Hành trình đến với Myanmar (Ngày thứ 4 hành trình: Ước gì thời gian chậm lại !?)

Sau một đêm ngon giấc tại Best Western Green Hill Hotel lần thứ hai, chúng tôi làm thủ tục trả phòng, dùng điểm tâm.

Sau một đêm ngon giấc tại Best Western Green Hill Hotel lần thứ hai, chúng tôi làm thủ tục trả phòng, dùng điểm tâm. Mấy ngày qua mải mê kể về chuyến đi mà tôi chưa kể về cách phục vụ của nhân viên ở đây. Phải nói là người Myanmar phục vụ khách rất chu đáo. Trong bữa sáng của chúng tôi, đồ ăn, thức uống được tiếp đầy liên tục. Khách vừa ăn xong một đĩa đã có nhân viên ra chào, xin lỗi được dọn. Cứ như vậy liên tục, dù cho bạn có thể lấy đĩa, chén, ly nhiều lần. Hành lý của chúng tôi cũng được nhân viên khách sạn đem ra tận xe với thái độ rất lịch sự.

Đoàn tham quan chụp ảnh trước Cung điện Hoàng gia Kanbawzathardi.

Trong buổi sáng cuối cùng ở Myanmar, chúng tôi tiếp tục được tham quan chùa Kyauk Taw Gyi. Chùa có một pho tượng Đức Phật Thích Ca với tư thế tọa thiền được tạc bằng cẩm thạch Myanmar nguyên khối cao 11 m, nặng hơn 600 tấn, và được đặt trong khung kính vô cùng hiện đại. Nguyên khối cẩm thạch được khai thác gần thành phố cổ Mandalay vào năm 1999, chế tác tôn tượng Phật hoàn thiện vào ngày 10-7-2000 với danh xưng "Loka Chantha Abhaya Labha Muni". Khối cẩm thạch được vận chuyển bằng một chiếc tàu hỏa đặc biệt, sau đó được đặt trên một chiếc sà lan dài 200 feet (61 m) do Công ty Thế giới Châu Á hiến tặng. Sà lan được đẩy xuống sông Irrawaddy bởi ba tàu hơi nước, dừng dọc theo các thị trấn lớn trước khi tới Yangon. Tượng Phật cẩm thạch được đưa về thành phố Yangon vào ngày 5-8-2000, lễ cung nghinh pho tượng có đến năm trăm nghìn người tham dự, trong đó có sự hiện diện của Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang và đệ nhất phu nhân Kyaing Kyaing, Thủ tướng thứ 9 Chính phủ Myanamr Khin Nyunt. Ngôi danh lam cổ tự Kyauk Taw Gyi được xây dựng với biểu trưng đặc biệt bởi 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của đức Phật. Câu chuyện hành trình của pho tượng cẩm thạch "Loka chantha Abhaya Labha Muni Buddha Imge" được khắc trên bia đá bằng bốn thứ ngôn ngữ: Myanmar, Anh, Oriental (Parli) và Thet-ka-ta.

Mặc dù đã được hướng dẫn viên dặn dò du khách nữ phải tránh xa chỗ các nhà sư làm lễ, nhưng chính tại Kyauk Taw Gyi, tôi và một số thành viên trong đoàn được diện kiến một nhà sư. Tôi tiến lại gần, chắp tay trước ngực, cúi đầu, lấy 1.000 Kyat đặt lên tay trái nhà sư. Nhà sư lấy tay phải ấn chỉ vào trán tôi, miệng lầm rầm khấn khoảng 10 giây. Tôi nghĩ chắc nhà sư cầu cho mình bình an, sức khỏe.

