Hành trình chông gai của Đặng Văn Lâm đi tìm chỗ đứng ở Việt Nam

Mỗi cột mốc trong sự nghiệp của Lâm 'Tây' đều là sự kết tinh của rất nhiều thăng trầm và lận đận, để từ đó đưa anh trở thành thủ môn số một của đội tuyển Việt Nam.

Sau khi tỏa sáng rực rỡ tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, Đặng Văn Lâm (tên tiếng Nga là Lev Shonovich Dang), xứng đáng được gọi tên là thủ thành hay nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Sắp tới, cựu thủ môn của CLB Hải Phòng sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới trong màu áo Muangthong United thuộc giải đấu cấp cao nhất Thái Lan.

Trước khi trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của đội tuyển Việt Nam, Văn Lâm từng trải qua một khoảng thời gian vất vả đi tìm chỗ đứng ở mảnh đất quê cha đất tổ. Trước khi cùng các đồng đội bước vào trận đấu với Nhật Bản ở vòng tứ kết Asian Cup 2019, anh đã có một cuộc trò chuyện kéo dài hai tiếng đồng hồ với tờ Soviet Sport của nước Nga để kể lại những năm tháng không thể nào quên.

Dưới đây là phần 1 trong chuyến hành trình chinh phục ước mơ khoác áo đội tuyển Việt Nam của Văn Lâm.

"Không có năng khiếu chơi bóng"

- Làm thế nào mà anh sinh ra ở Nga và bây giờ lại chơi cho đội tuyển Việt Nam?

Gia đình của Văn Lâm đang ở Nga.

Gia đình của Văn Lâm đang ở Nga.

- Tôi sinh ra ở Moscow. Mẹ tôi là người Nga, còn cha mang quốc tịch Việt Nam. Mẹ tôi là một cựu diễn viên, còn cha tôi là vũ công ballet. Họ cùng theo học tại GITIS và làm quen với nhau ở ký túc xá. Tầm khoảng 8 tuổi khi đang đi học lớp 2, tôi tham gia CLB Spartak Moscow.

- Vì sao lại là Spartak?

- Đó là học viện gần nhà tôi nhất. Tôi sống gần nhà ga tàu điện ngầm Preobrazhenskaya Ploshchad, bên kia đường là sân vận động Almaz, hiện gọi là Netto. Tôi đã theo học cùng với nhóm cầu thủ sinh năm 1993. Trong số những cầu thủ nổi tiếng còn đang thi đấu, tôi chơi cùng với Alexander Kozlov, sau đó còn có cả Krotov. Ở Spartak, tôi học tập dưới sự hướng dẫn của HLV Alexander Georgievich Yartsev. Đến năm 14 tuổi, tôi chuyển sang trung tâm đào tạo Dynamo.

- Sao anh lại rời khỏi Spartak?

- Sau thời HLV Yartsev là ông Yevgeny Sidorov. Khi ấy tôi đang điều trị chấn thương, rồi sau đó phải ngồi trên ghế dự bị và chuyển tới CLB Krylya Sovetov ở Moscow trong vòng một năm.

Khi quay trở lại Spartak, tôi đến tìm gặp Sidorov. Ông ấy rất ngạc nhiên vì khi ấy tôi còn quá trẻ và non nớt. Họ bảo tôi thay quần áo thi đấu. Sau buổi tập, Sidorov gửi tôi đến chỗ HLV thủ môn có tên là Darwin. Hiện tại ông ấy vẫn còn làm việc.

Darwin khi ấy đã thốt lên một câu mà cả đời này tôi vẫn nhớ mãi: "Cậu biết không Lev, tôi từng có mơ ước chơi kèn harmonica khi còn nhỏ, nhưng tôi không có khiếu cảm thụ âm nhạc". Ý của ông là tôi không có năng khiếu chơi bóng.

- Đến giờ anh đã có thể gửi lời chào đến ông ấy.

- Khi ấy những lời này nghe thật cay đắng, tôi vẫn còn nhớ rõ mình đã đau lòng đến nhường nào. Mẹ kể lại rằng tôi đã từ bỏ bóng đá trong suốt một tuần và không chịu rời khỏi phòng.

Rồi sau đó, tôi đã nói chuyện với gia đình muốn tìm kiếm một CLB khác ở Moscow, không cần phải là Spartak nữa. Chúng tôi quyết định sẽ bắt đầu đi từ dưới lên.

- Thấp nhất là Dynamo?

