Hành trình cho giống lúa mới

Viện Lúa ĐBSCL thành lập năm 1977, đến 1990 đã thực hiện khảo sát, đánh giá giống lúa địa phương, nhập nội giống từ Viện lúa Quốc tế (IRRI) tạo nguồn vật liệu ban đầu...

Bộ giống lúa mới OM của Viện Lúa ĐBSCL đang chiếm 65-70% diện tích canh tác lúa trong vùng. Chuyển đổi công tác nghiên cứu theo hướng nâng cao phẩm chất lúa gạo, Viện Lúa ĐBSCL nhắm tới mục tiêu cho ra đời bộ giống lúa mới chất lượng cao, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hạt gạo – từ ăn no đến ngon cơm

Viện Lúa ĐBSCL thành lập năm 1977, đến 1990 đã thực hiện khảo sát, đánh giá giống lúa địa phương, nhập nội giống từ Viện lúa Quốc tế (IRRI) tạo nguồn vật liệu ban đầu phục vụ quá trình nghiên cứu. Giai đoạn từ 1990 đến nay Viện chọn tạo thành công đưa vào sản xuất bộ giống lúa mới cao sản, ngắn ngày. Hàng chục giống lúa mới tên OM được công nhận vào bộ giống quốc gia.

Nông dân ĐBSCL tín nhiện, dõi theo các giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL (Ảnh: HĐ)

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Trong 5-10 năm tới, thách thức đối với ĐBSCL chính là biến đổi khí hậu (BĐKH). Dõi theo chu kỳ 5 năm lặp lại và ảnh hưởng nặng nhất là thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn, nhất là vùng ven biển. Thứ hai là sâu bệnh. Thời gian đầu tư nghiên cứu ra một giống mới có chu kỳ khai thác khoảng 5-10 năm và khó có giống lúa nào trụ lâu hơn quá 10 năm (ngoại trừ hạn hữu như giống OM5451 hiện còn phổ biến đã hơn 10 năm).

Điều này không phải lỗi do giống mà chính là áp lực sâu bệnh. Nhiều giống bị đào thải và chỉ có vài giống trụ lại được. Đó là hệ lụy áp lực thâm canh quá mức, 2-3 vụ trong năm và sự hiện diện các giai đoạn sinh trưởng cây lúa trên đồng gần như không ngớt. Mặt khác, quan sát thống kê những năm gần đây năng suất lúa gần như kịch trần, bình quân tới mức 5,6-5,8 tấn/ha. Muốn tăng năng suất vượt hơn nữa rất khó, như vậy còn lại là vấn đề làm sao khai thác được các giống lúa có khả năng sử dụng hiệu quả hơn vật tư đầu vào và chọn giống phù hợp nhu cầu cơ giới hóa. Để lúa không bị đổ ngã nhằm giảm thất thoát, hao hụt khi thu hoạch…

TS Thạch cho rằng: Chất lượng gạo là yếu tố quan trọng. Trước đây có thời gian khá dài cơ cấu gạo XK tập trung chọn tạo giống chất lượng cao và trung bình. Do việc định vị mục tiêu XK gạo vào thời điểm đó nên có thể nhận ra vì sao giống IR50404 duy trì trong thời gian dài. Thế nhưng những năm qua diễn biến thị trường lúa gạo đã có sự thay đổi. Tỷ trọng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm tăng nhanh, chiếm 60-70% trong cơ cấu SX lúa gạo XK. Cuộc cách mạng cây lúa trải qua thời kỳ đặt mục tiêu gia tăng năng suất đã hoàn thành sứ mệnh từ thiếu ăn đến no cơm.

Bên cạnh các cường quốc SX lúa gạo, một số nước thiếu gạo hiện đã tự chủ lương thực. Song, thị trường gạo thế giới chỉ xoay quanh mức tiêu thụ 45 triệu tấn. Một bước ngoặt mới – xuất phát từ nhu cầu thị trường cho thấy xu hướng tiêu dùng loại gạo ngon cơm, gạo sạch hữu cơ, hạt gạo giàu dinh dưỡng như viên thuốc quý… đang thôi thúc các nhà khoa học hướng đến việc nghiên cứu chọn tạo giống có giá trị gia tăng.