Trên hành trình ra sân bay Quốc tế Yangon, chúng tôi còn được ghé thăm vườn thú nuôi 3 con voi trắng. Theo lời hướng dẫn viên, Myanmar hiện có 9 con voi trắng. Tại Naypyitaw- thủ đô mới của Myanmar, 6 con voi trắng được nuôi dưỡng trong một ngôi đền, kề bên chùa Uppatasanti ở trung tâm thủ đô, 3 con voi trắng còn lại được chăm sóc tại Công viên Mindhamma Hill, vùng ngoại ô của Yangon. Những con voi quý giá không phải nhốt trong chuồng trại bình thường mà được ở trong những ngôi đền có lối kiến trúc đẹp, khang trang mà người địa phương gọi là "Đền voi trắng", xung quanh có hồ, thác nước, cây xanh và thực vật nhân tạo, rất thuận tiện cho việc chăm sóc và tham quan của du khách. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu "lý lịch trích ngang" của 3 con voi trắng (2 voi cái, 1 voi đực) với đầy đủ giới tính, tên gọi, chiều cao, cân nặng, màu mắt, độ rộng tai, vòi, màu da, màu lông, riêng tuổi của 3 con voi bị xóa; có 2 voi cái được đưa đến Yangon năm 2002, riêng con voi đực đưa đến Yangon năm 2001. Voi trắng được xem là báu vật quốc gia, nên người Myanmar chăm sóc voi khá chu đáo, voi rất sạch sẽ, khỏe mạnh. Các triều vua phong kiến trước đây cũng như thủ lĩnh chính trị hiện nay ở Myanmar đều rất quý trọng voi trắng. Sự xuất hiện của nó như là báo hiệu một cải cách chính trị hoặc mang tới điềm lành. Khi địa phương hoặc quốc gia có những sự kiện, lễ hội lớn thì những con voi trắng được phục sức nghiêm chỉnh từ đầu đến chân và cùng người tham gia các hoạt động vừa nghiêm trang vừa náo nhiệt. Khi thấy voi trắng diễu hành qua quảng trường thì các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đều đứng nghiêm chào voi. Họ còn trân trọng tiến đến thực hiện các nghi lễ thiêng liêng, tôn kính và không quên đeo vòng hoa đẹp, tưới nước thơm lên thân mình voi. Sau đó voi trắng cùng nhiều voi khác diễu hành quanh chùa Uppatasanti trong khi tiếng cầu kinh chúc phúc cho nó vang lên bên trong ngôi chùa.

Một phụ nữ Myanmar đang vẽ tranh để bán.

Đúng là Myanmar luôn có những điểm độc đáo thu hút du khách. Ngay tại cổng ra Công viên Mindhamma Hill, tôi gặp hình ảnh một phụ nữ Myanmar đang đứng vẽ tranh để bán. Giấy và tranh được bày trên một chiếc bàn gỗ cao ngang bụng người vẽ tranh. Nhưng tranh không phải vẽ bằng cọ thông thường mà người vẽ dùng búa có nhúng nhựa đường đập lên mặt giấy trắng để ra các hình màu đen, tiếp theo đó họ dùng con dao lam chỉnh sửa những nét búa đập xuống để ra được các hình ảnh tùy theo ý người vẽ. Những hình ảnh chùa tháp, đức phật, sông nước, chim cò… hiện ra mềm mại, sống động. Tôi say sưa ghi lại hình ảnh của người vẽ và không quên mua 1 bức hình Kyaiktiyo (Chùa Đá Vàng) với giá 5.000 Kyat (khoảng 85.000 đồng) về làm quà tặng con gái.

Tạm biệt anh tài xế hiền hậu luôn chắp tay cúi chào mỗi khi chúng tôi lên, xuống xe. Tạm biệt Myo xinh đẹp, nhiệt tình. Trên hành trình về Việt Nam qua đường bay Yangon - TP Hồ Chí Minh, nhìn qua ô cửa sổ máy bay, dưới mắt tôi trải dài một màu xanh thắm của ruộng, vườn, rừng cây, sông núi. Thời gian 4 ngày quá ngắn ngủi để có thể khám phá hết những nét quyến rũ, huyền bí, cổ kính của Myanmar. Thật sự, chuyến đi đã để lại cho chị em chúng tôi quá nhiều ấn tượng đẹp về con người, cảnh vật nơi đây. Hành trình ngày trở về Việt Nam, bên cạnh những món quà lưu niệm đậm chất Myanmar, tôi tin chắc 19 thành viên trong đoàn sẽ còn lưu giữ mãi những kỷ niệm đẹp nhất về con người và đất nước Myanmar xinh đẹp, hiền hòa, hiếu khách.

Hẹn ngày trở lại Myanmar …

Ghi chép: Thu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_194634_.aspx