Hành trình phi thường của ông Trump

Chiến thắng bầu cử ngày 5/11 được coi là chiến thắng lịch sử của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ông không chỉ lập kì tích trở thành người thứ hai trong hơn 130 năm đắc cử tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ không liên tiếp, mà còn vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức để làm được điều đó.

Ông Trump xuất hiện cùng gia đình sau khi thắng bầu cử Mỹ. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images.

Để quay trở lại chính trường Mỹ, ông Donald Trump đã thực hiện một cuộc lội ngược dòng không tưởng, đầy ắp những điều phi thường. Chính điều đó làm góp phần làm cho sức ảnh hưởng của ông với nước Mỹ là rất sâu rộng, và ông đang ở vị thế có thể tái định hình trật tự thế giới trong tương lai. Mời bạn đọc cùng nhìn lại hành trình của ông Trump, khám phá sức mạnh tiềm năng mới của ông trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.

Ông Trump bắt đầu hành trình quay lại chính trường khi không ít thành viên trong đảng Cộng hòa muốn ông "tránh sang một bên". Ông tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ ba chỉ vài ngày sau khi đảng Cộng hòa gây thất vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 - một kết quả nhiều nhân vật chủ chốt trong đảng cho rằng bắt nguồn từ ảnh hưởng của ông.

Tuy nhiên, bằng cách xây dựng một liên minh mới và thực hiện những chiến lược bất ngờ, ông Trump đã tạo ra một chiến thắng lịch sử, định hình lại tương lai chính trị Mỹ, theo CNN.

Một nhóm trợ lý chiến dịch ổn định và một thông điệp nhất quán

Khi ông Trump lần đầu tiên tuyên bố tái tranh cử tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào năm 2022, chỉ có một số ít các đồng minh trung thành còn sót lại sau giai đoạn 2017 – 2021.

Ông đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, bao gồm cả hệ thống tư pháp đã từng đột kích dinh thự của ông ở Florida chỉ ba tháng trước đó. Ông Trump nhận định một cách ảm đạm về tình hình đất nước và tin rằng cử tri sẽ dần quay lưng với những người đang nắm quyền.

"Tôi không nghi ngờ gì về việc đến năm 2024, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn và người dân sẽ thấy rõ những gì đã xảy ra với đất nước này”, ông Trump nói với các đồng minh về lý do tái tranh cử. "Và cuộc bầu cử khi đó cũng sẽ rất khác”.

Ngay từ đầu, đội ngũ của ông Trump đã thực hiện chiến dịch một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn. Lần này, những người đứng đầu chiến dịch - Susie Wiles từ Florida và chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa Chris LaCivita - đã không chỉ làm chủ vai trò mà còn gắn bó với ông trong suốt kỳ tranh cử. Đây được xem là điều hiếm hoi trong đội ngũ của ông Trump, vì ông nổi tiếng với sự thay đổi liên tục về nhân sự.

Ông Trump đã đặc biệt cảm ơn bà Susie Wiles (giữa) trong thông điệp chiến thắng bầu cử. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images.

Một cộng sự lâu năm của ông Trump chia sẻ với CNN rằng: “Susie và Chris là hai nhân tố quan trọng đã giữ cho mọi thứ ổn định”. Đội ngũ đã kiểm soát các yếu tố có thể gây hại cho ông Trump và hạn chế các ảnh hưởng từ những yếu tố bên lề.

Xua tan sự hoài nghi trong nội bộ đảng Cộng hòa

Trong nội bộ Đảng Cộng hòa, vẫn có những người hoài nghi, nhiều người đặt câu hỏi liệu Trump có thể thực sự trở thành người lãnh đạo đất nước một lần nữa hay không. Một loạt đồng minh cũ của ông, như cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Thống đốc Florida Ron DeSantis và cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley, đã thử sức trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhằm vượt qua ảnh hưởng của ông Trump.

Trong những ngày đầu chiến dịch, ông Trump đã khiến đội ngũ của mình thất vọng khi ông có những hành động và tuyên bố gây tranh cãi. Ví dụ, ông Trump từng tuyên bố sẽ "hủy bỏ Hiến pháp". Điều này có thể làm giảm sự ủng hộ và đẩy đội ngũ tranh cử của ông vào thế bất an.

Wiles sau đó kể lại trên tờ The Atlantic rằng đó là thời điểm "ảm đạm" nhất trong chiến dịch. Bà nhớ lại rằng ông Trump đã hỏi bà vào khoảng thời gian đó, “liệu tôi có thể chiến thắng hay không?”