- Phải. Lúc đó hình như họ đang đứng ở vị trí thứ 5. Hôm sau tôi đến Dynamo và tìm gặp HLV. Ông ấy đã biết tôi từ trước đó và thậm chí từng cử cả tuyển trạch viên đến chiêu mộ tôi, trong khi tôi không hề biết về chuyện đó.

Vào ngày thứ hai, ba sau đó, với tấm thẻ của một cầu thủ bóng đá, tôi đã được vào thi đấu ngay.

- Ở Dynamo, chắc hẳn là họ phải vui lắm khi có một thủ môn tên là Lev đến với họ?

- Tôi nghĩ là vậy. Hơn nữa, họ của tôi cũng có 4 chữ cái. Đối với tôi, đó là một niềm vinh dự lớn. Ở khu vực mà tôi đã sinh sống, hình ảnh của Lev Ivanovich Yashin xuất hiện ngập tràn trên các poster. Ngay cả trung tâm đào tạo cho các cầu thủ cũng được đặt theo tên của Lev Yashin.

- Anh từng chụp một bức ảnh đen trắng khi đang đội mũ, trông giống như Lev Yashin trong ngày sinh nhật của ông. Dường như hồi bé anh đã xem nhiều trận đấu của ông. Ai là thần tượng của anh?

- Tôi không thích từ "thần tượng" cho lắm.

Văn Lâm trong bức ảnh giống huyền thoại Lev Yashin.

- Vậy anh thường học theo ai?

- Lev Yashin là hình mẫu của mọi thủ môn trên toàn thế giới. Còn đối với nền bóng đá hiện đại, tôi thích Buffon và Casillas. Bây giờ thì có quá nhiều thủ môn giỏi. Bạn sẽ nhìn vào họ và ngưỡng mộ. Nhưng bạn không coi là họ là thần tượng, mà chỉ là những người bạn muốn học hỏi ở một điều gì đó, coi họ như đồng nghiệp.

- Ai là thủ môn hay nhất thế giới?

- Tôi nghĩ là De Gea. Courtois cũng rất giỏi. Thường sẽ là những thủ môn có nét hoang dại một chút.

- Thế còn thủ môn hay nhất ở Nga? Có phải là Akinfeev?

- Chính là Akinfeev, không có gì đáng ngạc nhiên. Đối với tôi, anh ấy là một hình mẫu tuyệt vời, đặc biệt là khi tôi đang là thủ thành của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Tôi đã theo dõi nhiều cuộc phỏng vấn của anh ấy, điều này rất quan trọng và hữu ích.

Tôi thích anh ấy ở điểm luôn có một trạng thái tâm lý ổn định. Tôi cảm nhận được rằng điều đó có ý nghĩa đến nhường nào khi trấn giữ khung thành của một đội tuyển quốc gia. Tôi đang là thủ môn của đội tuyển Việt Nam, có quy mô nhỏ hơn Nga. Còn anh ấy là thủ thành của đội tuyển Nga! Cần có nhiều phẩm chất bên trong khi bạn phải đối mặt với những lời chỉ trích hay thóa mạ.

- Tại sao anh lại rời Dynamo?

- Ở Dynamo, mọi thứ đều tốt đẹp. Tôi đã giành được một suất trong đội hình hai ở cấp độ tuổi của tôi sau vài tháng kể từ khi đặt chân đến đó. Tôi trở thành thủ môn trẻ nhất được cử đi đào tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi hợp đồng gần đáo hạn, thời điểm tôi chuyển đến sống ở Novogorsk, tôi đã thua trong cuộc cạnh tranh vị trí với Ivan Shubkin. Cậu ấy hiện tại đã giải nghệ.

Hợp đồng của tôi đến đó đã kết thúc, tôi được gọi đến gặp lãnh đạo học viện để nhận thông báo rằng họ sẽ không ký hợp đồng chuyên nghiệp với tôi. Câu chuyện giữa tôi và Dynamo đã chấm dứt như vậy.

Sốc văn hóa ở Việt Nam

- Rồi sau đó anh đã ngay lập tức đến Việt Nam?

- Vâng, tôi đã có một chút ấn tượng xấu với nước Nga. Tôi nghĩ rằng mình hoàn toàn có khả năng thi đấu cho Dynamo. Nhưng mọi thứ đã quay lưng lại với tôi. Tôi ngay lập tức quay sang cha mình để nhờ ông ấy tìm giúp một số đội bóng ở Việt Nam. Chúng tôi tìm kiếm trên Internet, có trong tay một danh sách và quyết định bay về Việt Nam.

