Hành trình đổi mới, hành động vì một Thanh Hóa thịnh vượng, kiểu mẫu: Bài 5 - Khơi mở các nguồn lực, để Thanh Hóa bứt phá trở thành cực tăng trưởng mới

Ngày 17/7/2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: 'Thanh Hóa có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng - an ninh của Tổ quốc. Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa có ý nghĩa mở đường cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, trở thành 'tỉnh kiểu mẫu' như Bác Hồ đã từng căn dặn'.

Dáng vóc mới của Thanh Hóa hôm nay

Nghị quyết mở đường

Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tầm nhìn đến năm 2045: Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58-NQ/TW là kết tinh những nỗ lực rất to lớn của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Thanh Hóa trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua, đồng thời là sự quan tâm sâu sát của Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa. Nghị quyết có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa, và còn là một mốc son để khẳng định vai trò quan trọng của Thanh Hóa trong những đóng góp đổi mới, phát triển của cả đất nước. Nghị quyết đặt ra cho Thanh Hóa phải là một cực tăng trưởng để tạo ra một tứ giác phát triển trên nền tảng tam giác phát triển là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Với sự hướng phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng, một động lực phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ, tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ với tứ giác phát triển, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Hộ, Thanh Hóa với Duyên hải Bắc Bộ cũng như với vùng Tây Bắc. Sự phát triển của Thanh Hóa tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của hầu như toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Điều đó cho thấy, Nghị quyết này không chỉ dừng lại việc phát triển cho Thanh Hóa mà còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho các tỉnh trong cả nước.

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, có 6 lý do quan trọng để để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này. Đó là: Thứ nhất, Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh có 3 vùng địa lý; có quy mô lớn về diện tích; là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Thứ hai, Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với tên gọi có từ hơn 990 năm qua; dân số đông thứ 3 cả nước; nhiều di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc; có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Thứ ba, Thanh Hóa là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là nơi kết nối đồng bằng Sông Hồng với Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa có đầy đủ 5 loại hình giao thông; nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam. Thứ tư, trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), Thanh Hóa có nhiều đột phá phát triển: Đặc biệt là đột phá về tăng trưởng, đột phá về thu ngân sách; đột phá về thu hút vốn đầu tư; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm đầu cả nước. Thanh Hóa có cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng đã được xây dựng và đang cần một tầm nhìn mới cho phát triển. Thứ năm, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 sẽ giúp Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, với tác động cộng hưởng, lôi kéo, thúc đẩy kinh tế vùng; cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, giảm áp lực cho thủ đô về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giảm áp lực cho ngân sách Trung ương; trở thành hình mẫu về phát triển hài hòa, nhanh, bền vững. Thứ sáu, việc ban hành Nghị quyết 58 là hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, thì nhất định được, vì người đông, đất rộng, của cải nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”.

Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết thì đồng chí Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Phải làm sao cho người dân cũng đồng tình ủng hộ và nắm chắc nghị quyết này, qua đó người dân sẽ đồng hành, tham gia, để qua hàng năm, qua từng thời kỳ, người dân Thanh Hóa sẽ là người được thụ hưởng thành tựu của quá trình phát triển này - như vậy Nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống, mới thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong Nghị quyết.

Vượt những lực cản

Dù đạt những thành tựu quan trọng và to lớn trong giai đoạn 10 năm qua, song phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Đó là: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, phụ thuộc nhiều vào tăng các yếu tố đầu vào; một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; phát triển của ngành dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng và giá trị gia tăng chưa cao; tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Hệ thống đô thị phát triển chưa nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng các huyện miền núi, hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hoạt động đối ngoại, hợp tác, liên kết vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Văn hóa, xã hội phát triển chưa đồng đều; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền có xu hướng gia tăng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội một số mặt còn hạn chế, bất cập. An ninh tuyến biên giới, tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Thanh Hóa

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; năng lực dự báo và khả năng khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn hạn chế. Việc phân cấp, phân quyền gắn với quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp chưa đủ rõ và đồng bộ. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa ổn định. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý phù hợp đối với một tỉnh có nhiều tiềm năng như Thanh Hóa để tạo ra động lực phát triển mới. Công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương có lúc, có việc còn hạn chế, đặc biệt là trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của khu kinh tế động lực Nghi Sơn. Định hướng phát triển các vùng kinh tế chưa rõ; thiếu cơ chế hợp tác và liên kết vùng hiệu quả. Công tác xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp úng được yêu cầu phát triển, số Iượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, thiếu doanh nghiệp có vai trò đầu tàu, dẫn dắt.

