Hành trình khám phá nét đẹp truyền thống

'Chuyện kể đất phương Nam' là phóng sự tư liệu về những nét đẹp trong văn hóa, đời sống của người Nam bộ từ xưa đến nay. Những giá trị truyền thống vẫn được giữ qua những câu chuyện giàu cảm xúc từ những người con của mỗi vùng đất. Chương trình phát sóng lúc 8h10, thứ sáu hàng tuần, trên kênh THVL1.

Bà Neang Samon (An Giang), người gắn bó lâu đời với nghề dệt ở làng thổ cẩm Văn Giáo.

Chuyện kể đất phương Nam” ra mắt lần đầu tháng 5-2019, là chương trình khám phá những vùng đất, con người, làng nghề qua những câu chuyện mộc mạc. Mỗi chương trình khoảng 20 phút, phản ánh đa dạng các lĩnh vực trong đời sống của người Nam bộ xưa và nay, đặc biệt là những nét đẹp về người con trong đời sống văn hóa tinh thần. Ở đó có những câu chuyện về lịch sử, đậm chất tư liệu với “Điện ảnh bưng biền và bộ phim tài liệu đầu tiên”, hay “Trăm năm Dạ cổ hoài lang”, cho đến những câu chuyện giữ lửa nghề của con người mộc mạc trong “Tinh hoa nghề Việt”.

“Điện ảnh bưng biền và bộ phim tài liệu đầu tiên” là câu chuyện lịch sử gắn với sự ra đời của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển ở Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chương trình khởi nguồn từ câu chuyện về phim tài liệu đầu tiên “Trận Mộc Hóa”, một trong những trận chiến oanh liệt của Tiểu đoàn 307. Chương trình đưa người xem đến gặp gỡ nhà quay phim, đạo diễn Hồ Văn Tây (87 tuổi), một trong những người quay phim “Trận Mộc Hóa”. Từ đó, người xem hiểu hơn về quá trình ra đời của điện ảnh và phim tư liệu đầy sống động, nhưng không kém phần khắc nghiệt, nguy hiểm. Với “Trăm năm Dạ cổ hoài lang” lại đưa người xem về vùng đất Bạc Liêu, để tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người để lại cho đời kiệt tác Dạ cổ hoài lang.

“Tinh hoa nghề Việt” lại là loạt phóng sự 4 tập về những làng nghề lâu đời ở Nam bộ, đó là: Gốm Biên Hòa, Mây, Hương và Lụa. Nếu như Gốm Biên Hòa là câu chuyện kể về những người con tài hoa hết lòng gìn giữ thương hiệu gốm lâu đời ở xứ Đồng Nai, thì tập Mây lại phác thảo đời sống mộc mạc của những người dân gắn bó với làng nghề đan đát, làm thúng, đan lọp ở Cần Thơ, Củ Chi. Trải bao thăng trầm, khó khăn của cuộc sống, những con người gắn bó với làng nghề vẫn không ngừng nỗ lực giữ nghề và sáng tạo. Ví như anh Lê Văn Quyết (Củ Chi) từ tay nghề đan mây tre đã làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh tế, đẹp mắt, tìm được lối ra cho làng nghề. Ở tập “Tinh hoa nghề Việt: Hương” không chỉ đưa người xem về làng nghề làm nhang nổi tiếng Lê Minh Xuân (Bình Chánh) mà còn là câu chuyện giữ lửa, yêu nghề, sáng tạo của chị Lê Cát Bụi Thúy (Bến Tre) khi làm ra nhang sinh học từ cây quao. Cũng trong loạt phóng sự nghề Việt, tập Lụa lại đưa người xem về những làng nghề dệt lụa ở An Giang, Đồng Tháp, nghe những câu chuyện kể giữ nghề của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer… để hiểu hơn về quá trình làm ra những mảnh lụa đẹp.

Những câu chuyện kể trong “Chuyện kể đất phương Nam” cô đọng, giàu cảm xúc, phản ánh chân thực đời sống của người Nam bộ.

Bảo Lam

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hanh-trinh-kham-pha-net-dep-truyen-thong-a119822.html