của bạn”, Kilber Martinez, 26 tuổi, đến từ Honduras, ngậm ngùi chia sẻ với The New York Times.

Theo CNN, hầu hết trong số dòng người di cư từ Trung Mỹ chỉ biết đến xứ sở cờ hoa qua phim ảnh. Thế nhưng, cũng có những trường hợp ngoại lệ như Bryan Colindres. Năm lên 6 tuổi, Bryan Colindres cùng mẹ đã rời Honduras tới Mỹ sau khi người bố bị giết hại tại quê nhà. Gần 20 năm sau, cuộc sống tại Mỹ của Bryan Colindres bị gián đoạn khi chính quyền sở tại tiến hành truy quét những đối tượng nhập cư bất hợp pháp tại công trường nơi anh làm việc. Vì bị trục xuất nên Bryan Colindres đã phải để người vợ và con gái 3 tuổi ở lại Mỹ. Ngay khi quay về Honduras, anh đã nóng lòng muốn được đoàn tụ với gia đình. “Con bé cần tôi nhất. Tôi hiểu cái cảm giác không có bố là như thế nào”, Bryan kể với CNN.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hanh-trinh-tim-kiem-mien-dat-hua-553654