Văn Lâm luôn có khao khát khoác áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

- Với việc từng theo học ở các CLB Spartak và Dynamo, cao 1,88 m, chắc là không quá khó để anh tìm kiếm một đội bóng ở Việt Nam.

- Đó cũng là nhận định của tôi khi mới đặt chân đến Việt Nam. Tôi hoàn toàn tự tin vào điều đó. Tôi đã nghĩ không phải họ chọn tôi, mà là tôi được quyền chọn một trong số những đội bóng có nhu cầu tuyển mộ tôi. Tôi chỉ đơn giản là tìm trên mạng và đến những đội bóng đó, yêu cầu họ ký hợp đồng với mình.

- Điều đó có mang lại kết quả không?

- CLB đầu tiên tôi đến nằm ở thủ đô. Tôi hỏi họ liệu tôi có thể thay đồ ở đâu. Họ chỉ ra một cánh cửa ở góc phòng. Tôi mở cửa và nhận ra đó là nhà vệ sinh. Tôi phải thay đồ trong nhà vệ sinh, ai cũng vậy. Tôi quá sốc, nó hoàn toàn trái ngược với Spartak và Dynamo. Đến giờ, ở Việt Nam, điều này vẫn chưa thay đổi.

Thế là tôi thay đồ, tập luyện và nhận ra đây không phải nơi dành cho mình. Rồi chúng tôi bay từ thủ đô vào TP.HCM, đội bóng thứ hai cũng chẳng khác gì. Sau đó tôi đến với CLB HAGL, họ có một bản thỏa thuận hợp tác với Arsenal ở London, sở hữu nhiều sân bóng, có một học viện bóng đá riêng và những điều kiện thi đấu theo tiêu chuẩn. Tôi đã bay đến đó và ký hợp đồng với họ.

Tôi tin chắc rằng phép màu từ đó sẽ bắt đầu, khi tôi ở tuổi 18 đã tập luyện cùng đội một.

- Nhưng ....?

- Ở mùa giải đầu tiên, tôi không được thi đấu mà chỉ tập luyện. Đến mùa thứ hai vẫn không được ra sân. Tôi đã được gọi lên U19 của đội tuyển quốc gia, nhưng ở CLB vẫn chưa được thi đấu.

- Vấn đề nằm ở đâu?

- Tâm lý. Ở Nga và Việt Nam có những câu chuyện về văn hóa và tâm lý rất khác nhau.

- Điều đó có nghĩa là gì?

- Đầu tiên, vốn tiếng Việt của tôi khi ấy không được tốt lắm. Thứ hai, tôi đến đó và cư xử như một gã trai đậm chất Nga với một nền giáo dục khác biệt. Tôi là người lạ trong mắt mọi người. Họ lập tức không ưa gì tôi, họ không thích "cái thằng người Nga này".

- Tôi có thể hiểu hoàn cảnh của một cầu thủ bị các đồng đội cô lập trên sân. Nhưng với một thủ môn thì điều đó như thế nào?

- Tôi không chỉ khó ưa trong mắt các cầu thủ mà cả nhiều HLV nữa. Họ không đưa tên tôi vào đội hình ra sân. Trong một năm rưỡi đầu tiên, tôi có may mắn làm việc với một HLV thủ môn người Thái Lan, ông ấy chẳng bận tâm tôi đến từ đâu hay nói thứ tiếng gì. Chúng tôi làm việc ăn ý với nhau.

Ông ấy đã nhìn thấy tôi có tài năng, có học hành bài bản ở môi trường mà các thủ môn Việt Nam không có được. Tôi cứ tập luyện cùng ông ấy mà không được ra sân, chúng tôi tập 3 lần/ngày.

- Như vậy là nhiều.

- Nhìn chung ở châu Á, các cầu thủ phải tập luyện rất nhiều. Họ thậm chí còn phải tập 4 lần trong ngày. Bạn phải thức dậy từ lúc 6h sáng để tập thể dục. Đến 8h tập cùng đội bóng. 15h tập tiếp cùng đội và 18h tập gym.

Người châu Á rất chăm chỉ, nhưng điều gì cũng cả mặt tốt lẫn xấu. Ngay cả khi bạn có tập đến 10 lần/ngày cũng không đồng nghĩa với việc sẽ trở thành một cầu thủ giỏi.

- Chung quy lại là họ đã sớm không thích sự có mặt của anh.

