Hành trình cứu những cuộc đời ra khỏi bóng tối

Hơn 200 người nghiện đã cai nghiện thành công, hơn 100 người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng đã có cuộc sống ổn định, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đó là kết quả trong 8 năm triển khai thực hiện mô hình Câu lạc bộ “Cảm hóa giáo dục giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La do Công an và Hội Phụ nữ xã chủ trì. Những người đã từng mắc sai lầm nơi đây như được sống thêm một lần nữa.

Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” hoạt động mang lại hiệu quả cao.

Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” hoạt động mang lại hiệu quả cao.

Những cuộc đời tưởng đã chìm trong bóng tối

Nhắc lại những ngày chìm đắm với ma túy, anh Phạm Đức Chín ở tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vẫn không giấu được nỗi xót xa, tiếc nuối vì đã để phí cả quãng thời gian đến gần chục năm trời trai trẻ, tự mình đẩy cả gia đình xuống vực sâu khi mắc nghiện ma túy. Năm 1999 anh sa vào con đường nghiện ma túy theo nhóm bạn xấu, bao nhiêu của cải trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Cả hai vợ chồng không nghề nghiệp, con cái còn nhỏ, dù có cật lực lao động thì số tiền anh kiếm được cũng không đủ để anh mua ma túy sử dụng. Thiếu thuốc, cuộc sống khó khăn, con cái nheo nhóc, vợ chồng anh thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã... Gia đình anh không có lấy một ngày bình yên theo đúng nghĩa.

Còn chị Nguyễn Thị Lợi ở tiểu khu 5, xã Chiềng Sơn lại lâm vào con đường nghiện ma túy với một nguyên nhân hết sức oái oăm. Chị bị ốm nặng, đã chữa nhiều loại thuốc mà không khỏi nên chồng chị (là người nghiện ma túy) đã cho vợ sử dụng ma túy để đỡ đau và hy vọng chữa được bệnh, lâu dần thành quen và chị đã bị nghiện. Thời đó, cả xã chỉ có duy nhất chị là nữ nghiện ma túy. Chị đã trở thành câu chuyện đàm tiếu từ làng trên đến xóm dưới, đi đến đâu chị cũng phải nhận ánh mắt kỳ thị, xa lánh của mọi người.

Hai vợ chồng cùng nghiện, nuôi 3 đứa con nhỏ, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, cuộc sống của chị lúc đó không khác gì địa ngục. Chị bảo, có lúc không thiết sống nữa, muốn chết đi để được giải thoát. Nhưng, chính những đứa con là động lực níu giữ chị ở lại với cuộc đời này, dù phía trước là cả một bầu trời u ám, không lối thoát.

Câu lạc bộ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng (tại gia đình chị Nguyễn thị Lợi, tiểu khu 5).

Chiềng Sơn là xã vùng 2 biên giới của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với 8,25 km đường biên giới đất liền giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, có nhiều đường tiểu ngạch từ biên giới vào nội địa. Xã có 23 bản, tiểu khu với 2.137 hộ, 8.546 nhân khẩu, có bản cách trung tâm xã hàng chục km đường đi bộ. Đây được coi là địa bàn phức tạp về ANTT, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy Chiềng Sơn có thời điểm được ví như địa bàn trung chuyển của những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn có vũ khí qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Đã có những cuộc đấu súng nghẹt thở giữa các lực lượng chức năng và tội phạm ma túy diễn ra tại đây.

Mỗi năm, Công an xã Chiềng Sơn xử lý trên 50 vụ việc về ANTT thì phần lớn liên quan đến ma túy. Năm 2012, trên địa bàn xã có tới 239 người nghiện ma túy, 202 đối tượng tù tha về, 34 đối tượng tù hưởng án treo, 13 đối tượng cải tạo không giam giữ, hơn 100 người đang chấp hành án phạt tù về các tội liên quan đến ma túy ở các trại giam trên toàn quốc...

Anh Chín, chị Lợi chỉ là hai trong hàng trăm trường hợp nghiện ma túy ở xã Chiềng Sơn vào thời điểm năm 2012. Và hầu như cuộc sống của họ đều bế tắc giống nhau: Nghèo đói, sức khỏe sa sút, vợ chồng mâu thuẫn, con cái không được chăm lo... Nhưng, ở những giây phút tưởng như không còn con đường nào để đi ấy, những người lầm lỡ ở xã Chiềng Sơn như anh Chín, chị Lợi lại được hồi sinh bởi sự dang tay hỗ trợ, giúp đỡ của một mô hình do Công an xã và Hội Phụ nữ xã Chiềng Sơn chủ trì với tên gọi: Câu lạc bộ “Cảm hóa giáo dục giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”.

Gieo hạt lành trên lối về của người lầm lỡ

Trước tình hình phức tạp về ANTT, Công an và Hội Phụ nữ xã Chiềng Sơn đã phối hợp đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan thành lập mô hình Câu lạc bộ: “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng” nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỡ trên địa bàn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Câu lạc bộ gồm 50 thành viên là những cán bộ chủ chốt của xã, của các bản, tiểu khu, trong đó nòng cốt là Công an và Hội Phụ nữ xã.

Sau khi thành lập, ra được quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cho từng thành viên thì công tác tuyên truyền, vận động là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của những người lầm lỡ.

Mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình anh Phạm Đức Chín ở tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu là hướng đi đúng cho nhiều người lầm lỡ vươn lên thoát nghèo.