Nhưng kể từ khi ông Trump bị điều tra hình sự liên quan đến nhiều vụ việc, từ những tài liệu mật ông mang về Mar-a-Lago đến các giao dịch tài chính, sự ủng hộ từ cử tri đảng Cộng hòa dành cho ông lại tăng mạnh mẽ. Qua mỗi vụ kiện hoặc cuộc điều tra, làn sóng quyên góp và ủng hộ từ những chính trị gia từng quay lưng lại với ông lại dâng cao. Cuối cùng, ông Trump không cần tham gia một cuộc tranh luận sơ bộ nào của Đảng Cộng hòa, để các đối thủ cạnh tranh lẫn nhau.

Chiến dịch của Trump đã tận dụng lợi thế khi các đối thủ vẫn còn đang chia rẽ, tận dụng những thăng trầm trong quá trình tranh cử để bán áo phông với hình chụp của ông và mở rộng sự ủng hộ từ các cử tri trên khắp cả nước.

Biến bất lợi thành lợi thế

Các vụ điều tra và kiện tụng liên quan đến Trump, thậm chí cả việc bị kết tội hình sự, đã trở thành chất xúc tác quan trọng trong chiến dịch của ông. Thay vì né tránh, ông Trump tận dụng chúng để khuấy động sự đồng cảm và lòng trung thành từ những cử tri trung thành, thậm chí thu hút thêm sự ủng hộ từ các cử tri không thường xuyên bỏ phiếu.

Với mỗi cáo buộc mới, ông dùng nó để vẽ nên một bức tranh về sự "bất công", nhấn mạnh rằng ông đang bị “truy đuổi” bởi các thế lực chính trị. Kết quả là, các vụ kiện không những không làm giảm đi sự ủng hộ, mà còn thu hút sự chú ý và tăng thêm số tiền quyên góp từ các cử tri trung thành.

Vốn là một người lão luyện về truyền thông, ông Trump thường xuyên sử dụng năng lực của mình để biến nguy thành cơ một cách không ngờ.

Ảnh hồ sơ nhà tù của Trump. Ảnh: Reuters.

Việc chụp ảnh hồ sơ nhà tù thường bị coi là một "vết nhơ" trong quan niệm của nhiều người, nhưng ông đã cố tình thể hiện vẻ mặt cứng rắn và giận dữ khi đến nhà tù chụp ảnh vào tháng 8/2023, và sau đó tự tay chia sẻ bức ảnh trên mạng xã hội Twitter (nay là X) với thông điệp "Không bao giờ đầu hàng".

Bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và khắp các trang báo lớn, khiến những người ủng hộ ông thêm đồng cảm, đồng thời nó rất phù hợp với những tuyên bố của Trump rằng ông là nạn nhân của một cuộc "săn phù thủy" từ các đối thủ chính trị.

Trong vụ bị ám sát hụt hôm 13/7/2024, Trump được cho là đã nắm bắt cơ hội để thể hiện sự kiên cường, không sợ hãi. Với khuôn mặt dính máu do bị bắn vào tai, ông vùng dậy giơ nắm đấm lên cao và liên tục hô "chiến đấu!".

Bức ảnh chụp cảnh đó thực sự là một quả bom truyền thông, có sức ảnh hưởng rất lớn và được cho là góp phần lôi kéo thêm nhiều người ủng hộ, trong đó có tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk - người sau này góp một phần khá quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Trump.

Ông Trump cũng biết cách khai thác sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa. Khi các đối thủ chính trị như Nikki Haley và Ron DeSantis công khai tranh cử, ông không đối đầu trực tiếp mà để các đối thủ tự cạnh tranh lẫn nhau, nhờ đó tập trung xây dựng liên minh với các nhóm ủng hộ mới.

Ông cũng chủ động khai thác nỗi sợ mất ảnh hưởng trong các tầng lớp trung thành của đảng, để biến mình thành lựa chọn duy nhất mang lại sự ổn định cho đảng. Điều này giúp ông củng cố vị thế và giữ chân các cử tri bảo thủ, đồng thời gạt bỏ những yếu tố gây nhiễu khỏi chiến dịch.

Ông Trump cũng biết cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng bằng cách liên tục hiện diện trên các kênh truyền thông xã hội và cộng đồng người hâm mộ trực tuyến, từ đó tiếp cận đến nhiều nhóm cử tri mới. Bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội, podcast có sức ảnh hưởng với giới trẻ và tầng lớp lao động, ông đã thành công trong việc tiếp cận các cử tri trẻ tuổi và những người không thường xuyên tham gia bầu cử.

Đồng thời, việc sử dụng các hình ảnh gần gũi như chiên khoai tây ở McDonald’s hay tự lái xe tải rác giúp ông xây dựng hình ảnh thân thiện và dễ gần hơn, đặc biệt là với những cử tri cảm thấy mình bị bỏ rơi bởi các chính trị gia truyền thống.

