Hành trình 30 năm tìm người cha liệt sĩ của một cán bộ Công an Thủ đô

Ký ức về người cha là liệt sĩ chỉ qua lời kể của mẹ và người thân trong gia đình, nhưng trong tâm trí Thượng tá Trần Xuân Kiệu, Phó trưởng Phòng Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, CATP Hà Nội, hình ảnh của cha mình luôn in đậm và là điểm tựa tinh thần để anh phấn đấu noi gương, viết tiếp truyền thống cách mạng. Sau hành trình 30 năm, gia đình anh đã đưa được hài cốt Liệt sĩ Trần Xuân Lĩnh hy sinh tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Chân dung Liệt sĩ Trần Xuân Lĩnh, cha của Thượng tá Trần Xuân Kiệu

Tuổi thơ vắng bóng cha

Hồi tưởng về người cha liệt sĩ, gương mặt Thượng tá Trần Xuân Kiệu như trầm tư lại, đôi mắt nhìn xa xăm vào khoảng không vô định, anh nghẹn ngào kể: “Theo tiếng gọi của non sông, năm 1965, cha tôi là Trần Xuân Lĩnh đã lên đường tòng quân chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đó, tôi mới 5-6 tuổi. Cái tuổi này, trẻ con hồi ấy dại lắm, không tinh ranh như tụi trẻ bây giờ nên ký ức về cha đối với tôi là rất ít ỏi”.

Lớn lên anh nghe mẹ kể lại, sau ít tháng nhập ngũ, một lần cha anh được về phép thăm gia đình. Thấy cha trang nghiêm trong bộ quân phục, anh sợ đứng nép vào sau lưng mẹ. Chỉ khi mẹ dỗ dành giải thích, anh mới chịu cho cha bế và công kênh đi thăm người thân khắp làng trên, xóm dưới. Và như một điềm báo trước, sau bận ấy, cha anh đi mãi không về để lại người vợ trẻ cùng các con thơ.

Năm 1967, gia đình anh nhận được giấy báo tử gửi về cho hay, cha anh đã hy sinh tại huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đón tin dữ này, trời đất như sụp đổ dưới chân người thân trong gia đình, mẹ anh đã nén đau thương, tần tảo nuôi dạy các con ăn học nên người và cũng là thực hiện lời hứa trước khi cha anh lên đường đã dặn dò.

Lúc ấy, dường như có sự linh cảm về mối quan hệ huyết thống đến kỳ lạ, tay chân anh cứ run lên bần bật, tim đập nhanh hơn. Bật khóc vì xúc động, anh vội thắp cho cha nén hương và thì thầm trò chuyện cùng ông để tan đi nỗi nhớ thương khắc khoải.

Tuổi thơ vắng bóng cha, khiến anh thiệt thòi so với chúng bạn, nhưng cũng đã giúp anh thêm nghị lực trong cuộc sống. Ngoài việc đỡ đần mẹ chăm em, anh luôn nỗ lực, quyết tâm học tập để noi gương cha. Năm 1977, anh thi đỗ vào trường Đại học An ninh nhân dân. Ra trường, anh được điều động tăng cường vào miền Nam công tác tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Tổng cục An ninh, ít năm sau về công tác Công an TP Hà Nội.

Với năng lực công tác lại được trải qua thử thách nhiều năm ở cơ sở, năm 2010, anh được CATP Hà Nội bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Hồ sơ nghiệp vụ an ninh cho tới nay. Tiếp bước truyền thống gia đình, hai người con trai của anh cũng vinh dự đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND và đang công tác tại Phòng An ninh chính trị nội bộ và CAQ Cầu Giấy. Có một cuộc sống gia đình viên mãn nhưng trong anh luôn khắc khoải nhớ về người cha liệt sĩ, từ đó thôi thúc suy nghĩ phải tìm bằng được mộ phần cha, để đưa về quê hương và cũng là theo tâm nguyện của gia đình anh.

Thượng tá Trần Xuân Kiệu đọc lại các tư liệu về người cha liệt sĩ của mình

Kết thúc hành trình đầy gian nan

Quyết tâm đi tìm mộ phần cha ngày càng lớn dần và cuối cùng anh đã quyết định họp gia đình bàn về vấn đề này năm 1990. Cả nhà ai cũng đồng tình nhưng không ít người e ngại vì thông tin về ông lại rất ít ỏi. Tuy nhiên, lần tìm các mối liên hệ và giấy tờ cũ, có một thông tin rất có giá trị đối với gia đình, một đồng đội cũ khi xưa cùng chiến đấu đã chôn cất cha anh và vẽ lại bản đồ mộ phần đó. Có được tấm bản đồ này, anh và người thân đã nhanh chóng lên đường tới huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam.

Theo mô tả của tấm bản đồ, mộ phần của liệt sĩ được chôn chân núi Chúa, cạnh cây gạo rất to. Sau một ngày băng rừng lội suối, anh và gia đình bắt đầu lo lắng bởi địa hình, cảnh vật hiện đã thay đổi nhiều, không phát hiện được ra dấu tích xưa như tấm bản đồ chỉ dẫn. Vận dụng các mối quan hệ công tác, gia đình anh đồng thời thông qua Ban chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ việc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ, song tất cả đều không có kết quả.

