Hành trình chạm tới ước mơ

9 lần tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà, đi bộ ròng rã 3 ngày để ra huyện họp, có cả mấy chục năm ăn cơm trong ánh đóm tù mù… nên ông Lỳ Xừ Xá, ở bản Tạ Phu, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cảm nhận sâu sắc sự đổi thay của quê hương khi có điện, đường, trường, trạm. Ông nói: 'Không có Đảng, không có Nhà nước quan tâm, đồng bào làm sao có được cuộc sống như ngày hôm nay…'.

Từ khi có điện, sinh hoạt của 98 hộ dân ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: Phương Tú

Tinh thần hiếu học của người Hà Nhì

Nếu như Mường Tè là huyện xa nhất của tỉnh Lai Châu, thì Ka Lăng lại là xã xa nhất, nhì của huyện Mường Tè. Từ trung tâm huyện Mường Tè, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi xe khách mới vào đến xã Ka Lăng, bởi gần 70km đường đèo dốc dẫn vào xã đầu nguồn sông Đà này có vô số đoạn vừa xấu, vừa bụi...

Nhắc đến chuyện đường đi, ông Lỳ Xừ Xá, người dân tộc Hà Nhì, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng, xuýt xoa: “Tốt hơn nhiều rồi. Trước kia, chúng tôi ra huyện họp toàn đi bộ, mất 2-3 ngày. Năm 2004 mới thông đường vào Ka Lăng, ô tô vào được nhưng chỉ là lúc mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5), mùa mưa lại đi bộ. Từ năm 2015, mỗi ngày đã có 2 chuyến xe từ trung tâm huyện vào Ka Lăng và từ Ka Lăng ra huyện. Cán bộ đi họp, con cháu đi học đỡ hơn nhiều rồi”. Nhân thể, ông Xá thông báo: “Không chỉ có đường vào xã, đến nay, trong số 11 bản của Ka Lăng, đã có nhiều bản có đường ô tô vào đến tận nơi. Bản Tạ Phu của chúng tôi là bản cao nhất của Ka Lăng, năm 2017 cũng đã có đường ô tô vào tận bản”.

Là người sinh ra tại Ka Lăng, lại có tới 34 năm làm cán bộ xã nên ông Lỳ Xừ Xá giống như kho sách, đọc mãi không hết. “Thế hệ ông tôi, bố tôi, có ai biết “kế hoạch hóa” gia đình là gì. Phụ nữ đến ngày trở dạ thì gọi người quen biết đến nhà đỡ đẻ. Nhà tôi đây, tự tôi đỡ cho bà ấy đẻ, 10 đứa còn 9. Cây anh túc thì trồng ngay trong vườn nhà, nhiều nhà đèn để hút thuốc phiện còn sẵn hơn đèn dầu...”.

Thấy tôi cứ mắt tròn mắt dẹt nghe chuyện, ông Xá cười: “Thế hệ chúng tôi vậy thôi, nay khác nhiều rồi. 5 đứa con của tôi đã lập gia đình, đứa nào cũng sinh có 2 con, mà đều ra bệnh viện hoặc trạm y tế xã để sinh. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế của Ka Lăng nay cũng đã đạt tới 97%. Người nghiện còn ít thôi, ai nghiện cũng biết xấu hổ với bà con hàng xóm rồi”.

Đang vui chuyện thì cô con gái út của ông Xá đi dạy học về. Nhìn cô gái tên Pa lông mày săm đen nhánh, lông mi cong vút, trang phục hiện đại mà nếu không nói, tôi sẽ không biết cô là con gái Hà Nhì, sinh ra và lớn lên tại Ka Lăng. “Người Hà Nhì hiếu học, cha mẹ lại rất chịu khó cho con tới trường. Trẻ cứ đến tuổi đi học là đến trường thôi, thầy cô không phải thuyết phục nhiều... nên làm giáo viên ở đây vui lắm” – Pa cười hạnh phúc khi nói về công việc của mình. Chia sẻ của Pa khiến tôi nhớ tới hình ảnh những tấm giấy khen của học sinh không bao giờ thiếu và luôn được treo ở vị trí trang trọng trong mỗi nếp nhà của người Hà Nhì.

Đến nay, mặc dù là xã vùng cao xa xôi, khó khăn, nhưng Ka Lăng có hơn 70 em học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Ka Lăng đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao tỷ lệ cán bộ là người Hà Nhì ở địa bàn huyện Mường Tè.

Khi ánh sáng về bản

Cùng với hệ thống trường lớp, đường sá được cải thiện thì một trong những thứ mà người dân ở Ka Lăng ai cũng nhắc đến khi nói về sự đổi thay, đó là điện lưới quốc gia. “Năm 2016, điện lưới quốc gia được kéo về trung tâm xã Ka Lăng rồi tỏa đi 11 bản. Bà con vui lắm” - Ông Pờ Go Tư, Bí thư Chi bộ bản Mé Gióng phấn khởi chia sẻ.

Không vui sao được khi mà bao nhiêu năm, người dân nghèo ở Ka Lăng chỉ biết có ánh sáng leo lét của cây đóm, của đèn dầu. Nhà có điều kiện thì có thêm tí “điện suối” chập chờn. “Trước kia, đi làm nương, bà con đều phải cố gắng về sớm, ăn cơm lúc 5-6 giờ chiều để tranh thủ chút ánh sáng cuối ngày. Nay thì đã khác, có điện, ngày dài hơn, làm được nhiều việc hơn mà không vất vả. Trẻ con có ánh sáng học bài” – Ông Pờ Go Tư cười khà khà, chỉ cho tôi xem mấy cái máy xay, máy xát, máy nghiền mà gia đình ông mua ngay sau khi có điện.

Ông Lỳ Xừ Xá mua tủ lạnh về sử dụng sau khi có điện lưới quốc gia. Ảnh: Phương Tú

Nói về đồng bào Hà Nhì, Thiếu tá Nông Văn Hơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng cho hay, Ka Lăng có tới hơn 90% dân số là người Hà Nhì. Đồng bào Hà Nhì đa phần đều đoàn kết, tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có tinh thần bảo vệ rừng rất tốt. 30km đường bộ với 4 mốc quốc giới (18, 34, 35, 36) do Đồn Biên phòng Ka Lăng quản lý đều gần địa bàn có người Hà Nhì sinh sống. Các anh cũng luôn nhận được sự phối hợp tích cực của bà con trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc.

Những kiến thức, kinh nghiệm mà cán bộ, chiến sĩ Biên phòng truyền đạt được bà con vận dụng khá hiệu quả vào đời sống và phát triển kinh tế. Đặc biệt, sau khi có điện, có internet, thông tin đến với bà con nhanh hơn, nhiều hơn, BĐBP lại là những người định hướng để người dân phân biệt được những thông tin tốt - xấu, có ý thức trong việc giữ gìn trật tự thôn, bản.

Nhiều năm về trước, trong bộn bề thiếu thốn, cách trở, bao thế hệ người dân ở Ka Lăng từng mơ về những ngôi trường, những con đường rộng mở và ánh sáng điện lung linh... Ngày nay, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ước mơ đó đã trở thành sự thật.

Để đời sống thực sự phát triển, chính quyền và người dân nơi đây còn phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần hiếu học, chăm chỉ lao động của bà con thì hành trình chạm tới ước mơ no ấm, sung túc sẽ không còn xa...

Phương Tú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hanh-trinh-cham-toi-uoc-mo/