- Vâng. Sau khi HLV Thái Lan ra đi, có một HLV người Việt Nam đến. Họ có những quan niệm rất khác. Có thể lấy ví dụ rất dễ hiểu là ở Nga, ngay cả trong môi trường đào tạo bóng đá, bạn có thể bình tĩnh tìm đến HLV và giải thích tại sao bạn làm điều này điều kia nhìn từ góc độ của bạn. HLV sẽ hiểu rằng cậu học trò này dám đứng lên bày tỏ quan điểm của mình.

Nhưng ở châu Á lại khác. Thầy luôn đúng và bạn không được quyền tranh luận với HLV. Ông ấy lớn tuổi hơn, biết nhiều hơn bạn. Bạn cần cụp mắt xuống và gật đầu. Thực tế này xảy ra trong hầu hết mọi trường hợp. Trước đó tôi đã không nhận ra điều này nên có những tranh luận hay đặt câu hỏi dành cho HLV. Ở Việt Nam, hành động đó bị coi là kiêu ngạo.

Mọi vấn đề đã tích tụ lại để đến năm thứ 3, họ quyết định gửi tôi sang Lào với một bản hợp đồng cho mượn.

Những năm tháng "lăn lộn" trên đất Lào

- Tôi có thể tưởng tượng ra đất nước và nền bóng đá ở Việt Nam, nhưng bóng đá Lào thì như thế nào?

- Bạn không tưởng tượng nổi đâu. Tôi nói thật. Nhưng tôi không hề cảm thấy hối tiếc quãng thời gian ở đó. Một số người sẽ coi đó là sinh hoạt trong quân đội, có người coi chẳng khác nào đi tù. Tôi đã có những trải nghiệm như vậy ở Lào nhưng chúng rất có giá trị.

- Hãy kể một chút về những trận đấu ở Lào.

- Được thôi, rất nhiều chuyện đã diễn ra. Để so sánh cho bạn hiểu, nếu ở Việt Nam gọi là nóng bức, thì Lào chẳng khác gì địa ngục. Hồi còn ở Việt Nam, nếu đài phát thanh nhắc đến gió Lào có nghĩa là tốt nhất đừng nên ra đường ngày hôm đó. Và tôi thì sống ở trung tâm nước Lào.

Hàng ngày, chúng tôi đều di chuyển bằng xe buýt để ra sân tập luyện hoặc đi thi đấu. Xe buýt sẽ không bao giờ khởi động được ngay từ đầu cả. Toàn đội phải cùng nhau đẩy cho xe lăn bánh khoảng 10-20 m rồi tài xế mới có thể khởi động được động cơ.

Văn Lâm trải qua khoảng thời gian rất dài để khẳng định được giá trị ở Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

Trên xe buýt cũng không có điều hòa. Ở Lào, mặt trời mọc khá sớm từ lúc 8h, trong xe khi ấy đã nóng đến mức không thể ngồi xuống ghế. Bạn sẽ cần phải dội nước vào ghế mới có thể không bị bỏng người.

- Đó là CLB thuộc giải vô địch quốc gia ư?

- Phải, thuộc giải đấu cao nhất. Đó là mùa giải đầu tiên các đội bóng được sử dụng ngoại binh. Tôi là một trong số những cầu thủ ngoại quốc đầu tiên chơi ở giải vô địch quốc gia Lào.

Bạn không thể tưởng tượng nổi trên sân có những gì đâu. Lắm hôm ở trên sân, bạn sẽ thấy đâu đó cách vài mét ngay bên tay phải thủ môn là một bãi phân khổng lồ. Hóa ra sân cỏ ở Lào không chỉ để đá bóng mà còn dành cho các loài gia súc như bò, dê, ... đi dạo. Điều đó rất bình thường ở Lào, mọi người đến cắt cỏ và dọn phân.

Ở đội bóng tôi thi đấu không có HLV riêng cho thủ môn. Với tư cách là người giàu kinh nghiệm nhất, tôi đã tập luyện cho các thủ môn khác, một vài người trong số họ lần đầu tiên trong đời nhìn thấy quả bóng.

Một ngày nọ, tôi kiếm được chỗ có nền đất ẩm trên sân và quyết định cho họ tập luyện ở đó. Mọi người làm quen với các động tác, ngã ra sân, lăn lộn trên đống bùn, trông mặt ai cũng đen đúa.

Cuổi buổi tập, HLV trưởng xuất hiện và hỏi chúng tôi: "Các cầu tập cái quái gì ở đây vậy? Chỗ này để tắm cho lũ bò mà!". Hóa ra chỗ đất ẩm ướt là bởi nông dân thường xuyên cho bò tắm ở đây, còn chúng tôi thì lại lăn lộn trong đám bùn đất này (cười).

