Hành trình Kafka ở Việt Nam

Trải qua hơn nửa thế kỷ, Franz Kafka vẫn hiện diện trong lòng những người yêu văn chương đất Việt.

Franz Kafka (1883 -1924) là một gương mặt lớn có ảnh hưởng sâu sắc tới văn chương thế kỷ XX và hôm nay. Từ hơn nửa thế kỷ trước, Kafka đã được dịch, đọc và nghiên cứu tại Việt Nam.

Cho tới ngày nay, tác phẩm của ông vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng, chinh phục thế hệ độc giả trẻ.

"Vệt Kafka"

Nhắc đến Kafka người đọc hiện nay nghĩ ngay đến chùm tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài và truyện vừa Hóa thân. Sau này nữa là tiểu thuyết Nước Mỹ (Kẻ mất tích).

Cùng đó là chùm truyện ngắn đặc sắc như: Hang ổ, Trại lao cải, Trước cửa pháp luật, Vô địch nhịn ăn, Một thầy thuốc nông thôn, Người cưỡi xô, Thông điệp của hoàng đế, Làng gần nhất

Nhưng cũng xin nhắc lại một chút (đặc biệt nội dung Vụ án Lâu đài Hóa thân) để người đọc có thể hình dung thêm chút nữa về “vệt Kafka”. Nó kéo dài từ đầu thế kỉ 20 cho đến tận bây giờ, chắc chắn cả về sau nữa.

Tính phi lý, những tiên tri xuyên suốt trong các tác phẩm của Kafka, có ảnh hưởng lớn tới các trào lưu, chủ nghĩa văn chương, triết học sau này.

Tính phi lý, những tiên tri xuyên suốt trong các tác phẩm của Kafka, có ảnh hưởng lớn tới các trào lưu, chủ nghĩa văn chương, triết học sau này.

Kafka ảnh hưởng đến nhiều nhà văn nổi tiếng sau này như Jorge Luis Borges, Albert Camus, Jean Paul Sartre, Gabriel Garcia Marquez, Jose Saramago, J.D.Salinger,Salman Rushdie, Margaret Atwood, Haruki Murakami…

Trong đó Haruki Murakami thậm chí còn dùng mẫu hình nhân vật Gregor Samsa để viết nên truyện ngắn Gregor Samsa yêu của riêng mình.

Tiểu thuyết Vụ án kể về Josef K, nhân viên ngân hàng gương mẫu, sinh nhật lần thứ 30 anh thức dậy và nhận được lời tuyên án, trong khi anh không biết anh phạm tội gì, người tuyên án anh cũng vậy, họ chỉ làm theo lệnh.

Josef K những ngày sau vô vọng tìm đáp án về tội lỗi của mình trong mê cung pháp luật rối tựa tơ vò, thậm chí “năn nỉ” một tội lỗi theo pháp luật hoặc một tên gọi chỉ tội lỗi cũng không được, đến sự chống đỡ với mọi khả năng của bản án không tưởng sắp gieo xuống đầu mình cũng rất mù mờ. Tất cả đều vô ích. Cuối cùng anh bị đẩy đến cái chết khó hiểu, cay đắng thốt lên: “Như một con chó”.

Lâu đài vẫn trong hành trạng tìm kiếm ấy; nhân vật K nhận làm người đạc điền đi tìm lâu đài, nơi người ta gọi anh đến nhưng không có giấy tờ nào ghi cụ thể cả. Nghề nghiệp của K cũng do K tự nhận, rất mông lung.

Những tác phẩm của Kafka, cùng các công trình nghiên cứu về ông đã xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Kafkafestivalhanoi.

Ở ngôi làng dưới chân lâu đài anh đã nghe rất nhiều chuyện về người trong lâu đài, về cuộc sống của nó. Nhưng lâu đài ở đâu thì chẳng ai biết cả. Càng tìm càng xa, tiểu thuyết kết thúc (bỏ dở) khi việc tìm kiếm vẫn đang diễn ra trong vô vọng.

Cuối cùng là Hóa thân, câu chuyện ở đây có vẻ đơn giản hơn, cái phi lý bắt đầu ngay từ đầu. Buổi sáng Gregor Samsa tỉnh dậy và thấy mình biến thành một con bọ khổng lồ.

