Hành trình giành lại sự sống của những trẻ sơ sinh non yếu

Mỗi năm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận, điều trị cho hàng trăm trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, trong đó có những bé có trọng lượng chỉ khoảng 500-600 gram.

Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh non yếu tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh.

Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh non yếu tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh.

Để có thể nuôi dưỡng, điều trị thành công cho các bé, mang lại niềm vui cho các gia đình, mỗi y, bác sĩ trong Khoa Sơ sinh của Bệnh viện đều gắng sức, mang tinh thần và trách nhiệm như những “người mẹ thứ hai” của các bé.

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1.000 gram, sinh non tháng, cơ thể chưa hoàn thiện là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tận tình của các y, bác sĩ, chỉ cần một lỗi nhỏ hoặc lơ là một vài tích tắc là ảnh hưởng đến tính mạng một sinh mạng.

Chị Nguyễn Thị Thư, quê tại xã Bình Định, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là mẹ bé Bảo Hân. Chị sinh bé Bảo Hân ở tuần thai thứ 27, đến nay mặc dù đã trải qua hơn 1 tháng nhưng chị vẫn nhớ như in những khó khăn, vất vả mà con gái chị và các y, bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã trải qua. Chị Thư cho biết: Hai vợ chồng hiếm muộn, kết hôn hơn 8 năm mới mang thai bé bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Niềm vui chưa lâu, đến tuần thai thứ 27, chị có biểu hiện chuyển dạ và sinh non bé tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài. Ngay sau đó, bé được chuyển gấp lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh. Lúc đó, gia đình hết sức lo lắng và chỉ biết hy vọng vào sự nỗ lực của các y, bác sĩ.

Trực tiếp tiếp nhận, cấp cứu, chăm sóc, điều trị bé Bảo Hân từ khi bé chuyển lên khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, bác sĩ Nguyễn Thị Doan chia sẻ: Bảo Hân sinh non 27 tuần với trọng lượng 900 gram tại Trung tâm Y tế huyện. Vì vậy, bé phải trải qua gần 2 tiếng thở oxy mới đến được Khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Khi tiếp nhận Hân, cả người bé toàn vết bầm tím, bé bị rối loạn đông máu, nguy cơ xuất huyết phổi, tử vong rất cao. Ngay sau khi giải thích cho gia đình bé, các y, bác sĩ trong khoa đã làm mọi biện pháp cấp cứu cho bé như: bơm curosuft, truyền huyết tương. Tuy nhiên, sau đó, chỉ số độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SPO2) của bé giảm liên tục. Người của bé tím dần, máu trào qua nội khí quản. Chỉ sau 30 giây, bé từ hồng chuyển sang tím, tái và cuối cùng là trắng bợt vì bị rút hết máu.

Bác sĩ Doan cho biết thêm, lúc đó, mỗi giây phút đối với bé Hân đều rất quý, không ai bảo ai các bác sĩ đều biết chỉ một sai lầm nhỏ, một sự chậm trễ cũng khiến nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay lập tức, các bác sĩ phối hợp nhỏ adrenalin, ép tim bóp bóng, an thần, vận mạch, bơm curosuft, bù nabica điện giải, vitamin K... cho bé. Sau ít phút, bé đã cầm được máu, chỉ số SPO2 cũng tăng dần.

"Có những đêm trực khiến tôi có cảm giác mình già đi, không phải vì vất vả mà chính là lo lắng không thể giành lại sự sống cho các bé, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, thời gian "vàng" cấp cứu cho bé được tính bằng giây. Mặc dù biết chưa giải thích cho gia đình tình trạng của bé, có thể sẽ gặp nhiều rắc rối hoặc có thể bị gia đình bệnh nhân kiện, thậm chí phải vướng vào vòng lao lý nhưng các bác sĩ đều chấp nhận bởi niềm vui có thể tái sinh sự sống cho các bé. Một điều đặc biệt quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh, non yếu là các y, bác sĩ phải chú trọng đến cứu chữa những bộ phận dễ bị tổn thương như não, tim, phổi… và chống nhiễm khuẩn bệnh viện, có vậy mới có thể cứu sống một đứa trẻ một cách hoàn chỉnh", bác sĩ Doan chia sẻ.

Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh non yếu tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh.

Đến nay, sau hơn 1 tháng điều trị, cùng với sự đồng hành của các y, bác sĩ, bé Bảo Hân đã giành lại sự sống một cách thần kỳ. Con được ra ngoài ghép mẹ, hồng hào, nặng 1,7kg.

Trong niềm hạnh phúc khôn xiết, chị Nguyễn Thị Thư nghẹn ngào: "Được ôm con trong vòng tay, niềm vui như được nhân lên gấp nhiều lần so với ngày biết mình có thai bé. Tôi càng thương con và biết ơn các bác sĩ đã tái sinh ra con lần thứ hai".

Cũng giống như niềm vui của chị Thư, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, quê tại xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định sinh non tuần thai thứ 26. Nhớ lại giây phút chuyển dạ sinh non, chị Vân kể: Khi có biểu hiện chuyển dạ sinh con, chị rất lo lắng, đặc biệt với tuổi thai 26 tuần, cơ hội sống của con rất ít. Nhìn thấy con tím tái, trọng lượng cơ thể 490 gram, nằm trong lồng ấp, xung quanh là hệ thống máy móc, cả gia đình chỉ biết đặt toàn bộ niềm tin, hy vọng vào các y, bác sĩ. Những cố gắng cuối cùng cũng được đền đáp, con hồi phục và lớn lên từng ngày. Sau khi chứng kiến sự “hồi sinh” kỳ tích của con, chị rất vui mừng, thầm cảm ơn sự nỗ lực không mệt mỏi của “người mẹ thứ hai”- các y, bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh phát triển nhiều kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe sản phụ và bệnh nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng chuyên sâu chăm sóc trẻ sơ sinh non yếu. Vì vậy, Bệnh viện cứu được bệnh nhân sinh cực non với cân nặng 500 gram, những bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết phổi… Để đón đầu kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các y, bác sĩ được bệnh viện triển khai mạnh mẽ, trọng tâm là phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương với hình thức đào tạo cầm tay chỉ việc.

Song song với đó, Bệnh viện trang bị đầy đủ thuốc men, thuốc chuyên ngành sơ sinh như dung dịch nuôi dưỡng, điều trị tim mạch, hô hấp đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng. Cùng với đó, hệ thống trang thiết bị như máy monitor theo dõi, bơm kim điện, máy truyền dịch, hệ thống máy thở, đặc biệt máy thở cao tần HFO được trang bị đầy đủ. Đến nay, Bệnh viện đưa vào áp dụng một số kỹ thuật khó, chuyên sâu như thở máy cao tần HFO là kỹ thuật mới đối với những bệnh nhân thở máy thông thường không đáp ứng.

Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục phát triển kỹ thuật đáp ứng nuôi dưỡng các cháu cực non, cân nặng dưới 500 gram, hạ thân nhiệt chủ động điều trị ngạt sơ sinh, tiếp tục ứng dụng kỹ thuật thở máy cao tần HFO, thay máu sơ sinh với những bệnh nhân có biểu hiện vàng da…

Bài và ảnh: Thái Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/hanh-trinh-gianh-lai-su-song-cua-nhung-tre-so-sinh-non-yeu-20200829083126818.htm