Hành trình của Vua cõi Mộng

Morpheus, thực thể kiểm soát cõi Mộng, trong chuyến phiêu lưu tìm kiếm bảo vật thất lạc đã trải qua những thăng trầm của xứ loài người điên rồ mà kỳ diệu.

Bộ sậu nhà Endless (Vĩnh hằng) gồm Dream (Mộng), Death (Cái chết), Destiny (Định mệnh), Despair (Tuyệt vọng), Desire (Khao khát), Delirium (Mê muội) và Destruction (Hủy diệt) được khắc họa là những thực thể được sinh ra từ cõi hỗn mang, có quyền năng vượt thần thánh. Trên thực tế, nhóm nhân vật là sản phẩm tinh thần của tác giả Neil Gaiman, trong khuôn khổ Vũ trụ truyện tranh DC, dựa trên các điển tích thần thoại khắp thế giới.

The Sandman là tác phẩm được chuyển thể từ truyện tranh nổi tiếng cùng tên của Neil Gaiman. Theo New York Times, đây là bộ tiểu thuyết đồ họa bán chạy nhất mọi thời. Câu chuyện có màu sắc đen tối và nội dung nhắm tới đối tượng lớn hơn các truyện tranh thông thường giúp tác phẩm giành 26 giải Eisner danh giá, trong đó Neil Gaiman thắng ở hạng mục Cây viết Xuất sắc.

Phim xoay quanh hành trình tìm lại những sức mạnh và phục dựng vương quốc của Morpheus (Tom Sturridge). Anh là Vua cõi Mộng, người cai quản Giấc mơ và Ác mộng , đứa con thứ 3 trong gia đình Endless - bộ 7 thực thể quyền năng cai quản một khía cạnh trong vũ trụ.

 Phim nâng tầm triết lý qua cuộc hành trình vào cõi người của Mộng Đế.

Phim nâng tầm triết lý qua cuộc hành trình vào cõi người của Mộng Đế.

Khi Morpheus quyết định đến Trái Đất để bắt giữ Ác mộng The Corinthian (Boyd Holbrook) - kẻ biến những nỗi kinh hoàng trong giấc mộng thành sự thật, anh vô tình dính tà thuật và bị giam cầm bởi nhà Burgee, đồng thời mất đi những bảo vật hơn một thế kỷ.

Những rắc rối Morpheus gặp phải trong suốt 10 tập phim đóng vai trò mở ra kịch bản mới cho các Endless khác và những vương quốc tồn tại song song họ.

Giấc mơ điện ảnh 30 năm, một tác phẩm truyện tranh nhưng rất khác

Sau thất bại của American Gods, các nhà làm phim Hollywood phải chật vật trong thời gian dài để ra mắt The Sandman. Việc sinh động hóa những hình ảnh có tính trừu tượng cao, pha trộn giữa thần thoại và ma thuật thông qua CGI không phải điều dễ dàng. Đặc biệt, tác phẩm của Neil Gaiman mang đậm triết lý đời thường, khi lên màn ảnh dễ mất đi những giá trị chiều sâu vốn có.

Tất cả bối cảnh trong phim đều xuất hiện hoành tráng và mang tính mỹ thuật cao. Không bị gò bó bởi kiến trúc phương Tây, nhà làm phim còn lấy cảm hứng từ nhiều nền văn hóa ở các thời kỳ khác nhau.

Địa phận của Ác Mộng đầy rẫy những ngôi mộ Anh cổ u tối khác hẳn với Giấc Mơ, nơi của những hy vọng. Ê-kíp thừa nhận lấy cảm hứng từ hình ảnh cầu Vàng của Việt Nam với hai bàn tay đỡ, tượng trưng cho sự nâng niu những ước nguyện của thế giới. Lâu đài toát lên sự trang nghiêm, cổ kính nhờ kiến trúc Byzantine (La Mã hậu cổ đại). Thiết kế mái vòm bán nguyệt đa dạng cùng nét chấm phá các biểu tượng hình học có màu sắc phong phú tạo hiệu ứng thị giác cực hút cho người xem.

Bối cảnh trong phim đều được tái hiện đầy tính thẩm mỹ.

Các không gian siêu nhiên khác được tái hiện tỉ mỉ, thể hiện rõ tính cách của người chủ quản: đầy rẫy tiếng kêu than và sự quậy phá của oan hồn như Địa Ngục của Lucifer; ma mị, khô khan như sa mạc của Tam Nữ Thần.

Đặc điểm nổi bật của các thời đại khác nhau trong lịch sử được nhà làm phim khắc họa triệt để. Những sự kiện tiêu biểu: phát minh lò sưởi, William Shakespeare, cách mạng Pháp,... được kể lại như chuyến du hành về thời cận đại châu Âu. Từ bối cảnh, trang phục, kiểu tóc từng thời kỳ đều thể hiện được đặc trưng của xã hội.

