Hành trình thăng tiến của tân Chủ tịch Tổng công ty Quản lý bay nghìn tỷ

Tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là ông Phạm Việt Dũng – người từng nhiều năm công tác trong ngành hàng không.

Thông tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), sáng nay 18/6, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Việt Dũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam kể từ ngày 6/6/2018.

Ông Phạm Việt Dũng sinh năm 1964, tốt nghiệp Học viện Hàng không Dân dụng Liên Xô năm 1985 và hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hàng không dân dụng Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga).

Ông đã từng trải qua các vị trí công tác là Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Tháng 10 năm 2017, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định chuẩn y ông Phạm Việt Dũng giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, khóa VII, nhiệm kỳ 2015-2020.

 Ông Phạm Việt Dũng phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: VATM

Ông Phạm Việt Dũng phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: VATM

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được thành lập sau khi tách khỏi Tổng công ty Hàng không Việt Nam vào năm 1993, hiện hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước (đại diện là Bộ Giao thông vận tải) làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Từ đầu năm 2017, VATM chính thức áp dụng biểu phí mới về dịch vụ điều hành bay theo Thông tư 146 của Bộ Tài chính. Theo đó, công ty thu tối thiếu 115 USD và tối đa 520 USD cho mỗi lượt cất hoặc hạ cánh đối với các chuyến bay thường lệ qua vùng trời Việt Nam, tùy theo trọng tải và cự ly điều hành. Các chuyến bay không thường lệ áp dụng mức thu phí bằng 120% theo quy định. Công ty chỉ điều hành bay miễn phí đối với các chuyến bay không vì mục đích thương mại, gồm chuyên cơ, chuyến bay công vụ tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo…

Toàn bộ khoản thu này thuộc ngân sách nhà nước. Chi phí phục vụ cho công tác tổ chức thu phí được bù đắp từ các khoản doanh thu giá dịch vụ của công ty. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 ghi nhận khoản nộp ngân sách nhà nước lên đến 1.163 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo quản trị cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2016 ghi nhận mức tăng trưởng đột biến. Năm 2016, tổng sản lượng điều hành bay đạt 729.422 chuyến, trong đó có 376 lượt chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia đi đến và bay qua lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là năm phá kỉ lục về lượng chuyến điều hành bay lớn nhất trong lịch sử phát triển của công ty.

Theo số liệu báo cáo chưa kiểm toán thời điểm đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của tổng công ty lần lượt đạt 2.905 tỷ đồng và 774 tỷ. Doanh thu này chủ yếu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin dẫn đường và giám sát, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn… cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự (khi được ủy quyền) hoạt động tại các cảng hàng không trên cả nước, trên vùng trời và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Lâm Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hanh-trinh-thang-tien-cua-tan-chu-tich-tong-cong-ty-quan-ly-bay-nghin-ty-d145414.html