Hành trình tìm công lý: Dân tin nhưng dân cũng... nản!

Câu chuyện về một công dân 'cực chẳng đã' phải 'kiện quan' và vẫn biết là hành trình đi tìm công lý sẽ rất gian nan, vất vả, thậm chí phải chịu thiệt thòi khi 'chờ được vạ, má đã sưng'… Ông là Nguyễn Thanh Tùng, công tác tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc, tại địa chỉ 75 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Niềm tin ở công lý

Gần đây, chúng ta thường được nghe những câu cửa miệng than vãn của người dân mỗi khi có công việc phải đến “cửa quan” là “Dân có cần, nhưng quan chưa vội/ Dân có vội, dân lội, dân sang”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nguồn gốc câu này có lẽ nguyên gốc của nó là “Quan có cần, nhưng dân chưa vội/Quan có vội, quan lội, quan sang”, xuất phát từ ca dao, tục ngữ mà người dân truyền miệng cho nhau để nói lên thái độ bất hợp tác của người dân với quan lại thời phong kiến trước đây… Nhưng vì sao người dân phải chua xót thốt lên những điều đó?. Phải chăng, có biểu hiện, tình trạng “Quan” bất hợp tác, khó dễ với “Dân”…

Hiện nay, nhân dân đang rất kỳ vọng và tin tưởng vào đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về lĩnh vực tư pháp, Đảng ta đã có những chỉ đạo về cải cách tư pháp. Trong đó, có Nghị quyết số 49 - NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49).

Theo đó, Mục tiêu của Nghị quyết số 49 đã nêu rõ: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Tòa án đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Ngành Tòa án với khẩu hiệu thi đua là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân” để TAND thật sự là công cụ sắc bén của Nhà nước pháp quyền XHCN, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Ông Nguyễn Thanh Tùng mòn mỏi chờ đợi công lý ở phiên tòa phúc thẩm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng mòn mỏi chờ đợi công lý ở phiên tòa phúc thẩm.

Dân tin…nhưng cũng nản

Câu chuyện về một công dân “cực chẳng đã” phải “kiện quan” và vẫn biết là hành trình đi tìm công lý sẽ rất gian nan, vất vả, thậm chí phải chịu thiệt thòi khi “chờ được vạ, má đã sưng”…

Ông là Nguyễn Thanh Tùng, công tác tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc, tại địa chỉ 75 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo hồ sơ vụ kiện được TAND tỉnh Kiên Giang thụ lý, giải quyết cho thấy, trước năm 1991, ông Lê Văn Út có khai khẩn và sử dụng diện tích đất 36.891,75m2 tọa lạc tại ấp Đường Bảo, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1997, ông Lê Văn Út cho ông Nguyễn Thanh Tùng phần diện tích đất trên để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại. Từ đó đến nay, gia đình ông Tùng vẫn quản lý và sử dụng phần đất trên. Năm 2004, Đoàn đo đạc của tỉnh đã tiến hành xác minh, ghi nhận diện tích đất thực tế của gia đình ông Tùng là 36.891,75m2 và kiểm đếm số lượng cũng như chủng loại cây trồng trên đất.

Năm 2011, Nhà nước quy hoạch thu hồi đất để thực hiện Khu du lịch - Dân cư Bắc và Nam Bãi Trường tại xã Dương Tơ, thị trấn An Thới. Ngày 28/10/2011, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 5305/QĐ-UBND, Quyết định số 5306/QĐ- UBND, Quyết định số 5307/QĐ- UBND thu hồi của ông Nguyễn Thanh Tùng tổng diện tích 27.507,8m2.

Theo đó, ngày 10/11/2011, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 5882/QĐ-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án xây dựng Khu du lịch - Dân cư Nam Bãi Trường, nội dung Quyết định chỉ hỗ trợ cho ông Tùng số tiền có giá trị của 40% giá trị rừng sản xuất diện tích 5.810,5 m2; phần diện tích đất 21.697,3m2 không được bồi thường hay hỗ trợ.

