Hành trình 'bí ẩn' của tàu rác chở khách Australia trên vịnh Hạ Long

Nhóm du khách Australia và Quảng Ninh đều cho rằng con tàu kém chất lượng HP4686 đón khách từ Cát Bà và ngủ đêm ở vịnh Hạ Long, nhưng Hải Phòng bác bỏ thông tin này.

Ngày 22/5, Sở Du lịch, Công an TP Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải, Cảng vụ thủy nội địa Hải Phòng, Đồn biên phòng Cát Bà và Ban quản lý vịnh Cát Bà đã triệu tập chủ tàu HP4686, thuyền trưởng cùng những người liên quan để làm rõ phản ánh của nhóm du khách Australia.

Chiều muộn cùng ngày, ông Nguyễn Bá Thủy, Phó phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải đã trao đổi với báo chí về kết quả buổi làm việc trên.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: Tùng Chi.

Theo đó, thuyền trưởng và chủ tàu HP4686 cho biết 13h30 ngày 2/5 họ đã nhận 7 du khách Australia, trong đó có bà Lynne Ryan, từ tàu cao tốc của công ty Hoàng Phương (Quảng Ninh). Vị trí nhận khách tại khu vực giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, và khách lên tàu từ hướng Tuần Châu, Hạ Long.

Ông Nguyễn Thành Chung, phụ trách kinh doanh tàu HP4686 cho biết sau khi đón đoàn khách Australia, tàu chạy và ngủ lại một đêm tại Rặng Dừa, trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. 9h sáng 3/5, tàu trả đoàn khách lại cho công ty Hoàng Phương để về Hạ Long trên tàu cao tốc.

Ông Thủy dẫn lời Cảng vụ khu vực 3 Hải Phòng khẳng định, cơ quan này không cấp lệnh rời bến cho tàu HP4686. Đại diện đồn biên phòng Cát Bà cũng thông tin tàu HP 4686 không hoạt động hay chở khách tại khu vực bến Gia Luận, huyện Cát Hải (Hải Phòng).

Hôm 2/5, khi bà Ryan đăng ảnh, vị trí được Facebook định vị là "Gia Luan, Hai Phong".

Đáng chú ý, thông tin phía Hải Phòng cung cấp chủ yếu tập trung vào việc tàu HP4684 không nghỉ đêm ở Cát Bà như UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, mà không hề đề cập tới bức xúc của nhóm du khách Australia khi họ bị lừa đi lên chiếc tàu chất lượng không như quảng cáo.

Hơn nữa, xâu chuỗi lại vụ việc thì có thể thấy thông tin Hải Phòng cung cấp đang mâu thuẫn với những điều du khách Lynne Ryan và UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra trước đó.

Cụ thể, trao đổi với Zing.vn bà Ryan cho biết người phụ nữ bán tour ở văn phòng du lịch Spring Travel Agency (Ngõ Huyện, Hà Nội) giới thiệu đó là chuyến du lịch biển hạng sang trên một con tàu tuyệt đẹp, khởi hành hôm 2/5 tại đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Sáng 2/5, bà và các bạn được đưa thẳng từ Hà Nội xuống đảo Cát Bà rồi lên tàu Hoàng Phương HP4686 - con tàu có vòi nước trong phòng tắm bị rò rỉ; nhà vệ sinh không cửa và bị tắc; phòng ở còn có chuột và gián... chứ không hề được đi tàu cao tốc ra tàu HP4686.

Tương tự, sau khi điều tra, hôm 22/5 UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho hay, nhóm khách Australia được đưa qua phà sang Gia Luận (Cát Hải, Hải Phòng) và lên tàu Hoàng Phương HP4686. Từ tháng 8/2017, tàu này bị UBND TP Hạ Long cấm hoạt động trên vịnh Hạ Long và hôm 2/5, bà Lynne Ryan cũng không có trong đăng ký du khách ngủ đêm trên vịnh.

Trước thông tin mâu thuẫn nêu trên, câu hỏi được đặt ra là tàu HP4686 xuất bến từ Hải Phòng hay Quảng Ninh? Điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc quản lý an toàn trên vịnh Hạ Long. Ngoài ra, dư luận cũng đang quan tâm đến việc đơn vị nào sẽ đứng ra xin lỗi nhóm du khách Australia? Tàu HP4686 quảng cáo một đằng, cung cấp dịch vụ một nẻo sẽ bị xử lý ra sao?

Thùy Linh - Nhật Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-trinh-bi-an-cua-tau-rac-cho-khach-australia-tren-vinh-ha-long-post844919.html