Chiến lược mới cho kỳ bầu cử

Đội ngũ của ông Trump đã sớm nhận ra yếu tố kinh tế và bối cảnh bên ngoài có thể quyết định quan điểm của cử tri trong kỳ bầu cử 2024 hơn là bất kỳ nỗ lực nào của ông trong việc lấy lòng các cử tri. Thay vì cố gắng thuyết phục những người từng quay lưng với ông, ông Trump hướng đến xây dựng một liên minh mới tại các bang chiến trường - những bang có thể quyết định kết quả bầu cử.

Ông cam kết với những nhân vật cấp cao đảng Tự do (đảng lớn thứ ba ở Mỹ) về một vị trí trong nội các, hứa hẹn với các công nhân ô tô ở Michigan rằng sẽ hỗ trợ quyền lợi của họ và đưa ra các gói giảm thuế cho các nhóm cử tri trọng yếu. Ông cũng thực hiện các buổi vận động tại những khu vực vốn là thành trì của đảng Dân chủ để nỗ lực giành lấy phiếu phổ thông và tiến hành chiến dịch nhắm đến nhiều nhóm cử tri mà trước đây thường trung thành với đảng Dân chủ.

Wiles và giám đốc chính trị James Blair đã áp dụng một chiến lược nhắm vào các cử tri ít đi bầu, bao gồm cả việc hợp tác với các tổ chức bên ngoài như Turning Point Action của Charlie Kirk và Ủy ban hành động chính trị (America PAC) của tỷ phú Elon Musk. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, siêu PAC của ông Musk đã chi hơn 140 triệu USD để tăng cường sự ủng hộ cho ông Trump, trong đó có hơn 80 triệu USD được sử dụng vào các hoạt động quảng bá và chiến dịch trực tiếp.

Ông Trump sẽ có thêm 4 năm chèo lái nước Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Tại Arizona, Turning Point đã triển khai một chương trình vận động có tên “Chase the Vote”, nhắm đến việc thiết lập mối quan hệ cá nhân với từng cử tri nhằm đảm bảo họ sẽ đi bỏ phiếu. Một tuần trước cuộc bầu cử, một nguồn tin tiết lộ rằng Turning Point đã thu hút được sự ủng hộ của hơn 125.000 cử tri ít đi bầu tại Arizona - con số này lớn hơn số lá phiếu mà ông Trump giành được thua kém so với đối thủ Joe Biden tại bang này cách đây 4 năm.

Nỗ lực vào phút chót

Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch, đội ngũ của ông Trump đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Trump xuất hiện muộn tại các sự kiện, đôi khi nói chuyện dài dòng và không kiểm soát, còn các đám đông ngày càng giảm sút. Tại một buổi vận động ở Madison Square Garden, ông Trump đã vô tình đưa ra một câu nói đùa gây tranh cãi về cộng đồng người gốc Mỹ Latin. Sự cố này khiến đội ngũ tranh cử của ông lo lắng vì có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực thu hút sự ủng hộ từ nhóm cử tri quan trọng này.

Với áp lực thời gian trước Ngày bầu cử, ông Trump và các đồng minh đã cố gắng khuyến khích cử tri nam giới đi bỏ phiếu. Elon Musk và các nhân vật có ảnh hưởng khác đăng tải các lời kêu gọi trực tuyến. Ông Trump tự mình ghi âm lời nhắn gửi nam giới ở Mỹ, rằng “hãy đứng lên từ chiếc ghế êm ái ấy và đi bầu cử”. Ngày 4/11, Trump vẫn thực hiện hàng loạt cuộc vận động tranh cử, và vận động xuyên đêm sang ngày 5/11 (ngày bầu cử), cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của ông cho đến những giây phút cuối cùng.

Dù có sự căng thẳng phút cuối, các trợ lý của ông Trump đã thực hiện chiến dịch có chiến lược nhất từ trước đến nay, giúp ông thu hút sự ủng hộ từ mọi nhóm cử tri mà ông nhắm đến. Trump đã khẳng định trong bài phát biểu chiến thắng: “Những người góp phần vào chiến thắng của tôi, họ đến từ khắp nơi: công nhân đoàn thể, người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, người gốc Á, người Hồi giáo, người Mỹ gốc Ả Rập".

“Đây là một sự trở lại lịch sử, quy tụ mọi người dân từ mọi tầng lớp xung quanh những giá trị chung”, ông Trump nói.

_______________________

Sự trở lại của Donald Trump được cho là một dấu hiệu cho thấy nước Mỹ bước vào thời kỳ mới đầy thử thách và thay đổi sâu sắc. Nội dung này sẽ được đề cập trong bài kỳ 2, xuất bản vào 20h30 ngày 8/11.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hanh-trinh-phi-thuong-cua-ong-trump-20424071120300285.htm