Hành trình đưa 'cá' ra sông lớn: Người phụ nữ cứu sống 'những chú cá không biết bơi' | Đời sống

Theo Bộ GD-ĐT, số học sinh tử vong vì đuối nước hằng năm bằng 1/3 số người chết vì tai nạn giao thông. Trước thực trạng này, Bộ kêu gọi các địa phương phổ cập dạy bơi từ sớm nhằm trang bị kỹ năng bơi cho trẻ. Tuy nhiên, việc phổ cập bơi cho học sinh còn gặp khá nhiều bất cập và cần sự chung tay của toàn xã hội. Cùng có sự quan tâm và luôn đau đáu trước những cái chết thương tâm vì đuối nước ở trẻ em, có một người phụ nữ suốt hơn 15 năm qua đã âm thầm từng ngày dạy bơi miễn phí cho lũ trẻ vùng quê nghèo trên “hồ bơi” được dựng nên từ những nguyên vật liệu thân thiện tại địa phương.

Bà là Trần Thị Kim Thia, tên thường gọi là bà Sáu. Năm nay bà đã 66 tuổi, sống ở ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Cứ vào mỗi dịp hè, hình ảnh bà Sáu lặn lội đến từng ấp trong xã để vận động trẻ đến lớp dạy bơi đã rất đỗi quen thuộc với người dân nơi đây.

Xem tivi, nghe đài thấy nhiều trường hợp trẻ con bị chết đuối bà xót xa lắm! Vậy là bà quyết định mở lớp dạy bơi cho trẻ em. Lớp học bơi của bà Sáu diễn ra đều đặn hàng ngày trong 3 tháng hè, mỗi lớp học từ 25 đến 30 em.

Hồ bơi của bà là những chiếc cọc tre đóng chặt xuống đáy sông, được bao lưới cẩn thận xung quanh, chiều ngang độ 4m, dài 8m và cao 2m. Mỗi ngày, trước khi lũ trẻ đến, bà đã ngâm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ để “xây” hồ bơi. Lạnh lắm nhưng với bà, sự an toàn của lũ trẻ quan trọng hơn cả.

Lấy tay lau nước trên mặt, người run cầm cập, bà Sáu nói : “Ngâm mình dưới nước lâu, tối về xương khớp đau nhức lắm nhưng rồi nghĩ đến tụi nhỏ thì mọi cơn đau đều tan biến, chỉ mong sao trời mau sáng để được ra sông dạy tụi nó biết bơi thôi”.

Trước mỗi giờ học, bà Sáu cho các em xếp thành hàng trên bờ sông. Rất bài bản, bà cho các em khởi động, làm nóng cơ thể, sau khoảng 20 phút các em mới xuống hồ.

Bà Sáu đưa tay đón từng em xuống hồ bơi…

Rồi bà tận tình chỉ cách lặn ngụp, đạp chân, quạt tay cho từng em. Bà nói chắc nịch : “Em nào nhanh thì tui dạy 5 ngày là biết bơi, chậm thì 10 ngày”.

Sau khi “tốt nghiệp” lớp học bơi của bà Sáu, tất cả trẻ đều vượt qua kỳ sát hạch của trung tâm văn hóa thể thao huyện Tháp Mười và được cấp giấy chứng nhận.

Cứ thế, hơn 15 năm qua, bà đã âm thầm dạy bơi miễn phí hơn 2.000 trẻ em ở vùng sâu này.

Bà không nhận bất kỳ đồng lương nào ngoài khoản trợ cấp tiền xăng của xã. “Tụi nhỏ bơi được là tui vui lắm, ngày nào còn sức thì còn ráng chỉ dạy tụi nhỏ, mình làm vì cái tâm chứ đâu vì mấy chuyện tiền bạc”.

Nhưng bà nhận lại được nhiều lắm. Vừa lau nước mắt, bà vừa móm mém khoe: “Có bữa tụi nhỏ đi câu được con cá, đợi tới cuối buổi học mới dám mang ra nói tụi con tặng bà Sáu mang về kho ăn cơm. Thấy thương tụi nó lắm!”.

Rồi sau mỗi giờ dạy bơi, “bà giáo già” lại tất tả trở về với cuộc mưu sinh vất vả đời thường: bán từng vé số, làm thuê cuốc mướn để lấy tiền đổi từng từng bữa ăn. Sống lủi thủi một mình, mọi việc nặng nhọc trong nhà, bà đều tự tay làm.

Trong căn nhà chật hẹp không có được bộ bàn ghế, nền nhà chỗ bong chỗ tróc, những bức tường loang lổ nứt nẻ khắp nơi, mái tôn đầy nhũng lỗ thủng to tướng…., gia tài của bà là những tấm bằng khen. Nhưng với bà, chẳng tài sản nào lớn hơn việc lũ trẻ biết bơi đàng hoàng, biết cách chống chọi với những con nước xiết mỗi khi lũ về. Và cứ thế, bà vẫn cứ âm thầm với hành trình miệt mài “dạy bơi cho cá”.

Năm nay bà đã 66 tuổi…

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/hanh-trinh-dua-ca-ra-song-lon-nguoi-phu-nu-cuu-song-nhung-chu-ca-khong-biet-boi-974076.html