Hành trình dệt thổ cẩm nguyên bản của người Ê-đê

Rất hiếm buôn làng của người Ê-đê còn giữ được cách thức dệt thổ cẩm truyền thống. Thay vào đó, phần lớn thổ cẩm và sợi được nhập từ Trung Quốc khiến giá trị truyền thống mai một dần.

Cách người Ê-đê chế tác từ bông thành sợi vải. Ảnh: Ede Yarns.

Cách người Ê-đê chế tác từ bông thành sợi vải. Ảnh: Ede Yarns.

Trước thực tế đó, Ede Yarns - dự án khôi phục sợi nhuộm nguyên bản của người Ê-đê được thực hiện bởi một nhóm người trẻ tâm huyết, các chuyên gia, nghệ nhân địa phương và các bạn trẻ tình nguyện nhằm khôi phục nghề thủ công chế tác thổ cẩm đã mất của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Đưa nghệ nhân ngồi đúng vị trí

Dệt thổ cẩm là một nghề thủ công truyền thống, có từ lâu đời của cộng đồng dân tộc Ê-đê. Thiếu nữ dân tộc Ê-đê được bà hoặc mẹ dạy cho cách dệt vải để may váy áo cho mình và gia đình.

Thế nhưng, dần dà nghề thủ công này dần bị mai một, họ nhập các loại thổ cẩm bán sẵn, nhiều người còn từ bỏ trang phục truyền thống.

Trong suốt quá trình lâu dài tìm hiểu cách bảo tồn nghề truyền thống, nhóm Ede Yarns hỏi bà H’Xier Ayun - nghệ nhân lớn tuổi có tay nghề cao trong việc chế tác thổ cẩm. Thế nhưng công việc hằng ngày của bà là làm nông và chăn gia súc. Các thành viên Ede Yarns tìm cách đưa bà và những nghệ nhân giỏi về lại đúng vị trí của họ.

“Một nền văn hóa thổ cẩm sẽ được tái sinh nếu đưa nghệ nhân ngồi vào đúng vị trí để tạo nên giá trị”, đại diện Ede Yarns cho biết.

Và trong quá trình tìm hiểu, nhóm bảo tồn biết rằng việc khôi phục nghề truyền thống của người Ê-đê khó hơn bao giờ hết, bởi đến chiếc khung cửi của họ hoàn toàn khác biệt với các dân tộc. Chúng được làm từ những thanh tre rời nhau.

Người phụ nữ Ê-đê ngồi dệt trên khung dệt trải dài và theo kỹ thuật luồn sợi chắc chắn. Họ sáng tạo trên nền thổ cẩm những mảng sợi dọc để hình thành loại hình hoa văn cho sản phẩm. Do đó, khi giăng thảm sợi dọc, họ đã sắp xếp tính toán những hàng sợi màu vào vị trí cần thiết để có những hoa văn theo cách sắp xếp tự nhiên trong đầu.

Theo các nghệ nhân, quan trọng nhất trong dệt thổ cẩm Ê-đê là sự điều khiển của đôi chân và đôi tay sao cho nhuần nhuyễn, đều đặn. Để có tấm vải đẹp thì thứ nhất là tư thế ngồi song song với khung dệt. Thứ hai là đôi chân phải đạp mạnh, đôi tay phải chắc thì tấm vải mới bền và cứng.

Nghệ nhân xếp sợi lên khung đồng nghĩa với việc xếp ý tưởng, hoa văn trước trong đầu. Chính sự lành nghề, “quen tay” đã giúp phụ nữ Ê-đê thuộc lòng cách phối màu, số lượng sợi phù hợp để tạo nên tấm thổ cẩm độc đáo.

Nghệ nhân H’Nơi Nie nói rằng, kỹ thuật xếp sợi này cô đã học được từ mẹ, quan sát bà làm khi còn nhỏ. Tuổi thơ gắn liền với thổ cẩm nên những hoa văn tự trong trí nhớ mà ra.

