Hành trình của dự án tỷ USD Núi Pháo

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (tỉnh Thái Nguyên) đã và đang cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc.

Tính đến nay, dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên của Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources - MSR) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD.

Với trữ lượng khoảng 83 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng, Núi Pháo đang là dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam, đồng thời giữ vị trí số 1 thế giới ngoài Trung Quốc, khi nắm giữ 36% thị phần vonfram và mục tiêu của công ty là 50% vào năm 2020.

Hành trình mua bán và sáp nhập

Dự án tầm cỡ quốc gia này được xem là một thương vụ M&A kéo dài và phức tạp với một loạt các giao dịch phát hành hối phiếu nhận nợ, quyền chọn mua và quyền chọn bán. Cuối năm 2013, thương vụ này mới chính thức được hoàn tất.

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích trên 720 ha .

Năm 2004, công ty Núi Pháo được thành lập và được cấp giấy phép khai thác vào năm sau, thời điểm này đối tác nước ngoài là Tibron Canada đang nắm giữ 70% mỏ Núi Pháo, Việt Nam chỉ có 30% còn lại.

Khủng hoảng kinh tế năm 2007 đã khiến Tibron bán lại Núi Pháo cho Quỹ đầu tư Dragon Capital. Thế nhưng Dragon Capital cũng không thể lo liệu nổi vốn, buộc dự án phải tạm dừng hoạt động vào năm 2008.

Những biến cố vào thời điểm này của Núi Pháo là “thời điểm vàng” để ông Nguyễn Đăng Quang, khi ấy là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), đồng thời là Chủ tịch tập đoàn Masan, nhảy vào. Thương vụ mua bán này giúp Masan có được toàn bộ 70% cổ phần tại Công ty Núi Pháo từ tay Dragon Capital vào tháng 2/2010.

Bốn tháng (6/2010) sau khi hoàn tất mua bán, tập đoàn này đã bắt tay vào tái cấu trúc và khởi động dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo.

Từ hoài nghi đến mục tiêu phá thế độc quyền về vonfram của Trung Quốc

Ngày 18/6/2010 tại Thái Nguyên, Masan đã làm Lễ tái khởi động dự án Núi Pháo trước sự hoài nghi khả năng triển khai và thành công dự án của nhiều người. Trong 15 năm qua, đây là mỏ vonfram mới đầu tiên trên thế giới chính thức đi vào hoạt động.

Bản thân dự án cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, để có nguồn tài chính triển khai, Masan đã đã huy động vốn từ Mount Kellett, Standard Chartered và từ các ngân hàng trong nước. Nhờ nguồn tài chính này, đến nay, "gã khổng lồ" trong ngành thực phẩm, tiêu dùng nhanh của Việt Nam đã đầu tư hơn 300 triệu USD.

Cuối tháng 4/2013, dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo hoàn thành và đi vào sản xuất. Ngay sau đó, Masan Group đã ký thỏa thuận với Tập đoàn H.C. Starck - doanh nghiệp chế biến khoáng sản công nghiệp hàng đầu của Đức, thành lập Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck.

Liên doanh này tạo điều kiện để phát triển một nhà máy chế biến vonfram tích hợp có quy mô lớn tại Việt Nam, có khả năng làm giàu vonfram từ phẩm cấp thấp đến 0,12% trong thân quặng lên một nhóm các sản phẩm kết tinh phức tạp có chứa hơn 80% vonfram tinh khiết, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Cuối năm 2013, nhà máy bắt đầu hoạt động thử nghiệm và đầu năm 2014 bắt đầu sản xuất thương mại. Thời gian này, Núi Pháo đã bắt đầu giao cho khách hàng khối lượng sản phẩm trị giá hơn 14,4 triệu USD gồm đầy đủ 4 dòng sản phẩm: vonfram, tinh quặng florit, bismut và đồng.

Với trữ lượng khoảng 83 triệu tấn quặng vonfram và khoáng sản khác như florit, bismut và đồng, Việt Nam đang dần tiến đến phá thế độc quyền về vonfram thế giới của Trung Quốc.

Nguồn cung vonfram trên toàn cầu chủ yếu từ hai nguồn: Trung Quốc (chiếm phần lớn thị phần) và ngoài Trung Quốc.

Núi Pháo có trữ lượng khoảng 83 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng .

Hiện tại, chỉ riêng quốc gia đông dân nhất thế giới này đã nắm giữ 70% sản lượng vonfram toàn cầu. Quota xuất khẩu vonfram từ Trung Quốc đã giảm 2.700 tấn, con số này là khá lớn chỉ trong vòng 10 năm (2002-2012).

