Hành trình địa ngục

Số liệu của Liên Hợp quốc (UN) mới công bố cho hay, hơn 3.000 người di cư đã mất mạng khi cố gắng vượt qua Địa Trung Hải để đến “miền đất hứa” Châu Âu trong năm 2016. Trong khi các vụ đắm tàu và chết đuối đã được báo chí trên toàn thế giới đăng tải thì nạn bạo lực, bóc lột xảy ra trên cuộc hành trình dài mà những người di cư phải trải qua lại chưa được nhiều người biết đến.

Lời kể của các nhân chứng

Tessy, 19 tuổi đến từ Nigeria cho biết, trong suốt cuộc hành trình bằng đường biển từ Libya tới Italia, 6 người trên con tàu của cô đã thiệt mạng. Tessy bị bỏng nghiêm trọng ở chân. Cô đã được đưa tới bệnh viện ngay sau khi đến Sicily. Sau đó, Tessy được các bác sĩ của phòng khám Chữ thập đỏ Italia theo dõi, chăm sóc. “Tôi đã 2 lần cố gắng đến Italia. Lần đầu tiên, tôi và một số người khác đã bị chặn lại, buộc phải quay trở về Libya. Tại đây, tôi đã bị nhốt trong tù, bị bỏ đói và đánh đập thường xuyên. Lần thứ hai, tôi lại tiếp tục bỏ trốn, may mắn được cứu thoát và đến Italia sau 3 ngày”, Tessy nói. Để đến được Italia, Tessy đã phải trải qua cuộc hành trình kéo dài 5 tháng. Tessy sinh ra trong một gia đình có 7 người con. Cô rời bỏ quê hương vì mong muốn tiếp tục được học tập, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.

Musa, 23 tuổi, đến từ Gambia tâm sự rằng, trước đây, anh không bao giờ có ý định rời bỏ quê hương, nhưng đã sống ở Sicily trong 3 năm, sau khi đến Lampedusa vào 3-2013. “Khi cha tôi qua đời cũng là lúc những khó khăn xuất hiện. Mẹ kế đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi rời Gambia đến Senegal để tìm việc làm. Tại Senegal, tôi làm việc trong ngành xây dựng nhưng ông chủ nói với tôi rằng, muốn có tương lai, hãy đến Libya. Thế nhưng, Libya tồi tệ hơn cả địa ngục. Tôi đã sống 1 năm ở Lybia nhưng không thể nói bất cứ điều gì về đất nước này. Tôi sống trong căn nhà nhỏ với 40 - 50 người khác, làm việc từ 6 giờ sáng đến tối mịt, thực phẩm chỉ được cung cấp một lần mỗi ngày. Một đêm, tôi bị hai người đàn ông bắt đi, đưa lên một chiếc thuyền để vượt qua Địa Trung Hải. Tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tôi đến Italia sau cuộc hành trình kéo dài 17 giờ”, Musa kể lại. Hiện nay, Musa làm phiên dịch tại các trạm y tế Chữ thập đỏ của Italia. Anh có thể nói tiếng Anh, tiếng Ả rập và một số ngôn ngữ địa phương Gambia.

Hãm hiếp, giam cầm và đánh đập

Báo cáo của Hội Chữ thập đỏ quốc tế nhận định, cuộc hành trình di cư từ châu Phi sang châu Âu thực sự là chuyến đi nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nhân viên của Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã phỏng vấn những người tị nạn và người di cư ở Italia đến từ Ai Cập, Nigeria và Sudan. Những người được phỏng vấn nói rằng, bạo lực diễn ra ở mọi giai đoạn của cuộc hành trình. Đánh đập, lạm dụng, bạo lực tình dục và cưỡng bức lao động rất phổ biến. Họ đã nhìn thấy những người khác chết vì đói khát trong nỗ lực vượt qua sa mạc Sahara. Gần như tất cả những người được phỏng vấn cho biết, họ đã bị giam giữ tại một số điểm trong cuộc hành trình.

Thực tế cho thấy, có một làn sóng người dân châu Phi ở những khu vực xung đột hay nghèo đói đang tìm cách trốn chạy đến “miền đất hứa” châu Âu. Mới đây, các nhà lãnh đạo thế giới đã gặp nhau tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, cố gắng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn, mặc dù các cuộc đàm phán diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh không đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào. Hội Chữ thập đỏ quốc tế kêu gọi sự hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ những người di cư đến Italia, bao gồm cả việc tiếp tục các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở khu vực Địa Trung Hải.

Theo thống kê, hơn 120.000 người di cư đã di chuyển qua Địa Trung Hải đến Italia trong năm nay. Số lượng đơn xin tị nạn vào Italia giảm khoảng 60% so với năm 2015. Theo các chuyên gia, lý do của vấn đề này là nhiều người muốn xin tị nạn ở các quốc gia châu Âu khác như Đức, Thụy Điển, Anh. Điều kiện sống cho người di cư ở Italia không tốt, nhiều người phải ngủ trên đường phố hoặc tại các trung tâm tiếp nhận người di cư xa trung tâm.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/hanh-trinh-dia-nguc/703957.antd