Hành trình chiến thắng Covid-19 khi đang mắc kẹt ở Everest

Đối với Joshi, khoảng thời gian anh mắc Covid-19 và đối phó với siêu bão dưới chân núi Everest còn nhọc nhằn hơn hành trình chạm tới 'nóc nhà thế giới'.

Ngày 8/5, Harshvardhan Joshi (26 tuổi, Ấn Độ) bận rộn tại điểm cắm trại dưới chân Everest để chuẩn bị hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, theo VICE.

Suốt gần một tháng qua, anh đã chờ đợi ở đó trong khi một nhóm hướng dẫn viên người Sherpa trinh sát tuyến đường và cố định dây leo núi từ nơi tập kết đến đỉnh núi.

 Mùa leo núi năm nay có khoảng 1.500 người tham gia cùng các nhân viên hỗ trợ.

Mùa leo núi năm nay có khoảng 1.500 người tham gia cùng các nhân viên hỗ trợ.

Cùng với hơn 400 người khác có mặt tại chân núi Everest, chàng trai trẻ hy vọng có thể biến ước mơ cả đời của mình thành hiện thực.

Thời điểm đó, một người bạn leo núi đã cẩn thận đem theo một số kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 do đại dịch đang hoành hành ở Nepal và Ấn Độ. Joshi cũng tham gia thực hiện xét nghiệm.

Thế nhưng, một tin tức chẳng lành đã cắt ngang sự hào hứng của Joshi: anh có kết quả dương tính với Covid-19. Không tin vào tai mình, chàng trai liền tự xét nghiệm lại nhưng nó vẫn hiển thị kết quả tương tự.

“Cảnh tượng thực sự khá ồn ào. Cả đội vẫn phải tiếp tục hành trình mà không có tôi dù biết chuyến đi có ý nghĩa thế nào đối với tôi”, anh kể lại.

Mùa leo núi Covid-19

Mùa leo núi năm nay diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt nhất. Bất chấp lo ngại về làn sóng dịch thứ hai, Nepal quyết định mở cửa trở lại đỉnh Everest và các ngọn núi khác sau một năm đóng cửa.

Cuối tháng 3/2021, Joshi đến thủ đô Kathmandu (Nepal) và lên đường tới điểm tập kết dưới chân núi. Khoảng giữa tháng 4, tiếng xì xào đầu tiên về Covid-19 trong khu cắm trại bắt đầu xuất hiện. Trong khi đó, giới chức Nepal tiếp tục phủ nhận rằng virus SARS-CoV-2 đã có mặt tại đỉnh núi cao nhất thế giới.

Harshvardhan Joshi bắt đầu đam mê leo núi từ 10 năm trước.

“Những quy tắc cách ly được đặt ra nhưng không có ai giám sát. Một số người bay tới điểm tập kết chỉ sau vài ngày cách ly”, Joshi cho biết.

Do không có cơ sở vật chất phục vụ việc xét nghiệm, chẳng ai có thể phân biệt được giữa bệnh Covid-19 với “cơn ho khan Khumbu” dai dẳng - một triệu chứng mà hầu hết người leo núi gặp phải ở độ cao này. Chỉ những cuộc leo núi lớn mới được trang bị bác sĩ và dụng cụ xét nghiệm.

“Chúng tôi cũng chỉ được xét nghiệm sau khi một đồng đội nhờ vợ anh ấy đem bộ kit xét nghiệm nhanh từ Ấn Độ”.

Tại ngôi làng Dibuche gần điểm cắm trại, một đồng đội của Joshi có kết quả dương tính với Covid-19 và quyết định bay trở về nhà. Không lâu sau, 5 người khác cũng dính virus và Joshi là người thứ 6.

Ưu tiên của Joshi là tự cách ly bản thân trong lều một mình suốt 10 ngày. Do không có triệu chứng, anh quyết định ở lại thay vì sơ tán bằng trực thăng cùng với những bệnh nhân khác. Chàng trai trẻ vẫn nuôi hy vọng rằng mình có thể tiếp tục hành trình sau khi thời gian cách ly kết thúc.

“Tôi đã hỏi ý kiến của các bác sĩ ở quê nhà. Họ gửi cho tôi phác đồ điều trị. Sau đó, tôi nhờ người tổ chức chuyến đi này ở Kathmandu mua và gửi thuốc qua trực thăng”.