Câu chuyện sau đó là cuộc cầm cự của anh với thân hình mới cùng mối quan hệ với gia đình ngày càng trở nên tồi tệ. Cuối cùng Gregor chết, gia đình cảm thấy nhẹ nhõm và tổ chức một chuyến đi chơi ở đồng quê.

Xuyên suốt ba tác phẩm được coi là tiêu biểu nhất của Franz Kafka người ta nhận ra được tính phi lý trong tác phẩm của ông. Một người đi tìm tội lỗi của mình, người đi tìm lâu đài, đỉnh điểm là người tỉnh dậy bỗng hóa thành con bọ. Những gì con người hiện đại gặp phải, có chăng đều điên rồ như thế.

Người ta không thể nào cắt nghĩa được hiện tại, cắt nghĩa được tình huống gieo mình vào. Con người bỗng trở nên vô vọng, mất phương hướng, tất cả các cánh cửa đều đóng sầm trước mắt. Đặc biệt bên cạnh cái chết rất phi lý còn là cái sống, cái sống sao mà chán chường đến thế. Cảm giác “buồn nôn” căng ứ trong từng hành động, lời nói, suy nghĩ.

Phải chăng xuất phát từ điều này, cùng với việc chủ nghĩa hiện sinh nhận Kafka làm "ông tổ" của mình mà Franz Kafka được dịch và đưa vào miền Nam từ khá sớm.

Song hành với việc dịch tác phẩm là các chuyên luận nghiên cứu văn học, triết học, văn hóa xã hội có đề cập tới sáng tác của Kafka.

Hành trình Kafka tại Việt Nam

Về các chuyên luận nghiên cứu đề cập tới sáng tác của Kafka ta có thể điểm tên vài ví dụ như: Vài nét về văn chương nước Mỹ của tác giả Văn Quỹ, in trên tạp chí Bách Khoa số 1 năm 1957, Những niềm xao xuyến và hy vọng của văn nghệ châu Âu hiện đại của tác giả Nguyễn Nam Châu, in trên tạp chí Đại Học số 11 năm 1959.

Cũng phải kể đến Trình bày và phê bình hai quan niệm nổi loạn của Albert Camus của tác giả Thạch Chương, in trên tạp chí Sáng Tạo số 3 năm 1960, Quan niệm về con người qua các giai phẩm của thời đại thế giới và Việt Nam của tác giả Đào Đăng Vỹ, in trên tạp chí Quê Hương tháng 12/1960, Thử đặt lại vấn đề văn hóa Việt Nam ngày nay của tác giả Nguyễn Văn Trung, in trên tạp chí Văn Học số 40 năm 1965…

Về tác phẩm của Kafka, có một vài bản dịch truyện ngắn có thể kể đến như: Trầm tưởng, Thạch Chương dịch, Tạp chí Sáng Tạo số 4 bộ mới năm 1960, Giấc mơ, Bửu Minh dịch và giới thiệu, Tạp chí Chiều hướng mới năm 1964.

Đến tạp chí Văn số 39, ra ngày 1/8/1965 thì Kafka được giới thiệu thành hẳn một chuyên đề giới thiệu về cuộc đời nhà văn. Cũng trong số tạp chí này in truyện Một bác sĩ vùng quê do Hoàng Ưng dịch. Đến năm 1966 một tác phẩm được coi dài hơn, trọn vẹn của Kafka được dịch là Hóa thân do Hạnh Chương Ngọc dịch từ tiếng Pháp.

Ở miền Bắc không khí tiếp nhận văn chương của Kafka có vẻ im ắng hơn trong cùng giai đoạn với miền Nam. Với những gì có chỉ là vỏn vẹn một bài viết nghiên cứu về sáng tác của Kafka là Fran-zơ Káp-ka và vấn đề huyền thoại trong văn học của Hoàng Trinh, tạp chí Văn Học số 5 năm 1970.

Thậm chí trong cuốn Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa của Đỗ Đức Hiểu, NXB Văn học năm 1978 thì Franz Kafka cũng được nhắc đến không mấy thiện cảm.

Tác giả Franz Kafka.

Phải hơn mười năm sau văn chương Franz Kafka mới lần đầu tiên xuất hiện với hình hài đầy đủ ở miền Bắc qua bản dịch Vụ án - Hóa thân, NXB Văn học năm 1989.

