Hành trình 58 tiếng về quê ăn Tết của học sinh Trung Quốc

48 tiếng trên tàu, 10 tiếng đi xe, một nam sinh Trung Quốc đã vượt quãng đường dài hơn 3.100 km để về quê ăn Tết với gia đình.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, hàng trăm triệu người Trung Quốc đang trở về quê hương để đoàn viên cùng gia đình. Sun Jian Jun, 14 tuổi, là một trong số đó.

Sinh ra tại một làng quê nghèo ở huyện Khang Nhạc (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), hiện tại, Sun học tại một trường cấp 2 ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô nhờ chương trình giáo dục xóa đói giảm nghèo.

Hàng năm, hàng nghìn học sinh được ghi danh vào chương trình được tài trợ bởi chính phủ này. Khi các trường học nghỉ hè hoặc nghỉ đông, giới chức giáo dục, nhà trường và cảnh sát sẽ sắp xếp để học sinh trở về.

Theo Tân Hoa Xã, để có thể đoàn tụ với gia đình, nam sinh phải vượt quãng đường hơn 2.000 km, luân chuyển đủ loại phương tiện (từ tàu cao tốc đến ôtô) với tổng thời gian dự kiến 36 tiếng.

 Hàng triệu người Trung Quốc đang đổ về quê để đón Tết cùng gia đình. Ảnh: Tân Hoa Xã.Vạn dặm về nhà

Hàng triệu người Trung Quốc đang đổ về quê để đón Tết cùng gia đình. Ảnh: Tân Hoa Xã.Vạn dặm về nhà

Cùng cảnh vạn dặm về nhà như Sun, Sonam Wenjam, nam sinh 17 tuổi, cũng vất vả vượt qua quãng đường dài hơn 3.100 km từ thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đến thành phố Ngọc Thụ, Tây Tạng.

Trong chặng đầu của hành trình, Sonam sẽ ngồi 48 tiếng trên tàu để đến thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Từ đây, cậu tiếp tục bắt xe đi tiếp khoảng 800 km nữa để về nhà. Tổng hành trình của Sonam kéo dài 58 tiếng.

Theo China Daily, Sonam đã rời quê hương 3 năm. "Người em nhớ nhất là mẹ. Em vẫn nhớ hình ảnh của bố mẹ khi họ nhìn em rời đi cách đây 3 năm. Khi ấy, em thấy tim mình nặng trĩu bởi trường cách nhà xa quá. Hiện tại, em trở về và không còn cảm thấy buồn. Cảm xúc đó đó giúp em trưởng thành", nam sinh chia sẻ.

Kumjo Doje, Phó giám đốc cảnh sát giao thông tại thành phố Ngọc Thụ, cho biết tính riêng hôm 1/2, 156 sinh viên đã trở về quê hương bằng xe bus.

Năm nay, 2.195 sinh viên đến từ thành phố Ngọc Thụ đang học ở các tỉnh khác dự kiến về nhà trong năm mới. Tuy nhiên, ông Kumjo cho hay con số này chỉ bằng 1/2 tổng học sinh của thành phố thuộc chương trình giáo dục được nhà nước tài trợ.

"Không phải tất cả học sinh đều có thể trải qua hành trình kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ, vượt qua quãng đường đông nghị để về nhà", người đàn ông này thông tin.

Sở cảnh sát thành phố Ngọc Thụ đã phải giám sát những chuyến xe chở học sinh để đảm bảo an toàn.

“Các tài xế đều là người có kinh nghiệm và nắm rõ điều kiện đường xá. 1/3 quãng đường từ Tây Ninh đến Ngọc Thụ nằm trên vùng đất băng giá. Xe cảnh sát ở đằng trước dẫn đường cho xe bus chạy nhanh”, ông nói.

Kumjo tiết lộ ông và đồng nghiệp đã thực hiện nhiệm vụ này suốt 8 năm. Năm nay, họ tham gia hộ tống 15 nhóm học sinh.

'Tôi hy vọng xây dựng quê hương giàu đẹp'

Giống nhiều học sinh khác, Sonam nhận hỗ trợ của nhà nước trong suốt thời gian đi học ở thành phố Thẩm Dương. Tuy nhiên, mỗi tháng, cha mẹ cũng gửi cho cậu khoảng 1.000 nhân dân tệ (tương đương 158 USD).

"Cha tôi chăn gia súc. Khi còn học tiểu học, tôi từng đi đào đông trùng hạ thảo để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, sau khi lên cấp 2, cha khuyên tôi tập trung học hành để có thể vào những ngôi trường tốt hơn ở những vùng phát triển", nam sinh chia sẻ.

Thực tế, nhờ lời răn dạy của cha, Sonam đã được tiếp cận với nhiều cơ hội mới. Ở Thẩm Dương, mỗi ngày của nam sinh bắt đầu từ 5h30 sáng. Việc học hành của cậu kéo dài đến 23h. Mỗi tuần, cậu tham gia vào 13 lớp học về văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng.

“Giáo viên ngôn ngữ Tây Tạng của chúng tôi cũng đến từ Ngọc Thụ. Thầy mặc áo Kangba truyền thống trong lớp học và điều này khiến tôi nhớ nhà", nam sinh thông tin.

Theo Sonam, học tập ở thành phố là dịp để cậu mở rộng tầm mắt. Các cuốn sách liên tục cập nhật tri thức mới.

"Tuy nhiên, điều tồi tệ ở thành phố này chính là khói bụi và muỗi, thứ khó có thể nhìn thấy ở quê nhà”, Soam Palde, một học sinh đến từ tỉnh Golog, Tây Tạng nói.

Nhân chuyến về nhà lần này, Sonam mua vài chiếc áo mới để tặng các thành viên trong gia đình. Riêng bố, cậu quyết định tặng một cây bút.

“Bố tôi là nông dân song ông viết chữ Tây Tạng rất đẹp. Tôi sẽ tặng chiếc bút này cho cha làm món quà năm mới”, nam sinh 17 tuổi nói.

Sau kỳ nghỉ Tết, học sinh sẽ bắt đầu một hành trình mới, từ nhà đến trường.

“Tôi rất may mắn. So với nhiều học sinh trở về nhà, tôi được nhận nền giáo dục tốt hơn và có nhiều cơ hội học tập hơn. Trong tương lai, tôi hy vọng mình có thể xây dựng quê hương giàu đẹp hơn bằng chính sức mình”, Sonam nhấn mạnh.

Theo Kim Ngân/Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/hanh-trinh-58-tieng-ve-que-an-tet-cua-hoc-sinh-trung-quoc-1010189.html