Trong thời gian cách ly, Joshi dành nhiều giờ đồng hồ để tập thở và tụng kinh.

“Tôi dành phần lớn thời gian trong lều. Các bữa ăn sẽ được gửi từ nhà bếp tới lều của tôi. Thực sự cô đơn khi phải dùng bữa một mình giữa tiết trời lạnh giá”, anh nhớ lại.

Thuốc điều trị cho Joshi được chuyển từ thủ đô của Nepal thông qua trực thăng.

Giữa tháng 5, giấc mơ của Joshi tiếp tục bị đe dọa bởi cơn bão Tauktae - cơn bão đã khiến hơn 100 người Ấn Độ thiệt mạng và thổi bay ít nhất 30 lều ở khu cắm trại.

Trước tình hình này, giới chức Nepal đã kéo dài thời gian để du khách có thể chờ đợi thời tiết tốt hơn, chinh phục “nóc nhà thế giới” một lần nữa, mặc dù mùa leo núi thường kết thúc vào tháng 5.

'Bẻ lái' chuyến đi bất ngờ

Đến bữa tối ngày 19/5, mọi thứ cuối cùng cũng khả quan hơn với Joshi. Dự báo thời tiết trong những ngày tới sẽ tốt hơn và lần xét nghiệm mới nhất của anh ấy cho kết quả âm tính.

Kế hoạch ban đầu của Joshi là leo Everest trước rồi sang Lhotse, “hàng xóm” của Everest và là ngọn núi cao thứ 4 thế giới.

Anup Rai (trái) và Furte Sherpa đồng hành cùng Joshi leo Everest.

Tuy nhiên, anh quyết định thử Lhotse trước bởi nó sẽ vắng vẻ hơn trong những ngày trời đẹp sắp tới. Hơn nữa, anh cũng lo lắng về tình trạng phổi của mình sau trận bệnh.

Nửa đêm, Joshi lên đường cùng với 2 hướng dẫn viên leo núi là Furte Sherpa và Anup Rai - những người mà anh đánh giá “còn non kinh nghiệm nhưng khỏe mạnh”. Những hướng dẫn viên khác dày dặn kinh nghiệm hơn đã rời ngọn núi vì Covid-19.

“Do đó, tôi nhờ hẳn 2 người đi cùng mình để tối đa độ an toàn, lỡ chẳng may có chuyện gì xảy ra”, anh nói.

Núi Everest và Lhotse có chung một đoạn đường leo chính. Do đó, trên đường, nhóm Joshi gặp một đội leo núi Everest.

Với thông tin dự báo thời tiết sẽ trở xấu hơn do ảnh hưởng của một cơn bão khác, Joshi nhận ra khoảng thời gian ngắn ngủi trước mắt là cơ hội tốt nhất để một lần ghé qua Everest. Vì vậy, anh lại thay đổi quyết định và quay lại với kế hoạch ban đầu.

“Gió sẽ ngày càng mạnh hơn và cơ hội leo trong thời tiết tốt ngày càng hạn hẹp. Thế nhưng, tôi vẫn quyết định đi”, anh kể lại.

Sau 2 ngày, bất chấp mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Joshi đã chạm đỉnh Everest.

Joshi không cảm thấy quá hào hứng khi leo lên "nóc nhà thế giới".

Đứng từ “nóc nhà thế giới”, anh có thể thấy sông băng ở phía bắc Tây Tạng đang sáng rực dưới ánh nắng ban mai, núi Lhotse và cả dãy Himalaya hùng vĩ.

“Có ít nhất 20 người trên đỉnh núi trước nhóm chúng tôi. Tôi chỉ ngồi đấy và đắm mình trong khung cảnh tuyệt đẹp xung quanh. Sau đó, tôi cúi đầu cảm ơn 2 hướng dẫn viên của mình - những người đã đưa tôi lên tới đây một cách an toàn”.

Mặt khác, Joshi không cảm thấy hào hứng như anh từng nghĩ. Do cơn bão tiếp theo sắp ập tới, anh không có nhiều thời gian nán lại đỉnh Everest.

“Cảm giác như những vấn đề tôi phải đối mặt trước khi tới đỉnh Everest còn khó khăn hơn nhiều so với công đoạn leo lên đỉnh núi”, anh chia sẻ.

Ánh Dương

Ảnh: Harshvardhan Joshi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-chien-thang-covid-19-khi-dang-mac-ket-o-everest-post1227339.html