Trở về nhà sau hàng tháng trời lăn lộn nơi núi rừng Quảng Nam, mọi người trong gia đình đã nản lòng, nhưng anh Trần Xuân Kiệu vẫn có niềm tin và quyết tâm không từ bỏ ý định đi tìm cha. Anh cẩn thận rà soát từng khâu của chuyến đi tìm cha, từ việc tiếp cận địa phương, đến nội dung bản đồ mà người đồng đội của cha đã vẽ, để xem xét lại liệu còn thiếu sót, hay thông tin nào chưa khai thác.

Cuối cùng anh cũng xác định hướng tiếp cận khác. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng phải 10 năm sau anh và gia đình mới thực hiện được, vì khi ấy hoàn cảnh kinh tế không cho phép, hơn nữa đường sá đi lại vô cùng khó khăn.

Vẫn như lần trước, để tới điểm xác định trong bản đồ, trước là huyện Hiên, nay là xã 3, huyện Giang Đông, tỉnh Quảng Nam, sau khi đi nhờ ô tô vào tới trung tâm huyện, anh và gia đình phải “tăng bo” bằng xe máy Minsk một ngày đường. Dân cư ở đây chủ yếu là người K’Ho nên việc giao tiếp anh đều phải nhờ cậy vào chính quyền sở tại và mấy bạn đồng ngũ. May mắn lần này, anh đã gặp được vị già làng và thu thập được những thông tin rất quý giá.

Già làng cho biết, ngày xưa có một đơn vị pháo binh của ta đóng quân ở đây và cây gạo mà anh đặc biệt quan tâm vì nó gắn với điểm chôn cất bố anh, nó được chặt đi từ khá lâu rồi nhưng ông vẫn nhớ chính xác điểm có cây gạo đó.

Từ đây, không mấy khó khăn để xác định được phần mộ của cha anh. Lúc ấy, dường như có sự linh cảm về mối quan hệ huyết thống đến kỳ lạ, tay chân anh cứ run lên bần bật, tim đập nhanh hơn. Bật khóc vì xúc động, anh vội thắp cho cha nén hương và thì thầm trò chuyện cùng ông để tan đi nỗi nhớ thương khắc khoải.

Những tưởng sau khi tìm được phần mộ của người cha liệt sĩ, thì việc di chuyển quy tập sẽ suôn sẻ, nhưng lại vướng phải những trở ngại từ chính người dân đang quản lý khu đất này. Nơi cha anh đang yên nghỉ hiện là rừng cao su bạt ngàn của một số hộ dân. Họ kiên quyết phản đối không cho bốc mộ với cái lý của người đồng bào: “Cha anh sau khi chết đã là con ma rừng ở đây rồi, nên không được phép mang đi, kẻo bị quở trách trừng phạt và nếu mang đi phải đền bù 50.000 đồng/cây cao su bị đốn hạ”.

Công tác trong lực lượng an ninh rồi có thời gian tăng cường vào các tỉnh miền Nam, anh Trần Xuân Kiệu rất hiểu tập quán của đồng bào, phải làm sao để họ cảm thông, quý mến mới thuyết phục được. Và lúc này dùng ảnh hưởng của chính quyền tác động càng không tốt, nếu làm căng thì việc càng khó. Vì thế, không sốt sắng vội vàng, hàng ngày anh dành thời gian gần gũi họ, rồi trò chuyện, lúc thì gói chè, bao thuốc, lúc thì can rượu cùng nhau chạm ly dần dà thành quen.

Khi đã “ưng cái bụng” nhau, anh đặt vấn đề cũ trở lại, xin được bốc mộ cha vì bản thân người mất cũng muốn về quê hương bản quán và cũng là để thỏa ước nguyện của gia đình bao năm mong mỏi. Đánh đúng tâm lý, họ bằng lòng ngay và cũng không lấy một đồng nào tiền đền bù cây cao su bị đốn chặt. Trước khi về, mấy người đồng bào còn thết đãi một bữa rượu thịt chim rừng rất vui vẻ với những lời chúc lên đường may mắn.

Vậy là sau hơn 40 năm hy sinh, năm 2010 mộ phần Liệt sĩ Trần Xuân Lĩnh đã được gia đình di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà ở tỉnh Thái Bình, kết thúc một hành trình tìm cha của Thượng tá Công an Thủ đô Nguyễn Xuân Kiệu.

Đón liệt sĩ trở về, người thân không khỏi xúc động nghẹn ngào nhưng việc tìm được mộ phần liệt sĩ như gia đình Thượng tá Trần Xuân Kiệu đã là một may mắn, bởi có tới hàng triệu người con của đất nước đã ra đi mãi mãi không về, đến nay còn không ít các anh, các chị chưa được biết tên, biết họ, vẫn nằm trong lòng đất mẹ. Tuy nhiên, những cống hiến, hy sinh đó luôn được nhắc nhớ cho tới hôm nay, họ là hiện sinh của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng và là lời tựa cho cuộc sống để Tổ quốc mãi trường tồn.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/hanh-trinh-tim-nguoi-cha-liet-si-cua-mot-can-bo-cong-an-thu-do/734622.antd