Hành trình đục đá tìm nước cho vùng biên khô khát

Từ trước tới nay vốn chỉ nghe đến từ 'đào giếng' hay 'khoan giếng' cho tới khi đến xã Thượng Trạch - một xã biên giới của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tôi rất bất ngờ với từ 'đục giếng'. Để có được nước sạch cho bà con Ma Coong, A Rem, những người lính Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình đã trần mình trong nắng gió cả nửa năm trời, dùng búa tạ và ve để đục những tảng đá tìm nguồn nước. Mồ hôi các anh được ví đã rơi còn nhiều hơn mạch nước được tìm thấy…

Bài 1: Tìm nước trong đá giữa mùa khô nắng cháy

Bao đời nay, tộc người Ma Coong ở các bản Cồn Roàng, Nịu, Coóc (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chỉ biết đến nước khe, suối chảy từ núi đá mà sau mỗi cơn mưa lại đục ngầu mang theo bùn, đất cát. Với quyết tâm thay đổi lối sinh hoạt cho hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe đẩy lùi bệnh tật, những người lính Đồn Biên phòng Cồn Roàng bắt đầu bằng hành trình đào giếng nước sạch ở nơi vốn được mệnh danh là “vùng đất khát” với trùng trùng núi đá và đá.

Đại úy Phan Anh Tuấn múc nước cho bà con bản Cồn Roàng. Ảnh: Trúc Hà

Đại úy Phan Anh Tuấn múc nước cho bà con bản Cồn Roàng. Ảnh: Trúc Hà

Đục đá tìm nước

4 năm trước, Thượng tá Võ Thành Phú, Trưởng ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Bình là Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Đó cũng là thời điểm Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình phát động phong trào đồn Biên phòng đỡ đầu bản biên giới để xây dựng bản nông thôn mới.

Người Ma Coong là tộc người trong dân tộc Bru-Vân Kiều sống lâu đời ở khu vực biên giới xã Thượng Trạch. Lối canh tác lạc hậu cùng thiên nhiên khắc nghiệt khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Trình độ dân trí thấp cũng là một rào cản khiến những việc của BĐBP mang đến cho bà con, vì thế mà khó triển khai hoặc triển khai không có hiệu quả.

Lúc ấy, đồng bào vẫn chưa thật quen với việc ăn chín, uống sôi, thường sử dụng nước suối, vừa để ăn uống, vừa để tắm giặt, rất không đảm bảo vệ sinh. Nhìn những đứa trẻ còi cọc vì căn bệnh liên quan đến tiêu hóa, Thượng tá Võ Thành Phú đã nghĩ đến một chiếc giếng nước sạch cho bản Cồn Roàng. Một giếng đủ cả cho bản như thể chiếc giếng làng ở vùng quê miền xuôi.

Năm 2016, vào đúng Ngày Truyền thống BĐBP và Ngày Biên phòng toàn dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng và nhân dân trong bản đã khởi công đào giếng nước. Tất cả đều háo hức, phấn khởi khi nghĩ đến thành quả đạt được. Tuy nhiên, khi mới đào được khoảng 3m thì bất ngờ xà beng chạm vào phiến đá. Mọi người tiếp tục đào lan sang bên cạnh để tránh nhưng vẫn chỉ thấy đá.

Đến khi bán kính đào được 2m thì mọi người hiểu ra rằng, dưới lớp đất này chỉ có đá và đá. “Thầy cúng” của bản Cồn Roàng bói gạo và khẳng định “sẽ có mạch nước”, nên bà con ai cũng “chỉ ưng bộ đội đào chỗ này”. Chẳng còn cách nào, những người lính Biên phòng quyết tâm đục đá tạo giếng.

Giữa cái nắng nóng bỏng rát của mùa khô, những người lính Biên phòng vẫn thay phiên nhau cầm ve (làm bằng sắt có đầu nhọn) và búa tạ để đục đá. Thương bộ đội, bà con trong bản đun nước, lấy hoa quả trên rừng bồi dưỡng, giữa buổi lại có rổ sắn luộc bở tung.

Thượng tá Võ Thành Phú sau này chia sẻ thật rằng: Nếu nói “không nản” là nói sai, bởi có kiên trì đến mấy thì cũng không thể vững tâm khi đục đá để tìm nước, nhất là công việc quá vất vả nên có muốn cũng không tránh khỏi suy nghĩ muốn thôi. Có những ngày, cố hết sức, cán bộ cũng chỉ đục được 5cm bởi đá quá cứng. Bàn tay bộ đội đã được đeo găng vải nhiều lớp mà vẫn phồng rộp, rớm máu. Vết rộp mới chớm lành, bộ đội đã quay lại cầm búa và ve.

Thế rồi, trời không phụ lòng người, vào một ngày đẹp trời của tháng 6, sau 3 tháng khổ công, khi chiếc ve được rút lên thì mạch nước tuôn trào. Tất cả như vỡ òa. Giếng nước sạch đầu tiên trên biên giới Thượng Trạch đã được những người lính Đồn Biên phòng Cồn Roàng “đục” thành công như thế.