Không đồng ý với việc này, ông Tùng khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc. Ngày 12/9/2016, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 4439/QĐ- UBND, không thừa nhận khiếu nại của ông Tùng và thống nhất bổ sung Quyết định số 5882/QĐ-UBND ngày 10/11/2011 của UBND huyện Phú Quốc. Nội dung bổ sung: Hỗ trợ 40% giá trị đất rừng sản xuất diện tích 21.697,3m2 cho ông Tùng.

Ông Tùng tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Ngày 2/6/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1231/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại, công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định 4439/QĐ-UBND, ngày 12/9/2016 của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Không đồng ý với cách giải quyết của hai cấp chính quyền địa phương như trên, ông Tùng đã khởi kiện ra TAND tỉnh Kiên Giang, yêu cầu hủy Quyết định số 5882/QĐ-UBND ngày 10/11/2011 của UBND huyện Phú Quốc về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án xây dựng Khu du lịch - Dân cư Nam Bãi Trường tại xã Dương Tơ và thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; hủy Quyết định số 4439/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc và Quyết định số 1231/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại của ông Tùng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/7/2018, Kiểm sát viên đại diện VKSND tỉnh Kiên Giang tham gia phiên tòa có quan điểm đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thanh Tùng. Sau khi xem xét, HĐXX TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thanh Tùng.

Đừng để người dân thất vọng

Sau khi án sơ thẩm được tuyên, ông Nguyễn Thanh Tùng tin tưởng lãnh đạo, chính quyền địa phương sẽ nhìn nhận vụ việc một cách khách quan, sẽ “sửa sai” và có những quyết định, giải quyết mới khách quan, đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân… Nhưng không phải vậy. Trong khi, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc không có kháng cáo mà Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm: Hủy bản án sơ thẩm nêu trên của TAND tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Thanh Tùng chỉ còn biết trông chờ và tin tưởng ở sự vào cuộc, cầm cân nảy mực, khách quan, công bằng của Tòa án cấp trên. Song, với những gì mà ông Tùng đang trải qua, xem ra có vẻ vụ kiện đang “chơi vơi” ở đâu đó, chưa biết khi nào thì sẽ có hồi kết. Bởi lẽ, ngày 15/8/2018, TAND tỉnh Kiên Giang đã nhận được đơn kháng cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, và sau đó, vụ án đã được TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh thụ lý và phân công Thẩm phán Phạm Trung Tuấn trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.

Đã nhiều lần ông Tùng và người đại diện theo ủy quyền của ông phải sắp xếp các công việc, di chuyển từ “đảo” lên đô thành, cũng như chuẩn bị tinh thần để hy vọng và mong sớm được TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Nhưng rồi, từ hy vọng đã dần làm cho ông Tùng thấy “thất vọng” ở cách sắp xếp, lịch trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, khiến ông Tùng không khỏi bức xúc và có “nghi ngờ” sự thiếu “vô tư, khách quan” trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, vì vậy, ông có kiến nghị “thay đổi Thẩm phán”.

Tính ra, từ khi vụ án có kháng cáo đến nay đã tiếp tục “trôi” qua thêm gần một năm mà vẫn chưa được xét xử, và không biết rõ khi nào thì có hồi kết? Câu hỏi này của ông Nguyễn Thanh Tùng xin được chuyển đến Thẩm phán thụ lý vụ án, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh để có câu trả lời.

Thiết nghĩ, những bức xúc, kiến nghị của ông Nguyễn Thanh Tùng rất cần có sự quan tâm, vào cuộc tích cực, với một thái độ cầu thị, lắng nghe và vì dân. Có niềm tin, sẽ có tất cả, đừng để người dân thất vọng.

Hưng Thành

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/bao-chi-cong-dan/hanh-trinh-tim-cong-ly-dan-tin-nhung-dan-cung-nan-73544.html