Đến nay, sản lượng vonfram từ Trung Quốc cũng có nguy cơ tiếp tục giảm do tình hình khai thác trong nước không cho phép. Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay khiến trên 28 nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường phải mất một thời gian dài chỉnh trang hoặc đối mặt nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn. Phần khác, số lượng “mỏ vonfram già” trên 30 năm tại quốc gia có trữ lượng lớn nhất thế giới này đang ngày một tăng, đi liền sản lượng suy giảm và chất lượng quặng thấp.

Trong khi nguồn cung vonfram từ Trung Quốc đang có dấu hiệu đi xuống thì đây là cơ hội cho các nước khác, trong đó có mỏ vonfram Núi Pháo của Việt Nam.

Với ưu điểm là mỏ lộ thiên và có chi phí sản xuất rẻ nhất thế giới, sản lượng chế biến trung bình của nhà máy trên tổng diện tích 720 ha đã nhanh chóng chạm mốc 100% công suất thiết kế. Năm 2014, Núi Pháo đã giao cho khách hàng khối lượng sản phẩm trị giá hơn 14,4 triệu USD.

“Chiến lược thực thi đã giúp chúng tôi cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc”, đại diện MSR cho biết.

Theo số liệu từ Masan, doanh thu năm 2018 của dự án Núi Pháo dự kiến là 5.000 tỷ đồng, đóng góp gần 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015-2017

"Chúng tôi tự hào đưa dự án Núi Pháo trở thành biểu tượng của tinh thần “Vietnam can do” khi trở thành nhà chế biến sâu hóa chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu, chiếm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc" - lãnh đạo Masan chia sẻ.

Ông chủ của dự án đang kinh doanh ra sao?

Masan Resources - mã chứng khoán MSR, chào sàn UPCOM với giá 15.500 đồng vào năm 2015. Tại mức giá tham chiếu chào sàn, vốn hóa của MSR đạt hơn 11.150 tỷ đồng. Hiện tại, cổ phiếu đang giao dịch ở mức khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu.

Trong 3 tháng đầu năm 2018, MSR đã ký hợp đồng mua 300 tấn tinh quặng vonfram từ bên thứ ba cho nhà máy chế biến hóa chất giá trị gia tăng vonfram với công suất chế biến khoảng 9.000 tấn (trong đó 6.500 tấn được cung cấp từ mỏ Núi Pháo). Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng cường thu mua tinh quặng vonfram từ nhiều nguồn bên ngoài để thỏa mãn nhu cầu tăng cao của thị trường.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources - MSR) từ năm 2014 đến nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vào tháng 4 vừa qua, MSR cho biết đã có một năm 2017 hoạt động ấn tượng. Riêng quý I/2018, doanh thu thuần tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước, mang về 1.487 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của công ty cũng tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2017, với biên lợi nhuận trước thuế gần như không đổi ở mức 53%.

Trong đó, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trong quý này là 117 tỷ đồng, tăng 165,9% từ 44 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Ông Craig Bradshaw, Tổng giám đốc MSR, nhận định nguyên nhân của việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đột biến là nhờ nhu cầu thị trường, giá florit, đồng và bismuth tăng mạnh, hiệu suất khai thác các sản phẩm tăng và tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, vonfram từ “ông lớn” Trung Quốc đang gặp nhiều bất ổn.

Tận dụng thuận lợi này, MSR dự báo doanh thu thuần trong quý 2/2018 sẽ tăng khoảng 35% lên 1.900 tỷ đồng so với 3 tháng đầu năm. Doanh thu cả năm 2018 dự kiến đạt 8.000 tỷ đồng.

Từng không gặp may ở thời điểm khi vừa mua xong mỏ Núi Pháo từ tay Dragon Capital thì giá vonfram thế giới giảm. Trong suốt 2 năm 2014-2015, doanh nghiệp này đối mặt với hiệu suất kém, giá đắt, dòng tiền âm, khó khăn trong thu hút vốn từ quỹ đầu tư bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay MSR đã vực dậy và đưa mỏ vonfram Núi Pháo giữ vị trí hàng đầu thế giới ngoài Trung Quốc về cung ứng kim loại này.

Ông Danny Le - Giám đốc Phát triển và Chiến lược của Masan, khẳng định kết quả kinh doanh khởi sắc ở quý I/2018 không phải là chuyện "một lần" mà là chỉ dấu của việc doanh nghiệp đã đi đúng hướng cho sự phát triển bền vững.

Phúc Minh - Hà Mỹ Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-trinh-cua-du-an-ty-usd-nui-phao-post856574.html