Để vượt những lực cản phát triển này, Thanh Hóa phải nỗ lực để vượt qua chính mình, khai thác tốt nhất các nguồn lực nội sinh, quyết liệt khắc phục những yếu kém, hạn chế có nguyên nhân chủ quan. Song, bên cạnh đó, Thanh Hóa rất cần những cơ chế, chính sách ưu tiên, sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, giúp Thanh Hóa tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc.

Tạo dựng những giá trị mới

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW. Mục tiêu là xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của Thanh Hóa chiếm khoảng 4,4%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,2% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD.

Tỉnh đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo sự kết nối giữa Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đột phá về cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu. Thanh Hóa cũng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Thanh Hóa coi trọng phát triển hạ tầng để tạo đột phá

Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội XIX đã xác định rõ chủ đề đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống Nhân dân; Đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Như vậy, dự thảo Báo cáo chính trị đã bổ sung kịp thời những định hướng quan trọng của Nghị quyết số 58 – NQ/TWcủa Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn phát triển mới, rút ngắn thời gian thực hiện các mục tiêu như Nghị quyết số 58 NQ/TW đã đề ra.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã xây dựng phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển, nhất là 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá nhiệm kỳ 2020 – 2025, vừa có sự kế thừa, vừa có nhiều điểm mới, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập, tạo đòn bẩy cho phát triển.

Trong đó 6 chương trình trọng tâm gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch, Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh. Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.

3 khâu đột phá là: Tiếp tục thực hiện đột phá về phát triển hạ tầng, đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; Đột phá về chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trên cơ sở các tham vấn của tư vấn nước ngoài, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và góp ý của các ban, bộ, ngành Trung ương, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tập trung định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 - 5 – 6.

Trong đó phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực (tứ Sơn), gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn), Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng): Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao; du lịch di sản.

Về 5 trụ cột tăng trưởng, gồm:Công nghiệp chế biến, chế tạo, Nông nghiệp, Du lịch, Y tế, Phát triển hạ tầng.

Thanh Hóa coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tập trung phát triển 6 hành lang kinh tế, kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, làm cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, cảng biển, cảng hàng không, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; gồm: Hành lang kinh tế ven biển, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) và tỉnh Nghệ An, thông qua tuyến đường bộ ven biển. Định hướng phát triển kinh tế biển, trọng tâm là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và nghề cá. Hành lang kinh tế Bắc Nam, kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam. Định hướng phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An. Định hướng phát triển là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, “xa lộ nông nghiệp”. Hành lang kinh tế Đông Bắc, kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh phía Bắc thông qua Quốc lộ 217B và Quốc lộ 217. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch văn hóa. Hành lang kinh tế trung tâm, kết nối TP Sầm Sơn - TP Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân. Định hướng phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Định hướng phát triển dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, logictics và công nghiệp.

Thanh Hóa bước vào thời kỳ phát triển mới với tâm thế tự tin, phấn khởi và tràn đầy kỳ vọng. Thanh Hóa đã định vị được chính mình, “tự lo cho chính mình, giảm gánh nặng cho Trung ương và tiến tới đóng góp xứng đáng cho Trung ương, như đã đóng góp rất to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ trước đến nay” – như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã từng chia sẻ. Thanh Hóa với nền tảng và tiềm lực vững mạnh tự tin bước vào thời kỳ phát triển mới với khát khao chinh phục những mục tiêu mới, để từng bước hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, xây dựng một Thanh Hóa thịnh vượng, góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

Việt Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/bai-du-thi-giai-bua-liem-vang-2020-hanh-trinh-doi-moi-hanh-dong-vi-mot-thanh-hoa-thinh-vuong-kieu-mau-bai-5-khoi-mo-cac-nguon-luc-de-thanh-hoa-but-pha-tro-thanh-cuc-tang-truong-moi/125724.htm