Hành trình khó của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Nam Á

Chuyến công du Nam Á ngày 5/9 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis không hề 'dễ thở', trong bối cảnh quan hệ của Washington với Islamabad và New Delhi còn nhiều trắc trở.

Bốn ngày trước chuyến thăm, Lầu Năm góc đã công bố quyết định cắt 300 triệu USD thuộc Quỹ Hỗ trợ Liên minh (CSF) cho Pakistan, cho rằng Islamabad đã thất bại trong việc truy quét khủng bố tại quốc gia Nam Á này. Đáp lại, Thủ tướng Pakistan Imran Khan khẳng định sẽ không lùi bước trước bất cứ đề nghị “đơn phương” nào từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Ngoại trưởng Pakistan Shah Qureshi thì cho rằng khoản tiền trên không phải viện trợ, mà là tiền đền bù cho tổn thất của người dân Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố.

Quốc gia láng giềng của Pakistan là Ấn Độ cũng đang tỏ ra bối rối trong việc xử lý quan hệ với Mỹ. Chuyên gia Đối ngoại của báo The Hindu, bà Suhasini Haidar nhận định chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi “không chắc chắn về việc hợp tác với chính quyền của Tổng thống Trump” và “ông Trump sẽ không đối xử với Ấn Độ nhiệt thành như những người tiền nhiệm”. Trong khi đó, New Delhi tiếp tục có vị thế quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, đóng vai trò then chốt trong Tứ giác An ninh tại khu vực này. Do đó, nhiệm vụ của Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trong chuyến đi lần này là hàn gắn lại quan hệ Mỹ - Pakistan, duy trì cam kết trong bang giao với Ấn Độ, củng cố sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Nam Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) sẽ có chuyến công du Nam Á trong tuần này. (Ảnh: TNS)

Gương vỡ có lành?

Ngày 5/9, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có mặt tại Islamabad để “xoa dịu” các quan chức Pakistan rằng bất chấp những lời chỉ trích, Washington mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Islamabad, đặc biệt là hợp tác trong các chiến dịch truy quét khủng bố.

Ông cũng cần có lý giải cụ thể về việc Mỹ “tái cơ cấu” 300 triệu USD viện trợ cho Pakistan. Một số chuyên gia cho rằng sử dụng cụm từ “tái cơ cấu” cho thấy Washington có thể cung cấp lại khoản tiền này một khi Islamabad tuân thủ điều khoản do Mỹ đặt ra. Lầu Năm góc cho rằng Pakistan cần có động thái quyết liệt hơn trong các chiến dịch truy quét khủng bố, tiêu diệt lực lượng Taliban đồn trú tại đây, qua đó chấm dứt tình trạng xung đột liên miên ở Afghanistan.

Thêm vào đó, trong bối cảnh nền kinh tế của Pakistan đang gặp nhiều khó khăn và phải tìm kiếm viện trợ từ Quỹ Tiện tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (IMF), Washington có thể sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình tại hai tổ chức này để giúp Islamabad giành được gói trợ cấp mới. Quan trọng hơn, động thái trên có thể “kéo” Pakistan về phía Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày một thân thiết với chính quyền của Thủ tướng Imran Khan, sau khi công bố sẽ cho quốc gia Nam Á vay tới 10 tỷ USD hồi tháng Tám.

Kết nối tới New Delhi

Sau chặng dừng chân Islamabad, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ “hội quân” với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại New Delhi ngày 6/9. Cải thiện quan hệ với Mỹ đã từng là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi khi nhậm chức năm 2014, song ở thời điểm hiện tại, khi quan hệ Mỹ - Ấn không còn như xưa, ông đang tìm kiếm những lựa chọn khác. Một trong số đó là cải thiện quan hệ với Nga và Trung Quốc. Đây rõ ràng không phải là điều Mỹ muốn thấy ở Ấn Độ, quốc gia then chốt trong chiến lược Tứ giác An ninh của Washington tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đến với New Delhi lần này, Ngoại trưởng Mike Pompeo cần chứng tỏ rằng tương tự như với người tiền nhiệm Rex Tillerson, ông cũng mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Ấn, giải quyết những thách thức còn tồn tại trong quan hệ hai bên, cụ thể là thuế thương mại và quan điểm của Washington về việc buộc New Delhi dừng nhập dầu của Tehran hay vũ khí của Moscow.

Khác với Pakistan, Ấn Độ vẫn đang duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ: Thương mại song phương đạt mức 126 tỷ USD năm 2017, với 18 tỷ USD đến từ các hợp đồng mua vũ khí Mỹ. Ở Nam Á, New Delhi tiếp tục là “trường thành” ngăn chặn quá trình mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực thông qua nhiều hoạt động đầu tư tại Pakistan, Sri Lanka, Maldives và Nepal. Tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, chính quyền của Thủ tướng Modi là trụ cột trong Tứ giác An ninh, đảm bảo an ninh hàng hải, ngăn chặn mọi hành động có thể gây phức tạp tình hình. Do đó, điều ông Pompeo cần làm là tái khẳng định cam kết của Washington với New Delhi, tiếp tục coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược trong khu vực và trên thế giới.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ thảo luận về mở rộng hợp tác quốc phòng với người đồng cấp Ấn Độ Nirmala Sitharaman, không chỉ dừng lại ở việc đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPCOM) và những hợp đồng mua bán vũ khí. Một trong các chủ đề tham luận song phương có thể là xây dựng một cơ chế phối hợp cụ thể hơn giữa các nước bộ Tứ.

Hòa hảo với Pakistan, khẳng định cam kết với Ấn Độ chỉ trong vài ngày sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản dành cho Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức sẽ là cách mà hai quan chức hàng đầu của chính quyền Mỹ chứng tỏ bản lĩnh, tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Nam Á.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/hanh-trinh-kho-cua-ngoai-truong-va-bo-truong-quoc-phong-my-toi-nam-a-77352.html