Hành trình của kẻ trốn truy nã

Mười chín năm, so với một cuộc đời thì không là mấy nhưng khoảng thời gian ấy đủ để cho một đứa trẻ từ mới sinh ra bước qua cái mốc trưởng thành. Mười chín năm sống thấp thỏm lo âu với kẻ trốn truy nã như Trương Văn Thu thật chẳng dễ dàng gì.

Bị cáo đánh người rồi đi trốn nã suốt 19 năm.

Bị cáo đánh người rồi đi trốn nã suốt 19 năm.

Ngồi bấm đốt ngón tay, Thu giật mình thốt lên: “Mười chín năm”. Không biết Thu thảng thốt vì mười chín năm với Thu là dài hay ngắn, nhanh hay chậm. Mười chín năm Thu rời bỏ quê hương Nghệ An, ngược vào các tỉnh Tây nguyên sống đời chui lủi, tha phương cầu thực. Đến cái tên của cha mẹ đặt cho là Trương Văn Thu cũng không dám nhận. Lúc nhớ nhà quá Thu khai mình tên Nghệ, tên An, lúc cảm thấy buồn tủi, ăn năn, Thu đặt tên mình là Hối, là Hận… Suốt ngần ấy năm, Thu tạo cho mình nhiều vỏ bọc, lúc là anh cả của đàn em nheo nhóc muốn kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, lúc là đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa bôn ba tìm kế sinh nhai…

Thu làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ hái cà phê, lái xe thồ, bơm vá xe, bán vé số… Ở đâu, làm việc gì Thu cũng cố gắng siêng năng, cần mẫn. Trong giao tiếp Thu tỏ ra vụng về thô thiển, kiệm lời nhưng chân chất thật thà. Thu hạn chế giao tiếp với mọi người và hạn chế va chạm với dân bản địa. Biết thân phận của mình, nên cho dù có lúc bị chèn ép ức hiếp, Thu cũng bấm bụng cho qua.

Nơi cuối cùng Thu dừng chân khá lâu cho đến ngày bị bắt là Ninh Hòa, Khánh Hòa. Với một thân phận mới, cũng như đã có một ít “kinh nghiệm”, Thu khéo léo đến nỗi người dân ở đó không ai biết Thu là đối tượng đang bị truy nã. Ninh Hòa cách thành phố biển Nha Trang hơn 30 cây số, linh tính cho Thu biết đây là nơi có thể kiếm được tiền và là nơi an toàn cho Thu nương náu lâu dài. Cũng có thể do cảnh sắc nơi đây gieo vào lòng Thu một cảm giác bình yên. Ninh Hòa vừa có rừng núi, sông biển, có hòn, có lăng tẩm, đền đài và có cả những cánh đồng lúa bát ngát giống ở quê Thu. Người dân Ninh Hòa cũng hiền hòa, thân thiện…

Mười năm trôi giạt, từ chàng trai mười tám tuổi, Thu đã sắp bước qua tuổi ba mươi, thấu hiểu cái lẽ ở đời, biết cách đối nhân xử thế, trưởng thành hơn trong nhận thức và quan trọng là Thu biết bao bọc mình kỹ lưỡng hơn để không lộ ra tung tích. Quả thật đã có lúc Thu nghĩ chắc là mọi chuyện đã đi vào quá vãng, chắc người ta không ai còn nhớ đến vụ việc ngày xưa, hoặc giả người ta đã đinh ninh Thu trôi sông lạc chợ, chết bờ chết bụi ở đâu rồi

Niềm hy vọng ấy càng nhân lên gấp nhiều lần khi Thu gặp Hạ. Hôm ấy vào một buổi chiều, nhớ nhà quá, Thu thả dọc bờ sông Dinh ngắm con nước lớn dềnh dàng mặt sông, trong lòng thắt thẻo. Sông Dinh ngoài những ngày mưa to lũ lớn, nước ngập tràn, chảy xiết, ngầu đục phù sa… còn lại rất êm ả, hiền hòa và thơ mộng. Từ lâu rồi, sông Dinh đã trở thành biểu tượng của quê nhà trong lòng người con xa xứ.

