Hành trình đi tìm 'con chữ' của người phụ nữ bị khiếm thính và khiếm thị đầu tiên đỗ đại học

Mặc dù bị khiếm thị và khiếm thính từ nhỏ, nhưng Helen Keller không ngừng phấn đấu, vươn lên trong học tập, trở thành người Mỹ đầu tiên đỗ đại học, truyền cảm hứng cho triệu người khuyết tật thế giới.

Gia đình

Helen Keller sinh ngày 27/6/1880 tại Tuscumbia, Alabama. Khi ra đời, bà là đứa trẻ khỏe mạnh. Cha của bà, ông Arthur Keller khi ấy đang làm việc trong tòa soạn báo, còn mẹ bà thì làm công việc hàng ngày: Chăm sóc cho gia đình cùng Helen bé bỏng.

Tuổi thơ của Helen Keller là những ngày tháng bình yên trong trang trại lớn của gia đình là Ivy Green. Từ nhỏ, bà rất thích và chơi cùng những con vật trong trang trại như ngựa, chó và gà.

Bệnh tật

Khoảng một tuổi rưỡi, Helen ốm nặng. Bà liên tục sốt cao và đau đầu dữ dội suốt vài ngày. Trải qua trận ốm "thập tử nhất sinh" đó, cô gái nhỏ mất hoàn toàn cả thị giác và thính giác.

Thất vọng

Trong sinh hoạt hàng ngày, Helen rất cố gắng để giao tiếp với mọi người xung quanh. Thông thường, bà sử dụng những hành động đặc biệt để thể hiện rằng mình muốn bố hoặc mẹ.

Tuy nhiên, đôi khi chính bà cũng cảm thấy chán nản. Helen nhận ra rằng mình khác biệt với những người khác. Bà cảm thấy khó khăn khi muốn người khác biết mình cần gì. Đôi khi, bà sẽ nổi cơn thịnh nộ, đá và đánh người khác trong cơn tức giận.

Annie Sullivan

Cha mẹ của Helen nhận ra rằng, con gái cần một sự giúp đỡ đặc biệt. Họ liên lạc với Viện Khiếm thị Perkins ở Boston và được giới thiệu một cựu sinh viên có tên là Annie Sullivan.

Annie cũng từng bị mù nhưng đã phục hồi thị lực nhờ phẫu thuật. Có lẽ, vì trải nghiệm này giúp cô hiểu được những gì Helen phải trải qua và trở thành người cộng sự gắn bó với với Helen trong suốt 50 năm sau đó.

Học từ

Annie bắt đầu dạy Helen về các con chữ. Cô bắt đầu với việc ấn những chữ cái vào tay Helen. Ví dụ, Annie đặt một con búp bê vào một bàn tay của Helen, sau đó đặt các chữ cái của từ D-O-L-L (búp bê) vào tay kia.

Bằng cách này, Helen đã nhận biết được khá nhiều từ. Trong khi đó, Helen sẽ đặt các chữ cái ngược trở lại tay của Annie.

Helen Keller và Annie Sullivan

Helen Keller và Annie Sullivan

Tuy nhiên, Helen cho rằng đây là trò chơi giữa 2 người và không thực sự hiểu việc làm đó có nghĩa là gì. Đến một ngày, Annie dẫn Helen đến một chiếc máy bơm và nhúng tay Helen vào dòng nước.

Sau đó, Annie đặt các chữ cái W-A-T-E-R vào tay của Helen. Ngay lúc đó, Helen đã hiểu được rằng mình đang học tên của các sự vật xung quanh bằng các chữ cái ở trong tay. Cả một thế giới mới mở ra trước mắt Helen. Trong suốt nhiều năm sau đó, đây vẫn là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bà.

Học đọc

Tiếp theo, Annie dạy Helen cách đọc. Helen chứng tỏ mình là một đứa trẻ thông minh và Annie là một giáo viên tuyệt vời, vì chẳng mấy chốc mà Helen có thể đọc toàn bộ sách bằng chữ nổi.

Hãy thử tưởng tượng rằng, bạn phải cố gắng học cách đọc chữ trong khi không thể nhìn hoặc nghe thấy bất cứ điều gì. Những gì mà Helen và Annie đạt được khiến rất nhiều người ngưỡng mộ. Khi 10 tuổi, Helen có thể đọc và sử dụng máy đánh chữ thành thạo. Bây giờ, Helen muốn học cách nói chuyện với mọi người.

Học nói

Helen Keller học cách nói chuyện từ giáo viên có tên Sarah Fuller. Sarah là giáo viên chuyên dạy cho những người điếc. Bằng cách đặt tay lên môi Sarah, Helen học được cách cảm nhận sự rung động của âm thanh và cách đôi môi di chuyển để tạo ra âm thanh đó.

Bà bắt đầu học cách đọc một vài chữ cái, sau đó là đọc từ và cuối cùng là câu. Điều này khiến Helen cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Trường học

Năm 16 tuổi, Helen theo học tại trường Radcliffe dành cho nữ sinh ở Massachusetts. Annie học cùng trường với cô và giúp ký hiệu các bài giảng vào tay Helen. Tốt nghiệp trường Đại học Radcliffe năm 1904 với tấm bằng danh dự, Helen trở thành người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên đỗ đại học được công nhận trên toàn thế giới.

Viết

Trong thời gian học đại học, Helen bắt đầu viết về những trải nghiệm của mình khi bị điếc và mù. Đầu tiên, bà viết một số bài báo cho tạp chí Ladies' Home Journal. Những bài báo này sau đó được xuất bản trong một cuốn sách có tên The Story of My Life.

Đến năm 1908, bà xuất bản một cuốn sách khác có tên The World I Live In.

Truyền cảm hứng

Khi lớn lên, Helen luôn muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình. Bà muốn truyền cảm hứng cho họ và mang đến cho họ hy vọng.

Helen tham gia một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ dành cho người mù và đi khắp nước Mỹ để phát biểu, đồng thời kêu gọi quyên góp tiền cho những người bất hạnh.

Sau đó, trong Thế chiến II, bà cũng đến thăm những người lính quân đội bị thương khuyến khích, động viên họ không bỏ cuộc.

Helen dành phần lớn cuộc đời của mình để hoạt động xã hội, quyên góp tiền và nâng cao nhận thức cho những người khuyết tật, đặc biệt là người điếc và mù.

Quỳnh Anh (theo Ducksters)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kinh-nghiem-song/hanh-trinh-di-tim-con-chu-cua-nguoi-phu-nu-bi-khiem-thinh-va-khiem-thi-dau-tien-do-dai-hoc-ar522440.html