Thương lắm Bộ đội Biên phòng!

Bản Cồn Roàng cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng chỉ vài cây số nhưng phải qua 4 khe suối, 8 con dốc mới tới được. Khe suối nhìn thì bình thường, nhưng chỉ một cơn mưa thôi, nước sẽ nhanh chóng dâng ngập quá đầu người. Những lúc ấy, bản Cồn Roàng trở thành ốc đảo trên đỉnh núi. Đang là mùa nước cạn, nhưng đêm trước trời đổ mưa nên chiếc xe 2 cầu của chúng tôi phải vất vả lắm mới vượt khe, leo dốc để vào được đến bản. Có lẽ, vì những khó khăn, vất vả ấy mà Đồn Biên phòng Cồn Roàng nhận đỡ đầu bản giáp biên này.

Trung tá Trần Văn Thiều, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng trước là cán bộ của Học viện Biên phòng mới nhận công tác tại đơn vị. “Các anh chị cứ tham quan, tìm hiểu và nghe đồng bào nói. Tôi tin rằng, những giếng nước của BĐBP tặng cho đồng bào Ma Coong nơi đây chắc chắn sẽ làm bất cứ ai cũng phải nể phục, dù là người khó tính nhất” - Trước khi vượt suối để vào bản Cồn Roàng, Trung tá Nguyễn Văn Thiều đã “đánh cược” với tôi về chuyện đó.

Bà Y Xim, ông Đinh Kẹc đã có gần “70 mùa rẫy” sống ở bản Cồn Roàng này rồi. Chiến tranh, ông bà phải vào rừng sống tránh bom đạn. Đến lúc hòa bình, chính BĐBP đã tuyên truyền, vận động ông bà về lập làng, cùng bảo vệ biên giới. Tình cảm của BĐBP dành cho người Ma Coong như thế nào, ông bà đã có thừa thời gian để hiểu.

Cồn Roàng là bản gần nhất với đường biên giới, đồng nghĩa với việc xa trung tâm xã nhất nên luôn được các anh Biên phòng dành sự ưu ái hơn các bản khác bằng việc thường xuyên ghé thăm. Giếng nước mà các anh tặng cho bà con người Cồn Roàng là món quà mà bà Y Xim, ông Đinh Kẹc nghĩ rằng có ý nghĩa nhất. Suốt 4 năm qua, giếng nước Cồn Roàng chưa bao giờ cạn. Đã thay biết bao nhiêu gầu, nối biết bao nhiêu dây, nhưng giếng vẫn mát trong và lúc nào cũng đủ cho tất cả người dân trong bản.

Lớp học mầm non của cô giáo Nguyễn Thị Minh ở điểm trường Cồn Roàng. Ảnh: Trúc Hà

Chúng tôi ghé thăm điểm trường mầm non Cồn Roàng, thuộc Trường Mầm non Tân Thượng Trạch. Chính Đồn Biên phòng Cồn Roàng vận động, xây dựng điểm trường này để che chở cho cô trò những ngày mưa, nắng. Ngôi nhà gỗ xinh xắn 3 gian chỉ có 1 lớp ghép 3 độ tuổi gồm 20 học sinh được cô giáo Nguyễn Thị Minh xếp ghế thành hình chữ U.

Là năm thứ 2 ở điểm trường bản Cồn Roàng nên cô Minh đã trở thành người thân của đồng bào. Những buổi chiều hết giờ lên lớp, cô lại mang quần áo ra giếng để giặt. Giếng nước Cồn Roàng ở bãi đất trống sát con suối, được cây bằng lăng vài chục năm tuổi che mát. Ở đó, cô lại tranh thủ nói chuyện với các mẹ, các chị và học thêm cho mình tiếng Ma Coong. Ở đấy, cô nói với các mẹ phải cho con đi học đúng tuổi, phải cho con trẻ ăn chín, uống sôi để đảm bảo sức khỏe hay bất cứ điều gì mà cô có thể chia sẻ. Giếng nước là điểm hẹn của phụ nữ trong bản từ ấy...

Đến Cồn Roàng, tôi được chứng kiến một bức tranh vô cùng đẹp đẽ, đầy sắc màu về tình quân dân nơi biên giới. Đó là khi Đại úy Phan Anh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cồn Roàng thấy các mẹ, các chị ra giếng lấy nước, anh bảo để mình giúp. Tôi thấy những ánh mắt trìu mến của các bà mẹ, nụ cười bẽn lẽn của các cô gái mới lớn nhìn BĐBP tay khéo léo đổ nước vào can cho mỗi người, miệng vẫn hỏi han việc nương rẫy. Và tiếng cười đùa, tiếng bước chân chạy của trẻ con làm bắn tung tóe nước trên sân giếng là âm thanh hay nhất mà tôi được nghe giữa vùng biên giới khô khát này.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/hanh-trinh-duc-da-tim-nuoc-cho-vung-bien-kho-khat-70666.html