Nhuộm vải tự nhiên

“Hoa văn truyền thống của người Ê-đê phản ánh thế giới tự nhiên xung quanh họ. Ngày xưa thì hoa văn là hoa cỏ, cây lá hoặc một vài con vật được cách điệu để đưa vào sản phẩm. Hiện nay, nhiều phụ nữ Ê-đê lại dùng hoa văn khắc trên nhà mồ để dệt lên váy của mình, chứng tỏ có thay đổi rất lớn trong nhận thức của họ” - Tiến sĩ Dân tộc học Thu Nhung Mlô Duôn Du.

Sợi bông của cây Blang là nguyên liệu chính để dệt vải. Cây Blang được trồng ở nhiều nơi trong nương rẫy, vườn nhà, ven rừng.

Đến mùa bông chín, người Ê-đê thu hoạch và bắt đầu nhặt bông, cán bông, lăn con cúi, kéo sợi và nhuộm màu cho sợi từ những loại cây có sẵn ở vùng đất này.

Vải của người Ê-đê có bốn màu chủ đạo: Đỏ chàm, vàng nghệ, chàm và xanh. Những hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng riêng cho mỗi vùng dân cư ở địa phương. Để tạo thành những sợi chỉ màu khác nhau, họ nhuộm màu trên sợi chỉ trắng.

Công thức nhuộm màu dựa vào kinh nghiệm ngàn đời từ tính năng của các loại lá, vỏ và rễ cây rừng như cây Krum (Indigofera) là một điển hình.

Để có màu xanh chàm, họ dùng vỏ cây chàm, muốn có màu vàng thì dùng vỏ cây nhàu hoặc củ nghệ, muốn có màu nâu thì dùng vỏ cây dẻ…

Nhóm Ede Yarns, cho biết: Nghệ được gọt vỏ, cho vào cối để giã nhuyễn, tiếp theo thêm ít nước rồi cho sợi vào giặt. Màu vàng từ nghệ thấm nhanh vào sợi, cho màu bắt mắt. Sau khi nhuộm, sợi được đem phơi khô dưới nắng cho ráo.

Nhuộm nghệ là phương pháp nhuộm quen thuộc cho màu vàng đẹp, lưu giữ màu lâu. Dưới bàn tay của nghệ nhân, những sợi chỉ được phủ lên lớp màu mới, tự nhiên và nổi bật.

Tuy nhiên, hầu hết các nhóm dân tộc Ê-đê chọn tông màu đen và màu trắng sẫm làm màu nền chủ đạo trên thổ cẩm của mình. Chọn màu tối làm nền, họ muốn cuộc sống hòa vào thiên nhiên với nương rẫy, núi rừng và với màu đất ba-zan, nơi họ sinh sống.

Nhuộm theo cách này, họ ngâm sợi dưới bùn trong 3 giờ, sợi cho màu đen huyền óng ả. Đây là một trong những kỹ thuật nhuộm tự nhiên đặc sắc của đồng bào. Tận dụng những thứ có sẵn, tạo nên vẻ đẹp diệu kỳ.

Dệt được một chiếc váy, áo, khố, mền, một người phụ nữ Ê-đê phải mất một thời gian dài khoảng 4 tháng. Nhiều khi cũng có thể kéo dài thêm vì tùy thuộc vào khổ rộng và độ tinh xảo, cầu kỳ của sản phẩm.

Hiện nay, cách nhuộm và dệt thổ cẩm nguyên bản trở nên hiếm hoi. Nhiều dự án bảo tồn được thực hiện nhưng đều thất bại bởi mấy lý do, trong đó có nguyên cớ từ thị trường khi người dân chỉ thích nhập thổ cẩm bán sẵn. Cùng với đó là lớp trẻ từ bỏ trang phục truyền thống.

Lớp nghệ nhân có tuổi dần thưa vắng kéo theo các giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một, rất khó khôi phục.

Những người làm công tác bảo tồn lo lắng, nếu không có phương án hợp lý thì chỉ tương lai không xa nghề dệt thổ cẩm nguyên bản của người Ê-đê sẽ biến mất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hanh-trinh-det-tho-cam-nguyen-ban-cua-nguoi-e-de-vmF9kIbMR.html