Hành trình 'làm ngơ' của UBND TP Hà Nội trong vụ thu 13 tỷ rồi không làm đường

5 năm, để có đường vào cho cán bộ, nhiều lần Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc đã gửi văn bản kiến nghị tới cơ quan chức năng TP Hà Nội. Cũng trong ngần ấy thời gian, chính quyền TP. Hà Nội luôn im lặng và không hề có động thái mở đường cho tòa nhà Tổng cục Dân số.

Tòa nhà Tổng cục Dân số 5 năm không có đường.

Tòa nhà Tổng cục Dân số 5 năm không có đường.

Báo Gia đình và Xã hội xin cung cấp tới bạn đọc những bằng chứng cụ thể, chứng minh sự chây ì đến khó tin của các ban, ngành thành phố Hà Nội trong vụ việc thu 13 tỷ rồi không làm đường khiến gần 1.000 cán bộ Bộ Y tế phải bỏ tiền thuê đường vào cơ quan.

Như Báo Gia đình và Xã hội đã thông tin, năm 2010, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính với UBND TP Hà Nội số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Nội dung trong 2 giấy rút vốn, chuyển tiền đầu tư năm 2010 của Tổng cục DS-KHHGĐ cho Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy ghi rõ số tiền hơn 13 tỷ đồng nêu trên là “chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT mới Cầu Giấy” và “chi phí hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật”.

Nhận tiền xong, đến gần 9 năm sau, đơn vị đóng tiền vẫn không được đầu tư đường vào. Để có đường cho cán bộ vào cơ quan làm việc, ngày 4/7/2013, ông Hồ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã ký công văn số 429/TCDS-VP gửi UBND quận Cầu Giấy, Ban quản lý Dự án quận Cầu Giấy đề nghị các đơn vị này thực hiện đầu tư hạ tầng, đường vào tòa nhà.

Văn bản gửi đi nhưng Tổng cục DS-KHHGĐ vẫn không hề nhận được bất kỳ phản hồi nào. Trước đó, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phải gửi văn bản cho đơn vị kế bên để “xin” cho cán bộ, nhân viên đi nhờ.

Cụ thể, ngày 3/7/2013, ông Hồ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ ký văn bản số 427/TCDS-VP gửi Công ty CP hỗ trợ phát triển công nghệ Deltech để nhờ đơn vị này:

“Cho phép đi qua theo dọc tuyến đường tạm từ đất của Tổng cục DS-KHHGĐ ra đường Tôn Thất Thuyết để thi công hệ thống cấp, thoát nước… Trong khi chờ Ban quản lý dự án KĐT mới Cầu Giấy đầu tư hạ tầng, kỹ thuật từ khu Tiểu thủ công nghiệp sang đường Tôn Thất Thuyết, đề nghị quý công ty cho sử dụng đường tạm mà quý công ty đã đầu tư để… có đường cho cán bộ công chức, viên chức Tổng cục DS-KHHGĐ đến trụ sở làm việc hằng ngày”.

Phần đường vào đi thuê của gần 1.000 cán bộ Bộ Y tế.

Đến năm 2015, 2 năm sau khi tòa nhà đi vào vận hành, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế đã gửi văn bản số 5643/BYT-VPB1 gửi Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội với nội dung đề nghị TP Hà Nội bố trí lịch họp với lãnh đạo Bộ Y tế để giải quyết vấn đề đường vào nêu trên. Tuy nhiên, đường vẫn không được Hà Nội đầu tư.

Tiếp đó, ngày 22/11/2016, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc triển khai công tác y tế trên địa bàn thành phố.

Trong các nội dung đề nghị của Bộ Y tế tới UBND TP Hà Nội có ghi: “Bố trí đường ra vào cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế tại trụ sở của Tổng cục DS-KHHGĐ, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm để Bộ Y tế triển khai các hoạt động đảm bảo đúng tiến độ”.

Sau đó, ngày 13/7/2017, tại trụ sở của Tổng cục DS-KHHGĐ, đại diện các đơn vị liên quan trong đó có lãnh đạo UBND, Ban quản lý dự án 2 quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm đã họp, thống nhất ủng hộ tiếp tục triển khai dự án đường vào nêu trên.

Ngày 6/9/2017, UBND quận Cầu Giấy gửi công văn số 307/BC-UBND tới UBND thành phố Hà Nội báo cáo về việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 – Khu đô thị mới Cầu Giấy. Văn bản này đưa ra thực trạng đầu tư chưa đồng bộ, hoàn thiện khiến các cơ quan nhà nước không có đường vào.

UBND quận Cầu Giấy kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục cho UBND quận thực hiện quyền được thẩm định, phê duyệt các dự án GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần còn lại của ô đất lô D20 theo văn bản ủy quyền số 4886/UBND-KH&ĐT ngày 16/6/2011 của UBND thành phố Hà Nội.

Quận đề xuất UBND thành phố giao UBND quận Nam Từ Liêm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích thuộc địa giới hành chính của quận Nam Từ Liêm. Về nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án, UBND quận Cầu Giấy đề nghị lấy từ Quỹ phát triển đất thành phố.

Từ các dữ liệu nêu trên cho thấy đã có hàng loạt văn bản kiến nghị từ Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ, UBND quận Cầu Giấy nhưng UBND TP Hà Nội vẫn làm ngơ. Hàng ngày, gần 1.000 cán bộ Bộ Y tế vẫn phải đi thuê đường vào cơ quan để thực thi công vụ.

Trước thực trạng “trái khoáy” này, ông Nguyễn Đức Chung và các lãnh đạo TP Hà Nội sẽ có chỉ đạo gì? Báo Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc tới quý độc giả.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hanh-trinh-lam-ngo-cua-ubnd-tp-ha-noi-trong-vu-thu-13-ty-roi-khong-lam-duong-20181102113843149.htm