- Đến giờ này chắc anh chẳng còn ngạc nhiên nữa nhỉ?

- Vâng. Trong 2 tháng đầu sống trong những căn phòng không có điều hòa thật chẳng khác gì cuộc sống quân đội hà khắc. Nhưng tôi đã giành được tấm HCB ở giải vô địch quốc gia Lào. Chúng tôi chỉ kém ở đối thủ ở hiệu số bàn thắng bại. Tôi được vinh danh là thủ môn hay nhất giải. Đối với tôi, đó là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp.

- Sau đó anh có được trở về Việt Nam thi đấu không?

- Tôi quay lại Nga để nghỉ lễ và nghĩ rằng sẽ trở lại HAGL. Nhưng kịch bản ở Spartak đã lặp lại, họ không cần tôi nữa và quyết định phá vỡ hợp đồng.

- Ở Nga, khi phá vỡ hợp đồng, các cầu thủ sẽ rất vui sướng khi được bồi thường một khoản hậu hĩnh.

- Đúng vậy, nhưng bồi thường ở đây là gì? Họ chỉ nói: "Tạm biệt nhé", thế thôi. Còn lương thì chẳng đáng là bao. Tôi được nhận 500 USD/tháng, hài hước thật, cộng thêm một chút tiền thưởng.

Khoản tiền đó ít nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, tiền không phải là thứ tôi quan tâm nhất. Tôi bay từ Nga về Việt Nam là để được chơi bóng, được ra sân thi đấu. Thêm vào đó, tôi muốn được khoác áo đội tuyển quốc gia, nếu không phải là Nga thì sẽ là Việt Nam để cha tôi có thể được tự hào về tôi.

Tôi đã bay sang Việt Nam với suy nghĩ mọi thứ sẽ thật dễ dàng. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Sau 3 năm, tôi chẳng hoàn thành được một mục tiêu nào đã tự đặt ra cho mình từ đầu.

- Anh có phải quay lại Nga không?

- Tôi không muốn về. Điều đó chẳng khác nào dấu chấm hết cho sự nghiệp, trong khi tôi luôn nghĩ mình có thể chơi bóng. Tôi thậm chí đã bay sang Thái Lan để tìm kiếm cơ hội, nhưng chẳng có gì cả vì họ không quá cần ngoại binh.

Tôi trở lại Việt Nam và khi đó chú tôi tìm được một đội bóng đang chơi ở giải vô địch quốc gia. Tôi đã ký hợp đồng nhưng vẫn không được ra sân.

- Vẫn là vấn đề tâm lý?

- Cả tâm lý và tuổi tác nữa. Tôi bị coi là quá trẻ và không đáng tin cậy. Tôi không có may mắn trở thành thủ môn chính. Các HLV thủ môn đều thấy và hiểu rõ mọi chuyện nhưng đội bóng vẫn trao cơ hội cho những người khác. Cứ như thế 4 mùa bóng trôi qua, tất cả những gì tôi làm được là tập luyện.

- Thật khó mà tưởng tượng ở giải vô địch quốc gia ở Việt Nam, nhà vệ sinh kiêm luôn cả phòng thay đồ.

- Tôi cũng không hiểu nổi bằng cách nào mình đã sống trong điều kiện cơ sở vật chất như vậy một thời gian dài mà không được chơi bóng. Ở mùa giải đầu tiên, tôi được trả lương 200 USD và sống trong những căn phòng ở ghép dưới khán đài. Mọi thứ đều quá khiêm tốn so với tiêu chuẩn sống ở Việt Nam.

Nhưng trong suốt thời gian đó, tôi nhận ra rằng mình không chỉ biết chơi bóng, mà còn có thể chơi tốt hơn những thủ môn trong nước và cả thủ thành của đội tuyển quốc gia. Dường như may mắn hay niềm tin đã đi lạc ở đâu đó.

Kết cục, cha gọi điện cho tôi, ông gần như đã khóc và gọi tôi trở về Nga. Ông bảo rằng với mức lương như vậy thà tôi đi gác cổng còn được gần gia đình hơn.

(Còn tiếp).

Hành trình đáng nhớ của tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019 Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã tạo nên hành trình đầy cảm xúc tại Asian Cup 2019 khi đội tuyển Việt Nam tạo nên bất ngờ để lọt top 8 đội mạnh nhất châu Á.

Bích Hiền (theo Soviet Sport)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-trinh-chong-gai-cua-dang-van-lam-di-tim-cho-dung-o-viet-nam-post911862.html