Hành trình thần kỳ đưa nợ xấu của Sacombank về 3,3%

Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank từ mức báo động gần 7% năm 2016 đã được đưa về sát ngưỡng an toàn 3% chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm.

Tin từ Sacombank cho biết tổng tài sản của ngân hàng này đã thăng thêm 8,7% trong nửa đầu năm 2018 lên 401 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng quy mô tài sản ngân hàng có đóng góp lớn từ tăng trưởng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư. Cụ thể, nguồn huy động này tăng 12%, cao hơn mức trung bình ngành và đạt 364 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6. Ngân hàng cho biết thị phần huy động tăng từ 4,7% lên 4,9%.

Về hoạt động cho vay, tổng tín dụng của Sacomban đã đạt hơn 247.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Thị phần cho vay tăng lên 3,6% so với 3,5% thời điểm đầu năm.

Tổng thu nhập của Sacombank hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 1.134 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của ngân hàng này đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sacombank cho biết đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3%.

Nguồn: BCTC Sacombank

Năm ngoái, nợ xấu của ngân hàng đã giảm mạnh về 4,28% từ 6.68% hồi cuối năm 2016. Thành quả thần kỳ này đến nhờ ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu xử lý hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong đó có gần 10.000 tỷ đồng tài sản là quyền sử dụng đất tại 3 cụm trong khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An. Các tài sản này được cho là liên quan đến ông Trầm Bê, người từng là Phó chủ tịch HĐQT của Sacombank từ năm 2012 đến 2015

Tuy nhiên, báo cáo của Sacombank cho biết ngân hàng chỉ nhận 920 tỷ đồng tiền đặt cọc và 8.280 tỷ đồng còn lại, bên mua tài sản trên được cho phép thanh toán chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm là 7,5%/năm.

Như vậy, để xử lý một khoản nợ xấu quy mô lớn trong hoạt động tín dụng, Sacombank đã bán tài sản đảm bảo và ghi nhận thêm một khoản phải thu quy mô lớn khác với thời hạn thu hồi trong 7 năm. Ngân hàng không cho biết danh tính của bên mua khối tài sản này.

Trong khi đó, hồi tháng 3/2018, Công ty Cổ phần Him Lam đã đề xuất điều chỉnh công năng các khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III từ đất công nghiệp sang đất khu dân cư. Đề xuất này đã được các sở, ngành thống nhất chủ trương nhưng đề nghị rà soát lại diện tích, phạm vi điều chỉnh.

Him Lam là công ty bất động sản gắn liền với tên tuổi của ông Dương Công Minh và ngân hàng Bưu Điện Liên Việt. Tuy nhiên ông Minh đã không còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của Him Lam và công ty này cũng đã thoái vốn khỏi LienVietPost Bank.

Kho Tân Kim, tài sản được Sacombank mang ra đấu giá

Gần đây Sacombank tiếp tục thông báo bán đầu giá bất động sản với quy mô lớn, chủ yếu nằm tại TP.HCM. Cụ thể, giữa tháng trước, một thông báo của ngân hàng cho biết ngày 28/6 sẽ tổ chức đấu giá các khu đất tại Long An, TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu tổng giá trị 3.089 tỷ đồng.

Trong đó đáng chú ý là 6 thửa đất thuộc Khu Công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có diện tích hơn 291 nghìn m2. Giá trị khởi điểm của tài sản này là 1.034 tỷ đồng.

Các bất động sản khác được mang ra đấu giá lần này còn có các lô đất tại Quận 8, Quận Bình Thạnh hay Quận Tân Phú, TP.HCM. Giá trị từ 382 tỷ đồng đến 447 tỷ đồng.

Trên website của ngân hàng còn rao bán nhiều bất động sản giá trị cao như Khu đất công nghiệp tại Bình Dương (1.266 tỷ đồng), khu đất tại Quận 3, TP.HCM (402 tỷ đồng), khu đất tại Quận 7, TP.HCM (185 tỷ đồng)… và nhiều bất động sản giá trị thấp khác.

Minh An

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hanh-trinh-than-ky-dua-no-xau-cua-sacombank-ve-33-1532082228023.htm