Trong 8 năm qua, Câu lạc bộ đã tổ chức tuyên truyền trên 150 cuộc với hàng chục nghìn lượt người tham gia. Công an và Hội Phụ nữ xã còn đến từng nhà tổ chức cho các hộ ký giao ước thi đua về công tác phòng, chống ma túy, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia phát giác tội phạm và những người nghi nghiện ma túy; tập trung làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục kết hợp với các biện pháp kiểm tra, sàng lọc để người đã mắc nghiện ma túy tự nhận và xin được điều trị Methadone...

Phần lớn những người lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù hoặc cai nghiện tập trung trở về địa phương đều gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, không có việc làm và thu nhập, rất dễ đi lại con đường cũ. Vì thế, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã làm tốt các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ xây dựng nhà mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, tiền mặt giúp những người lầm lỡ trở về cộng đồng phát triển kinh tế, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời.

Có 5 người cai nghiện tập trung trở về được anh Ngô Văn Hùng, nguyên Trưởng Công an xã Chiềng Sơn giúp đỡ và đã có cuộc sống ổn định. Ngay khi người cai nghiện tập trung trở về, anh đã trực tiếp đến nhà gặp gỡ, tuyên truyền để họ ký cam kết không tái nghiện, hướng dẫn học nghề. Sau đó, bằng mối quan hệ cá nhân, anh giới thiệu việc làm hoặc liên hệ với cơ quan khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn họ cách trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Trong số những người được anh giúp đỡ, có anh Đỗ Quốc Nghĩa, Hà Mạnh Cường... đã ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển.

Thượng úy Trần Quang Đạt, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Chiềng Sơn cũng tích cực phối hợp cùng Hội Phụ nữ tuyên truyền vận động người lầm lỡ... Chị Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, câu lạc bộ đã huy động chị em phụ nữ trong xã tiết kiệm được gần 250 triệu đồng, giúp đỡ 34 lượt hộ vay vốn từ quỹ tiết kiệm này để làm kinh tế, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả trải rộng gần 5ha với những cây cam, cây bưởi da xanh trĩu quả, đàn ngan, vịt, gà hàng trăm con, anh Phạm Đức Chín rất xúc động khi nói về những ngày tháng nỗ lực không mệt mỏi của bản thân với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các thành viên câu lạc bộ, anh đã cai nghiện thành công và tập trung phát triển kinh tế. Tính đến thời điểm này, anh đã từ bỏ thứ hàng trắng chết người được hơn chục năm, xây được nhà, phát triển nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích đất gần 5 ha, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Anh Chín tâm sự: Được như ngày hôm nay, tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ của các anh công an cũng như các thành viên trong câu lạc bộ. Họ đã cho tôi sống lại thêm lần nữa. Bây giờ tôi có cuộc sống ổn định, thu nhập ổn định, con cái trưởng thành, vợ chồng êm ấm, hạnh phúc, thật không còn mong gì thêm nữa.

Trang trại hơn 2.000 cây ăn quả của gia đình anh Lường Văn Thụ, tiểu khu 2 - một trong những người lầm lỡ được Câu lạc bộ hỗ trợ giúp đỡ thoát nghèo.

Cũng giống anh Chín, năm 2014, chị Lợi trở về từ Trung tâm Giáo dục - Lao động tỉnh thì chồng chị đã mất, một mình chị nuôi 3 con nhỏ trong khi hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lại phải gồng mình lên chống đỡ cám dỗ chết người mỗi khi bị rủ rê, lôi kéo trở về con đường cũ. Được sự giúp đỡ của câu lạc bộ, chị được vay vốn trồng chè và trồng ngô trên diện tích cây ăn quả có sẵn. Hiện nay chị đã xây được nhà, thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, con cái chị đều trưởng thành, có gia đình và công việc ổn định.

Khi những người lầm lỗi đã xác định cho mình một lối về đúng thì trên hành trình thiện lương ấy, bên cạnh họ luôn có những bàn tay nâng đỡ, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh, động lực để họ tự tin hơn trên con đường tìm lại chính mình. Đó là những người chiến sĩ công an tận tụy hết lòng vì công việc, hằng ngày, hằng giờ bám sát địa bàn, trăn trở, miệt mài tuyên truyền, vận động, giúp những người lầm lỡ vượt qua mặc cảm, trở lại là chính mình; là những hội viên phụ nữ tận tâm, giàu lòng nhân ái; là cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể; là gia đình, bà con lối xóm bằng sự cảm thông, bằng tình thương và niềm tin tưởng, họ đã một lần nữa mang lại ánh sáng của cuộc đời cho những người lầm lỗi.

Những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, những đàn ngan, vịt, gà hàng trăm con, những vườn cây trĩu quả bạt ngàn trải khắp xã... đã giúp những người lầm lỗi trở dần về nẻo thiện, góp phần đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương và quan trọng hơn cả là tình người đã và đang được khơi dậy từ mô hình câu lạc bộ có cái tên rất thân thương: “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”.

Trong 8 năm, mô hình Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” đã giúp gần 100 lượt người được vay vốn từ quỹ tiết kiệm của Hội Phụ nữ xã và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; 8 nhà đại đoàn kết được xây dựng với số tiền 472 triệu đồng; 430 cây giống, 8 con bò, gần 15 triệu tiền mặt và 512 công làm nhà, thu hoạch mùa màng cũng đã được câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỡ có hoàn cảnh khó khăn tại xã... Nhờ đó, 353 người từng lầm lỡ đã trở về cuộc sống bình thường, vươn lên thoát nghèo, trong đó có rất nhiều gia đình trở thành hộ giàu có trong xã...

Minh Phong

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/hanh-trinh-cuu-nhung-cuoc-doi-ra-khoi-bong-toi-611659/