Hành trình 'hồi sinh' mũ vua triều Nguyễn

Bốn chiếc mũ vua triều Nguyễn nằm trong kho báu do triều Nguyễn để lại và giao cho Chính phủ Việt Nam lưu giữ trước khi trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã được phục dựng nguyên trạng bởi bàn tay của một nghệ nhân tài hoa.

Bằng tất cả niềm đam mê và công sức tìm tòi, nghệ nhân Vũ Kim Lộc (hiện đang sinh sống tại Quận 1, TPHCM), gương mặt quen thuộc trong giới đồ cổ Việt Nam đã phục chế thành công 4 chiếc mũ vua triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Nghệ nhân Vũ Kim Lộc (áo trắng) cùng các chuyên gia bên chiếc mũ vua triều Nguyễn được phục dựng thành công. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Vũ Kim Lộc (áo trắng) cùng các chuyên gia bên chiếc mũ vua triều Nguyễn được phục dựng thành công. Ảnh: NVCC

Trước khi bén duyên với nghề phục dựng, ông Vũ Kim Lộc là thợ kim hoàn. Do đặc thù công việc, ông thường xuyên tiếp xúc với giới sưu tầm cổ vật cũng như nhiều trang sức cổ. Sau đó, ông đúc rút kinh nghiệm và “thử tài” với việc nghiên cứu, sưu tầm cổ vật.

Cơ duyên cuộc đời

“Nghiên cứu đồ cổ ngấm vào cuộc sống thường nhật. Tôi đam mê nhất là các bức tượng cổ, đặc biệt là phần mũ miện trên những bức tượng ấy. Cứ nghe nơi đâu có tượng là tôi tìm đến xin xem và chụp hình. Tôi cũng tìm nhiều tư liệu, tranh ảnh, sách sử để phục vụ cho nghiên cứu”, ông Vũ Kim Lộc chia sẻ.

Qua thời gian, bộ sưu tập mũ miện của ông Lộc ngày càng lớn, trong đó có nhiều mũ miện triều Nguyễn. Và cơ duyên tình cờ đưa ông đến với nghề phục dựng xuất hiện hơn 10 năm trước.

“Một người bạn đưa cho tôi chiếc mũ không còn nguyên vẹn của vị vua người Chăm và hỏi tôi có thể phục dựng không. Suy nghĩ một hồi, tôi đồng ý”, ông Lộc kể. Những tháng sau đó, ông quên ăn, quên ngủ lao vào nghiên cứu công đoạn đan cốt, làm khuôn. Có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê vô tận của mình, ông Lộc đã phục dựng thành công chiếc mũ trước sự ngỡ ngàng của giới nghiên cứu, bảo tàng trên cả nước.

Sau đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đề nghị ông Lộc phục hồi lại bốn chiếc mũ của các vị vua triều Nguyễn, nằm trong kho báu do triều Nguyễn để lại và giao cho Chính phủ Việt Nam lưu giữ trước khi trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trong đó, có ba mũ được xác định là mũ Đại triều và một miện Tế Giao. Đây là những hiện vật quý giá, nhưng qua thời gian đã bị hư hỏng, biến dạng.

Trước khi được phục dựng thành công, chiếc mũ vua bị hỏng nghiêm trọng. Ảnh: NVCC

Ông Lộc kể, khi nhận chiếc túi vải đựng bốn chiếc mũ từ tay TS. Phạm Quốc Quân (khi đó là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) ông đã không khỏi bất ngờ, xúc động dù đã được nghe nói trước đó rất nhiều. “Bằng niềm tin và sự ngưỡng vọng với lịch sử, tôi tin mình sẽ phục dựng được. Tôi quyết định nhận lời”, người nghệ nhân tài hoa với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề hồi tưởng.

Mở ra hướng đi mới

Để có thêm tư liệu phục dựng, ông Lộc cất công ra Huế và liên hệ với các cơ quan quản lý di sản, bảo tồn để được tạo điều kiện vào lăng tẩm, đền đài. Sau nhiều lần đi đi về về, cùng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, ông mới bắt tay thực hiện công đoạn quan trọng nhất: Phục dựng.

Ròng rã 11 tháng, cuối cùng 4 chiếc mũ triều Nguyễn cũng được phục dựng thành công với rất nhiều kỹ - mỹ thuật truyền thống từ sắp xếp chi tiết đến hoa văn, dệt sợi… Trên mỗi chiếc mũ Đại triều khi phục dựng thành công có đính 31 con rồng bằng vàng, 30 đóa hoa vuông khảm ngọc, 140 hạt kim cương và trân châu. Riêng miện Tế Giao có 12 con rồng, 24 dải tua kết bằng hạt trân châu cùng đá quý.

TS.Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết, ông không khỏi trầm, trồ thán phục tài năng, công sức của người nghệ nhân khi ngắm nhìn 4 chiếc mũ được phục dựng thành công.

Một trong bốn chiếc mũ vua được phục dựng. Ảnh: NVCC

Theo TS. Phạm Quốc Quân, mũ miện là hiện vật rất quan trọng khi trưng bày các trang phục của triều Nguyễn. Nếu thiếu mũ miện thì bộ sưu tập không thể trọn vẹn. Việc phục dựng 4 chiếc mũ giúp chúng ta hình dung được một bộ trang phục cung đình Huế từ thường triều cho đến đại triều. Đó vừa là một di sản vật thể, vừa thể hiện tinh hoa tài năng của nghệ nhân triều Nguyễn.

Điều khiến TS. Phạm Quốc Quân ngạc nhiên nữa là tuy không được học hành bài bản trong lĩnh vực bảo tàng nhưng với lòng say mê, yêu nghề, ông Vũ Kim Lộc đã tìm tòi, khám phá và hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc bảo tàng. Hành trình phục dựng của ông Lộc còn mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn các trang phục cung đình triều Nguyễn.

Từ nghiên cứu, phục dựng đến viết sách

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu, phục dựng của mình, nghệ nhân Vũ Kim Lộc đã và đang kể lại câu chuyện của chính mình bằng những trang viết. Hiện ông Lộc miệt mài viết cuốn “Mũ miện triều Nguyễn” dự kiến sẽ cho ra mắt vào cuối năm 2021.

Trước đó, ông cũng đã phối hợp với TS. Phạm Quốc Quân xuất bản cuốn “Hồi sinh - Câu chuyện phục hồi bốn mũ vua triều Nguyễn” (NXB Văn hóa Dân tộc). Cuốn sách gồm những thông tin, tư liệu và hình ảnh quý giá về quá trình phục hồi bốn chiếc mũ của các vua triều Nguyễn từ khi còn hư hỏng cho đến lúc hoàn chỉnh.

Minh An

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/hanh-trinh-hoi-sinh-mu-vua-trieu-nguyen/425384.vgp