Bản dịch gồm hai truyện: Vụ án, Phùng Văn Tửu dịch (từ bản tiếng Pháp Le Procès, NXB Gallimard, 1957) và giới thiệu. Hóa thân, Đức Tài dịch (từ bản tiếng Anh Metamorphosis của Willa và Edwin Muir, NXB Penguin Books, 1961), Dương Tường hiệu đính.

Cũng từ đây trở đi con đường xâm nhập vào vùng đất mới của Kafka mới thực sự dễ dàng. Về tác phẩm có Lâu đài do Trương Đăng Dung dịch, NXB Văn học năm 1998, Tuyển tập Franz Kafka, NXB Hội nhà văn năm 2003 (gồm Vụ án, Lâu đài, Hóa thân, truyện ngắn, Thư từ); Thư gửi bố do Đinh Bá Anh dịch, NXB Hội nhà văn năm 2013.

Năm 2015 và 2016 Vụ Án Lâu đài được Lê Chu Cầu dịch từ nguyên bản tiếng Đức, NXB Văn học thực hiện. Cùng năm 2016 Nước Mỹ (Kẻ mất tích) được Lê Chu Cầu dịch, NXB Văn học thực hiện, có thể coi là chấm dứt một vòng, chuỗi tác phẩm của Franz Kafka trên đất Việt. Người đọc Việt giờ có thể tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm của Kafka thông qua thứ tiếng mẹ đẻ của mình.

Bên cạnh đó là rất nhiều nghiên cứu về Franz Kafka của các nhà nghiên cứu nước ngoài được dịch ở Việt Nam như Milan Kundera, Jorge Luis Borges, Karelski, Gilles Deleuze và Félix Guattari, Georges Bataille, Emst Fisher…

Cạnh đó là vô số luận án, luận văn nghiên cứu về Kafka ở Việt Nam. Về tác phẩm văn học viết về cuộc đời Franz Kafka được dịch thì có cuốn tiểu thuyết Phút tráng lệ cuối đời của Michael Kumpfmüller .

Trải qua hơn nửa thế kỷ chu du qua các không khí chính trị, qua một cuộc chiến “phi lý” thì Franz Kafka vẫn đang hiện diện trong lòng những người yêu văn chương đất Việt. Những người tìm đến với Kafka ngày càng trẻ hơn.

Họ nhận thấy trong văn chương ông một tiếng nói chung của bế tắc, chán chường. Họ soi vào đấy để tìm lại chính bản ngã của mình. Một con bọ trong sáng sớm thức dậy. Một lâu đài nào đó không biết nơi đâu? Một công việc ơ hờ có cũng như không?

Một lời kết án từ trên trời rơi xuống không dành cho người bị kết án. Văn chương Franz Kafka vì thế còn thật cần cho ngày hôm này. Bởi cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì cái phi lý càng căng ứ bấy nhiêu.

Trong thế kỷ 20, có ba nhà văn tạo nên bước ngoặt của tiểu thuyết thế giới, gồm Franz Kafka (Cộng hòa Czech), James Joyce (Ireland) và Marcel Proust (Pháp). Chúng ta may mắn vì hiện giờ đã có thể tìm hiểu Franz Kafka một cách gần như đầy đủ. (Marcel Proust thì chỉ một phần nhỏ của bộ Đi tìm thời gian đã mất (gồm 7 tập).

James Joyce thì đã có tiểu thuyết Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ và tập truyện ngắn Người Dublin được dịch. Nhưng tác phẩm lớn nhất và cũng khó dịch nhất của ông là tiểu thuyết Ulysses thì vẫn “nằm ngoài khả năng của giới dịch thuật Việt Nam” (như dịch giả Dương Tường nói).

Điểm qua như vậy để thấy Kafka Festival 2018 (đang diễn ra từ ngày 5/3 tới 14/4 tại Hà Nội) là một dịp may mắn hiếm hoi để người yêu mến Kafka có thể tìm hiểu sâu hơn về di sản văn học; cũng như cuộc đời, con người, tính cách ông, một tượng đài kỳ vĩ của những trường phái văn học - triết học về sau như phi lí, hiện thực huyền ảo, hiện sinh, hậu hiện đại.

Phương Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-trinh-kafka-o-viet-nam-post830598.html