Hành trình của người tử tù từ Trại giam đến Trại sáng tác văn học

Thời gian gần đây, nhiều người biết đến tác giả Nguyễn Đức Nguyên với tiểu thuyết 'Núi mẹ'. Một phần vì tiểu thuyết của anh được bạn đọc yêu mến, phần đặc biệt khác là cuốn tiểu thuyết này được viết trong bối cảnh anh đang chờ thi hành án tử hình trong trại giam.

Nghị lực phi thường cùng với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống đã giúp cho người tử tù ấy hoàn thiện tác phẩm của mình sau ngày được đặc xá. Từ trại giam, anh đã đến với Trại sáng tác văn học Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

Tôi may mắn có vài ba dịp được tiếp xúc với tác giả Nguyễn Đức Nguyên. Có lần gặp anh ở Trại sáng tác văn học do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng; một lần trại viết đặt ở Bãi Cháy, Quảng Ninh; lần khác thì gặp anh trong buổi lễ trao giải trại sáng tác văn học ở hội trường của Bộ Công an. Dáng người anh nhỏ thó, luôn trong bộ vest lịch sự với tính cách ôn hòa, trầm tĩnh và dễ lấy được thiện cảm của người đối thoại bằng sự chân thành.

Trong buổi trao giải ngày hôm ấy, Nguyễn Đức Nguyên được lên bục phát biểu cảm tưởng, một hiện thực trước đây Nguyễn Đức Nguyên không bao giờ hình dung ra được. Tuy nhiên, đây chưa phải là lần đầu tiên Nguyễn Đức Nguyên được lực lượng Công an bao bọc, tạo điều kiện. Lần trước đó, theo lời của Nguyễn Đức Nguyên, thì chính người cán bộ quản giáo đã ra sức giữ lại tính mạng của anh khi người tử tù này đang trong giai đoạn chờ thi hành án tử hình.

Hồi ấy, Nguyễn Đức Nguyên trở thành một trong số các tử tù khá đặc biệt của Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn. Anh không có ý định viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá. Khi chủ nhân của mạng sống không còn màng đến chuyện sinh tử, thì lạ lùng thay, người quản giáo Triệu Hồng Quân lại tìm mọi cách bảo vệ sự sống cho tử tù của mình. “Hồi ấy, anh Quân rất hay đến phòng tôi trò chuyện. Thời hạn viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá chỉ có 7 ngày. Vì 7 ngày trôi qua rất nhanh khi tôi quyết định không viết đơn. Anh Quân không nói thẳng là tôi nên viết đơn, nhưng nội dung trò chuyện của anh thì luôn hướng tôi đến việc tìm cơ hội cho sự sống” – Nguyễn Đức Nguyên nhớ lại.

Những cuộc trò chuyện giữa quản giáo Quân và tử tù Nguyễn Đức Nguyên không mang lại kết quả. Khi thời hạn viết đơn chỉ còn lại 2 ngày, quản giáo Quân đã đưa lá thư của cô con gái cho tử tù Nguyễn Đức Nguyên đọc. “Bố ơi con rất nhớ bố, có những đêm con nằm mơ thấy bố về. Bố bế con trên tay. Đưa con đi chơi. Khi tỉnh giấc không thấy bố nữa. Con tự trách sao mình không ngủ lâu hơn để mơ thấy bố nhiều hơn? Giá trời cho con 3 điều ước, con chỉ ước 1 điều duy nhất là có bố ở bên…”.

“Đọc xong lá thư của con, mắt tôi nhòa lệ với sự xúc động đến tột cùng. Lúc ấy tôi mới thấu hiểu hết được giá trị của cuộc sống. Tại sao một người quản giáo lại luôn cố cứu vớt tính mạng của tôi trong khi bản thân mình thì lại không nuôi hy vọng? Hóa ra, tính mạng của tôi giờ không phải của riêng tôi, mà còn là của vợ, của con tôi và những người thương yêu tôi. Tôi còn sống, nghĩa là còn cơ hội trở về gia đình và thực hiện ước mơ của con tôi như cháu gửi gắm trong thư. Hôm đó là ngày thứ 5 trong thời hạn 7 ngày, tôi đã cầm bút viết đơn xin ân xá” – Nguyễn Đức Nguyên xúc động chia sẻ.

Tuy nhiên, viết đơn xin là một chuyện còn có được ân xá hay không lại là một chuyện khác. Vì vậy, trong những ngày tháng dài dằng dặc ấy, Nguyễn Đức Nguyên ngoài một niềm tin và hy vọng mãnh liệt vào sự sống, anh vẫn bình tâm chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đối diện với bản án của mình. Sau khoảng 16 tháng sống trong phòng giam dành cho tử tù, Nguyễn Đức Nguyên đã chính thức được Chủ tịch nước ký quyết định ân xá, giảm án xuống chung thân và chấp hành án tại Trại giam Nam Hà. Đến cuối năm 2015, anh được đặc xá trở về với gia đình. Một trang mới trong cuộc đời của anh được mở ra như một phép màu nhiệm của tình người!

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tặng hoa tác giả Nguyễn Đức Nguyên trong buổi lễ trao giải Cây bút vàng lần thứ 3.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tặng hoa tác giả Nguyễn Đức Nguyên trong buổi lễ trao giải Cây bút vàng lần thứ 3.

Lớn lên ở miền sơn cước, ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Đức Nguyên đã là một cậu học trò giỏi văn. Anh từng là học sinh giỏi văn cấp tỉnh năm học lớp 7. Năm anh học lớp 10, Nguyễn Đức Nguyên được tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh Lạng Sơn. Khi kỳ thi chưa có kết quả thì xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, anh tạm gác việc học lại để tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới 17 tuổi.

