Hành trình thoát khỏi 'lõi nghèo' của xã miền núi

Trước đây, Phượng Mao được mệnh danh là 'xứ Mường' của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi có gần 85% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Năm 2015, Phượng Mao đã ra khỏi danh sách xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đã trở thành xã miền núi của Phú Thọ đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Bùi Văn Đông, trước khi làm Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ ông là Chủ tịch UBND xã Phượng Mao. Từ ngày 1/1/2020, xã Tu Vũ được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Tu Vũ, Yến Mao, Phượng Mao trước đó, ông tiếp tục nhận chức Chủ tịch UBND xã Tu Vũ.

Ngày nay, Tu Vũ đã trở thành xã nông thôn mới.

Ngày nay, Tu Vũ đã trở thành xã nông thôn mới.

Thời điểm năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 10%, thu nhập bình quân đầu người khi đó chỉ vào khoảng 22 triệu đồng/người/năm. Bước vào xây dựng nông thôn mới, Phượng Mao thực hiện theo bộ tiêu chí của tỉnh (Phú Thọ) cụ thể hóa từ bộ tiêu chí của Trung ương.

Căn cứ vào đặc thù của địa phương, Đảng bộ, chính quyền đưa vào nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đưa xã Phượng Mao đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ về phát triển kinh tế, xã Phượng Mao đã thực hiện nhiều mô hình, đặc biệt dựa trên tiềm năng, thế mạnh của xã là một xã thuần nông.

"Chúng tôi đã thành lập các hợp tác xã, các nhóm liên kết, thí dụ như hợp tác xã rau an toàn, hợp tác xã bưởi, hợp tác xã chăn nuôi… và một số hợp tác xã liên doanh, sản xuất liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, để bán các sản phẩm nông nghiệp của mình cho các doanh nghiệp liên doanh liên kết. Từ đó, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm chăn nuôi dễ dàng tiêu thụ được, tăng được thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nâng cao được đời sống người dân đồng thời phát triển được kinh tế - xã hội", ông Đông nói.

Ngoài việc cải thiện sản xuất nông nghiệp thì quan điểm của xã Phượng Mao là chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt đào tạo nâng cao tay nghề để có thể tiếp cận với lĩnh vực công nghiệp và làm công nhân làm việc tại các cụm, khu công nghiệp gần đó, từ đó có thu nhập ổn định.

Ngoài phát triển kinh tế - xã hội, xã Phượng Mao cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn trước vì Phượng Mao nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên cũng được nhà nước ưu tiên đầu tư một số hạng mục. Giai đoạn năm 2015-2020, phát huy các nguồn lực tại địa phương như giao đất, đấu giá đất, kết hợp với tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Phượng Mao đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Đến hết năm 2017, xã Phượng Mao được thẩm định là xã nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ và chính thức được công nhận ngày 22-12-2017.

Đạt được kết quả như vậy là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Cụ thể là sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường (chiếm 85%).

Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai từ Trung ương, tỉnh, huyện xuống cấp cơ sở là cấp xã.

Trong giai đoạn xã được hưởng chính sách hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn, xã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, chính sách khác như cấp thẻ BHYT. Con em đi học tại các trường đại học, cao đẳng, mầm non được hỗ trợ kinh phí học tập. Ngoài ra, còn có một số hỗ trợ mô hình kinh tế đồng bào dân tộc ở cơ sở.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp bằng chính sách cho người dân tộc của Đảng, Chính phủ cho đồng bào dân tộc, chúng tôi cũng nhận được nhiều chính sách khác góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Các chính sách làm thay đổi bộ mặt của thôn, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gặp khó khăn, hộ cận nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Từng bước đưa người dân, hộ nghèo được xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Các hộ này đã thoát được nghèo. Năm 2015, tại địa bàn xã, số hộ nghèo chiếm gần 10%, cận nghèo 12%. Hết năm 2019, số hộ nghèo còn 4,1%, hộ cận nghèo gần 5%.

Sau khi xã ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, chúng tôi không còn được đầu tư nữa, chỉ còn một số khu được quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, quan tâm đến chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc, bảo tồn về chữ viết, các đồ dụng cụ sưu tầm.

Hiện nay, các chính sách được hỗ trợ, đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ BHYT, đồng bào đi học chỉ mang tính giai đoạn. Nếu muốn bền vững, đề xuất Nhà nước phải hỗ trợ đầu tư, thành lập quỹ để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nói chung như: sưu tầm tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán lâu bền. Về lâu dài, cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ để nhằm bảo tồn văn hóa tuyền thống của đồng bào dân tộc.

"Đạt được kết quả như vậy là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường", ông Đông khẳng định.

K.VÂN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hanh-trinh-thoat-khoi-loi-ngheo-cua-xa-mien-nui-20201203143334606.htm