Nhà Hạ ở Ninh Phú. Hồi Hạ 5 hay 6 tuổi gì đấy, vào mùa mưa lũ, Ninh Phú ngập chìm trong biển nước, hoa màu, ruộng vườn bị tàn phá, nhà cửa bị cuốn trôi. Một tuần sau trận lũ, trong khi ở các xã lân cận nước trên cánh đồng đã rút hết thì tại Ninh Phú, nước vẫn lênh láng khắp nơi. Sau trận đó, ba má Hạ dắt díu nhau đi tìm chốn mưu sinh rồi không thấy về nữa. Hạ được ông bà ngoại nuôi lớn. Năm Hạ 18 tuổi, ông bà lần lượt qua đời. Hạ một mình bơ vơ từ đó.

Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Thu cám cảnh thân mình và thương cảm cho hoàn cảnh của Hạ. Tình yêu ấy thắp lên trong lòng Thu một tia hy vọng. Từ hai cuộc đời đơn côi riêng lẻ, hai con người quá lứa lỡ thì ấy đã gắn kết nhau như là một sự sắp đặt của số phận. Họ sống với nhau tràn trề hạnh phúc. Nhưng với Thu, niềm hạnh phúc ấy cũng không thể khỏa lấp đi nỗi khắc khoải, lo âu cứ đeo bám không yên. Thu thắc thỏm lo sợ lỡ có chuyện gì xảy ra thì Hạ lại một lần nữa bơ vơ, biết đi đâu, về đâu?

Thêm gần mười năm nữa trôi qua. Căn nhà nhỏ của Thu thêm tiếng cười rộn rã của hai đứa trẻ thơ. Trong khi Hạ lúc nào cũng vui vẻ phơi phới thì cõi lòng Thu càng nặng nề. Nhìn con trẻ ngày một lớn lên, lòng Thu càng rối bời niềm vui lẫn nỗi lo. Thu lo giấy không gói được lửa. Thu sợ một ngày việc vỡ lở ra, con anh biết được… Nhưng lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát, tháng 7/2020, bất ngờ Thu bị bắt giữ và di lý về Nghệ An để phục vụ công tác điều tra.

Tại phiên tòa, bị cáo Trương Văn Thu đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã nêu. Theo cáo trạng, đêm 4/8/2001, Trương Văn Thu cùng bạn đi phụ đám cưới ở một nhà hàng xóm. Sau đó, xảy ra xích mích với một số thanh niên trong đám, Thu cầm khóa dây lao vào đánh liên tiếp vào người anh Nguyễn Văn L. khiến nạn nhân bị tổn hại sức khỏe 55%. Khi đồng phạm bị bắt giữ và đưa ra xét xử thì Thu đã bỏ trốn khỏi địa phương. Công an sau đó đã ra lệnh truy nã đối với Trương Văn Thu.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) nhận định, hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo là vi phạm pháp luật. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo dùng hung khí đánh người gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân, do đó, cần có bản án tương xứng. Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử tuyên Trương Văn Thu (SN 1976, trú xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) 5 năm 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.

19 năm, Thu đã sống chui lủi với nhiều vỏ bọc, nhiều thân phận khác nhau. Cũng ngần ấy thời gian, nỗi ám ảnh, lo sợ, phập phồng luôn đeo bám bị cáo trong từng bữa ăn giấc ngủ. Giá mà ngay thời điểm xảy ra vụ án, Thu ra đầu thú thì thời gian trả án cũng đã qua lâu rồi, Thu đã có thể trở về cuộc sống đời thường khi tuổi đời còn rất trẻ. Và vợ con anh cũng không phải vì anh mà liên lụy.

*Tên nhân vật liên quan đã được thay đổi.

Vân Nhi

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/hanh-trinh-cua-ke-tron-truy-na-58233.html