Từ khi còn trong trại giam, biết Nguyễn Đức Nguyên là người có chữ nghĩa, tính tình cẩn thận nên cán bộ quản giáo Trại giam Nam Hà đã tin tưởng giao cho anh nhiệm vụ ghi chép công việc của trại. Sẵn giấy mực trong tay, Nguyễn Đức Nguyên lên ý tưởng viết một tác phẩm về quê hương mình. Và những nhân vật, tình huống của tiểu thuyết “Núi mẹ” bắt đầu được định hình trong suy nghĩ của anh. Sau thời gian nghiền ngẫm, đến năm 2011, anh bắt đầu cầm bút.

“Thời gian ấy, biết được Tổng cục Cảnh sát thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an tổ chức cuộc thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” nên tôi tranh thủ thời gian buổi trưa và ngày thứ 7, chủ nhật để viết. Các tập bản thảo cứ ngày một dày thêm, lên đến hàng nghìn trang. Tuy nhiên, khi tôi gửi tập bản thảo về ban tổ chức thì đã hết thời hạn nhận tác phẩm dự thi. May mắn là sau đó Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng (Nhà xuất bản CAND) đã lưu tâm đến tập bản thảo của tôi. Nhà thơ đã liên lạc với gia đình, từ đó có cơ duyên để tôi chuyển được cho anh phần đầu của tiểu thuyết “Núi Mẹ”.

Cuối năm 2015, Nguyễn Đức Nguyên may mắn được đặc xá trở về với cộng đồng. “Núi Mẹ” vẫn là những trang bản thảo chưa hoàn thiện. Nhân Trại sáng tác văn học “Cây bút vàng lần thứ 3” năm 2016, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã đề xuất với lãnh đạo Nhà xuất bản CAND, đơn vị tổ chức trại sáng tác, đề nghị Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đặc cách cho Nguyễn Đức Nguyên tham gia trại sáng tác. Trung tướng Hữu Ước đã đồng ý.

Nguyễn Đức Nguyên trở thành người đầu tiên rất đặc biệt trong làng văn khi bước thẳng từ trại giam đến trại sáng tác. Được trở thành thành viên trại sáng tác, được đối xử bình đẳng như rất nhiều nhà văn nổi tiếng khác, với sự hỗ trợ của nhà thơ Đặng Vương Hưng và các bạn văn, từ hàng nghìn trang bản thảo viết tay, trong gần nửa tháng, các trang viết được Nguyễn Đức Nguyên thu gọn chỉ còn 1 nửa. Kết thúc 20 ngày tham gia trại sáng tác cũng là lúc tác phẩm của anh đã gần hoàn thiện.

Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã một lần nữa đã ập đến với Nguyễn Đức Nguyên. Chính trong thời gian này, anh đã phát hiện mình bị căn bệnh quái ác ung thư giai đoạn cuối. Nhận phải cú sốc lớn, anh bất lực, buông xuôi, giấu nỗi đau một mình. Không thể liên lạc với Nguyễn Đức Nguyên một thời gian, bỗng một ngày, Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng nhận được tin nhắn của anh: “Em bị ung thư giai đoạn cuối”. Biết được tin, nhà thơ Đặng Vương Hưng cùng các bạn văn gặp gỡ, ra sức động viên tác giả Nguyễn Đức Nguyên vượt qua cú sốc, tích cực điều trị bệnh để có sức khỏe hoàn thành những trang viết dở của mình. 1 tuần trước khi tiểu thuyết “Núi mẹ” được hoàn thành, Nguyễn Đức Nguyên phải lên bàn phẫu thuật cắt bỏ đi một phần cơ thể của mình. “Núi mẹ” sau đó được Ban tổ chức giải “Cây bút vàng” trao thưởng.

Trong buổi Nhà xuất bản CAND tổ chức giới thiệu tiểu thuyết “Núi mẹ”, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an bày tỏ ngạc nhiên vì không ngờ “Núi mẹ” lại đầy ắp tư liệu, tình đời, tình người và không thể nghĩ một con người đã từng nhiều lần trong vòng lao lý lại có thể viết được những trang văn đẹp, trong trẻo, nhìn cuộc đời đẹp như thế. Bên cạnh đó, Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, chất sử thi thấm đượm trong tác phẩm “Núi mẹ” của Nguyễn Đức Nguyên. Mỗi trang viết đều thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, miền đất vùng biên cương Tổ quốc…

Giờ đây, những người yêu văn đều thấy nghị lực phi thường của Nguyễn Đức Nguyên từng ngày trong cuộc sống và sáng tác văn chương. Cách đây ít ngày, tôi có gọi điện hỏi thăm, Nguyễn Đức Nguyên “khoe” rằng anh mới học được cách gõ bàn phím máy tính để viết văn, tuy nhiên anh vẫn chưa biết cách lưu lại bản viết của mình nên mấy lần tắt máy đi thì bị mất sạch! Anh còn tự tin rằng, dù thời gian của anh không còn nhiều, nhưng vẫn đủ để anh hoàn thành ước mơ của mình. Ít nhất là cho ra đời tự truyện “Khởi nguồn” - tiểu thuyết viết riêng về lực lượng CAND và phần 2 của tiểu thuyết “Núi mẹ”. Chúng tôi tin và ngóng chờ đến ngày con người giàu nghị lực ấy hoàn thành giấc mơ của mình.

Vũ Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/hanh-trinh-cua-nguoi-tu-tu-tu-trai-giam-den-trai-sang-tac-van-hoc_so-dac-biet-21-6-trang-18-496124/