Tiềm lực và 10 năm tới

“Nếu muốn hướng đến nâng cao giá trị hạt gạo chúng ta phải tham gia vào phân khúc thị trường gạo ngon cao cấp và chấp nhận có thể cạnh tranh với một vài nước đang giữ thế độc quyền”, TS Thạch nói.

Viện lúa ĐBSCL Nghiên cứu chọn tạo giống lúa (Ảnh: L.H.V)

Nhìn lại vào thời Pháp thuộc, gạo Việt xưa kia có một số giống lúa truyền thống phẩm chất ngon cơm một thời xuất cảng nổi danh. Rồi do chiến tranh nước ta ngưng XK gạo. Nay gạo Việt tuy chưa có thương hiệu mạnh nhưng đã có một số giống lúa nâng cao giá trị gạo XK trên 600 USD/tấn như giống lúa ST của AHLĐ KS Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng bán ra hơn 800-900 USD/tấn…

Phân khúc thị trường loại gạo này tuy không lớn, số lượng bán ít nhưng giá rất cao. Điều này cho thấy sự khác biệt và cần có sự phối hợp giữa công tác nghiên cứu khoa học và sự nhạy bén trong kinh doanh của các DN qua tiếp cận thị trường. Viện Lúa đã tiến hành phục tráng một số giống như Tài Nguyên - Thạnh Trị ở Sóc Trăng, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận. Kết quả chất lượng gạo, giá bán nâng lên 20.000 đ/kg. Tương tự nhằm khai thác trong SX viện phối hợp với tỉnh Cà Mau phục tráng các giống lúa trên nền lúa - tôm như: Một Bụi Lùn, Một Bụi Đỏ…

TS Thạch cho biết: Trong 10 năm tới Viện tập trung nghiên cứu giống lúa gắn với thị trường, nâng cao chất lượng gạo phù hợp với thị trường tiêu thụ, đồng thời chọn tạo bộ giống thích ứng trong điều kiện BĐKH; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Bên cạnh việc cải tiến, nâng cấp những giống lúa cũ phổ biến, khả năng thích nghi rộng, như OM4900, OM5451…, Viện sẽ chọn tạo giống mới có sự phối hợp với VFA, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Từ đó trong tương lai không xa sẽ cho ra đời bộ giống lúa mới đáp ứng theo từng phân khúc gạo trên thị trường.

Hiện Viện Lúa ĐBSCL đã làm chủ được phương pháp chọn tạo truyền thống, lai giống và chọn lọc giống. Với ưu thế về thành tựu và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, tiềm năng về nhân lực, Viện đang cần được đầu tư thêm một phòng thí nghiệm mới và trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hiện đại giúp chọn lọc gen tốt, đạt hiệu quả cao hơn trong nghiên cứu, thanh lọc; đáp ứng yêu cầu chọn tạo giống và đánh giá nguồn gen bản địa. Hy vọng trong tương lai Viện sẽ nghiên cứu chọn tạo cho ra đời bộ giống lúa ngon, giá trị cao, thích nghi 2 vụ và phổ rộng như mục tiêu đề ra.

+ Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo được trên 180 giống lúa và phát triển trên 180 giống lúa các loại. Trong đó, 82 giống được công nhận giống quốc gia và số còn lại là giống được công nhận tạm thời với nhiều giống có triển vọng. Theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương, hiện nay trong 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước, Viện Lúa ĐBSCL đóng góp 5 giống. Ở ĐBSCL trong 10 giống được trồng phổ biến và có diện tích gieo trồng cao nhất hiện có 8 giống do Viện chọn tạo, chiếm trên 70% diện tích.

+ Các tiến bộ kỹ thuật trong SX lúa của Viện Lúa góp phần cho năng suất lúa nước ta đứng đầu khu vực ASEAN - năng suất bình quân trên 5,7 tấn/ha, cao nhất khu vực, gấp trên 1,5 lần so với Thái Lan. Theo cách tính của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), khoa học công nghệ đóng góp khoảng 30 - 40% vào sự gia tăng sản lượng lúa thì việc gia tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên trên 25 triệu tấn hiện nay có sự đóng góp quan trọng của Viện Lúa ĐBSCL cho an ninh lương thực Quốc gia và XK của cả nước.

HỮU ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hanh-trinh-cho-giong-lua-moi-post225340.html