Hành trình đến Tokyo 2020

Dù chỉ mới là đầu năm 2019, nhưng thể thao Việt Nam đã xác định mục tiêu lớn của năm nay không phải là SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm mà sẽ là cuộc chơi lớn tại Olympic 2020 mùa hè năm sau. Có thể nói, đây là lần đầu tiên mà sự chuẩn bị dài hơi đến vậy.

Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc chủ nhà SEA Games 30 là Philippines đã bổ sung quá nhiều môn thể thao có tính địa phương, đồng thời loại bỏ một số nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam. Nếu không có bất ngờ thì đây sẽ là kỳ SEA Games đầu tiên kể từ sau năm 2003 chúng ta sẽ không thể giữ được một vị trí trong tốp 3 toàn đoàn.

Tuy nhiên, điều này cũng đã nằm trong dự tính của thể thao Việt Nam. Sau kỳ tích HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016, công tác đầu tư trọng điểm đã được thay đổi rất nhiều. Thể thao Việt Nam đang dồn toàn lực cho các môn thuộc hệ thống Olympic như điền kinh, đấu kiếm, bắn súng, cử tạ, bơi lội… Bước đầu, tại Asiad 2018, chúng ta đã giành được HCV ở các môn nhảy xa, rowing, duy trì sự phát triển ở xe đạp, bơi lội, cử tạ. Nếu tính trên các thông số chuyên môn, khoảng cách so với trình độ thế giới vẫn còn rất xa nhưng rõ ràng, mục tiêu huy chương ở Olympic không phải là không thể.

Nguồn cảm hứng từ bóng đá Việt Nam cho chúng ta niềm tin lớn hơn. Trong tất cả các môn thể thao Olympic, bóng đá mới chính là môn được xem là “viển vông” nhất khi nghĩ đến một suất tham gia. Thế nhưng, chiến thắng 4-0 trước Thái Lan cùng một suất dự vòng loại Olympic thông qua vòng chung kết U.23 châu Á đầu năm sau đã cho thấy giấc mơ có thể thành hiện thực nếu như kỳ tích á quân năm 2018 được tái lập. Một môn thi đấu tập thể với yêu cầu đầu tư cực kỳ lâu dài mà vẫn có triển vọng, không lý gì những môn cá nhân lại không thể.

Tuy nhiên, cũng như thành công của bóng đá, để hiện thực hóa những giấc mơ huy chương Olympic thì cần có những cách làm khoa học trong đầu tư lẫn thi đấu.

Bước đầu, các nhà quản lý thể thao Việt Nam dự kiến sẽ mạnh dạn bỏ qua việc tranh chấp tốp 3 toàn đoàn ở SEA Games 30, thay vào đó sẽ đặt mục tiêu quyết liệt tốp 3 hay thậm chí là vị trí số 1 cho những môn thuộc hệ thống Olympic. Khi đó, SEA Games được xem là đợt tổng kiểm tra cho các cuộc đua tranh giành suất dự Olympic vào năm sau. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ chú trọng vào chất lượng, bỏ qua việc “đếm huy chương” như những kỳ SEA Games trước mặc dù đây là kỳ đại hội có số lượng huy chương kỷ lục trong lịch sử.

Có một lý do khác khiến thể thao Việt Nam phải chuyển mục tiêu SEA Games, đó là yếu tố con người. Dù đã đề ra “chiến lược Olympic” sau chiếc HCV của Hoàng Xuân Vinh nhưng thực tế các tuyến kế thừa của nhiều môn hiện thiếu cả chất và lượng. Ngoài bóng đá, tính phổ cập của nhiều môn Olympic tại Việt Nam hiện nay vẫn không phát triển, đặc biệt trong môi trường học đường cũng như ở khía cạnh thể thao chuyên nghiệp. Cử tạ, bơi, bắn súng hiện đang dậm chân với những cá nhân vốn đã được biết đến từ Olympic 2016. Các môn điền kinh, rowing, đấu kiếm, xe đạp… chỉ mới vươn đến tầm châu Á nhưng vẫn còn khoảng cách so với thế giới. Trong khi đó, các môn võ hay thể dục thì chưa có tiến bộ. Trong bối cảnh mà thể thao đỉnh cao đang dựa nhiều vào ngân sách nhà nước thì việc đầu tư có chọn lọc, không dàn trải là lựa chọn mang tính bắt buộc.

Ngay sau chiến thắng của U.23 Việt Nam thì vào đầu tháng 4 tới, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ bước vào vòng loại thứ 2, chính thức khởi đầu chiến dịch “săn vé” dự Olympic 2020 của thể thao Việt Nam kéo dài đến tận tháng 6 năm sau ở hàng chục môn thể thao. Hy vọng với những tính toán có tầm nhìn của mình, thể thao Việt Nam sẽ trình làng những cá nhân, tập thể xuất sắc mới để viết tiếp kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh.

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hanh-trinh-den-tokyo-2020-584070.html