Tạo hình nhân vật cũng là một điểm sáng cho phim. Việc để Lucifer (Gwendoline Christie) trong hình hài phi giới tính, xuất hiện sang trọng, hình thể lấn át kẻ khác làm nổi bật thân phận thiên thần đầu tiên và đẹp đẽ nhất của Thiên Chúa.

Tạo hình sang trọng của Chúa Quỷ được đánh giá cao.

Morpheus cũng được Tom Sturridge thể hiện tròn trịa: thần thái một Mộng Đế lạnh lùng, không ưa bạo lực toát lên từ người đàn ông cao gầy, làn da trắng nhợt với ánh mắt đầy quyền lực.

Tom Sturridge trong phim.

Mạch câu chuyện bám sát nguyên tác nhưng nhiều chi tiết được thay đổi để ủng hộ cộng đồng người da màu và LGBTQ+. Điển hình, diễn viên da đen Kirby Howell-Baptiste vào vai Death nhưng vẫn rất nổi bật. Nhiều nhân vật như thủ thư Lucienne (Vivienne Acheampong), kẻ săn quỷ Johanna Constantine (Jenna Coleman) đều được hoán đổi giới tính. Ngay vai Desire cũng lựa chọn diễn viên phi nhị giới Mason Alexander Park.

Nhà làm phim còn khéo léo điểm xuyết qua chuyện tình đồng giới của Alex Burgess và Johanna. Neil Gaiman từng chia sẻ: “Tôi muốn thay đổi trái tim và suy nghĩ. Tôi có bạn bè chuyển giới và dường như không ai đưa nhân vật chuyển giới vào truyện tranh”.

Hy vọng đến từ Địa Ngục

Thông điệp chính của phim nằm ở tập 4, trong cuộc chiến ngôn từ của Morpheus và Lucifer nhằm đòi lại nón Giấc mơ. Chúa quỷ đại diện cho bóng tối, mầm mống hủy diệt như: sói, rắn độc, vi khuẩn,... để đánh gục tinh thần bất bại của thợ săn, chim săn mồi hay sự sống của vũ trụ được đại diện bởi Vua Cõi Mộng.

Việc thay thế người tranh đấu với Mộng Đế từ quỷ Choronzon thành chủ nhân Địa Ngục đã nâng tầm trận chiến và vị thế của cả hai. Sau màn “rap battle” nảy lửa, Lucifer nhận thua khi Morpheus nói về “Hy vọng". Hy vọng là điều có thể vượt lên hết thảy, kể cả những thực thể quyền năng nhất.

Không chỉ nâng bản thân lên bởi hy vọng, Chúa tể Giấc mơ còn hạ thấp Lucifer khi nhắc đến sự bất lực của Địa Ngục với “giấc mơ Thiên Đường”. Đây như một lời khẳng định: “Cái thiện luôn chiến thắng cái ác”.

Ý nghĩa về sự sống và cái chết, thiện và ác còn được miêu tả qua cuộc đời của người đàn ông bất tử - kết quả vụ cá cược của Morpheus và Death từ năm 1389. Trái với suy nghĩ của Vua cõi Mộng, cuộc sống vô tận chưa bao giờ khiến người đàn ông chết mà ngược lại, anh ta luôn hy vọng vào thế giới dù trong hoàn cảnh nào. Sống càng lâu, người đàn ông càng hiểu về nhân loại, thay đổi từ kẻ nhiều ham muốn về tiền bạc, sắc dục thành một người tri thức, thông thái.

Hy Vọng - thông điệp chính được truyền tải tinh tế qua các phân cảnh trong phim.

Nỗ lực suốt 30 năm, song The Sandman vẫn chỉ nhận về số điểm khiêm tốn 7.9/10 ở IMDb và 3,5/4 trên Rotten Tomatoes. Nhiều vấn đề được biên kịch đưa ra có vẻ đao to búa lớn nhưng giải quyết chưa đủ thuyết phục, như việc thực thể quyền năng như Morpheus nhưng lại bị bắt giữ và giam cầm quá dễ dàng. Tông màu tối chủ đạo xuyên suốt phim tạo hiệu ứng ma mị và cuốn hút nhưng lại thiếu điểm nhấn trong từng cảnh quay.

Nhà làm phim muốn truyền tải nội hàm câu chuyện qua từng câu thoại. Tuy nhiên, tần suất quá dày của các câu chữ và sự xuất hiện liên tục của nhân vật mới khiến mối quan hệ giữa các nhân vật trở nên rối rắm.

Dù có một cốt truyện thống nhất là khôi phục địa giới của Morpheus, các tập phim rời rạc như bộ hợp tuyển. Thay vì mở bài, tạo tuyến kịch tính chung và giải quyết ở cuối series thì biên kịch lại mở và đóng vấn đề trong một tập như: quá trình bị bắt và giải thoát của Mộng Đế ở tập 1, lấy lại các bảo bối lần lượt tập 4, 5, 6…

Linh Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-cua-vua-coi-mong-post1346316.html