Hành trình 2.000 ngày sản xuất 'Võ sinh đại chiến'

'Võ sinh đại chiến' là bộ phim võ thuật học đường sắp ra rạp tại Việt Nam. Trước đó, nhà sản xuất Bá Cường đã mất 2.000 ngày để sản xuất và hoàn thiện phim.

Khi nhìn vào teaser poster, khán giả có thể nhận ra hình ảnh 2 nam nhân vật chính được đặt cạnh nhau với sự đối lập đầy chủ ý. Một bên cởi trần, đeo găng, quay lưng, khuôn mặt lạnh lùng đầy chất bad boy; một bên mặc võ phục, thắt đai, chụp chính diện với đường nét đậm chất Việt Nam. Nhà sản xuất đang muốn minh họa cho trận chiến hứa hẹn nảy lửa giữa bộ môn MMA (võ hiện đại, thực chiến) với võ cổ truyền dân tộc.

Từ những cuộc đối đầu trước mắt

Ngoài đời, nữ chính Katleen Phan Võ là con gái của Chưởng môn Vịnh Xuân Nam Anh và “nữ hoàng ảnh lịch” Thanh Xuân. Sở hữu vẻ mạnh mẽ của cha, nét đẹp rực rỡ của mẹ, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, Katleen Phan Võ là một trong những nữ diễn viên thế hệ mới của điện ảnh Việt Nam.

 Poster Võ sinh đại chiến.

Poster Võ sinh đại chiến.

Nam chính thứ nhất - Gi A Nguyễn - là hot boy mang 3 dòng máu Việt Nam, Italy và Iraq, từng góp mặt trong Em chưa 18. Trong Võ sinh đại chiến, anh vào vai Hoàng lạnh lùng của câu lạc bộ võ MMA.

Nam chính thứ 2 là Khoa, do Tiến Hoàng thủ vai. Anh được phân vai đối đầu với Gi A Nguyễn trong cuộc chiến giành trái tim của Katleen Phan Võ cũng như trên đấu trường võ thuật.

Võ sinh đại chiến hứa hẹn tạo hấp dẫn bởi cuộc đối đầu giữa MMA với võ cổ truyền dân tộc, giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa khuôn phép mô phạm trong môi trường học đường với sự tự do, tươi mới của tình cảm học trò. Bên cạnh đó, phim còn có sự hợp tác giữa dàn diễn viên trẻ tiềm năng của Việt Nam và ê-kíp làm phim chuyên nghiệp Hollywood.

Đến cuộc chiến phía sau màn ảnh

Nhà sản xuất Bá Cường từng tiết lộ dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều kế hoạch của đoàn phim bị đảo lộn. Với toàn bộ ê-kíp, đó là cuộc chiến phía sau màn ảnh.

"Giai đoạn đó thực sự kinh khủng. Phim vừa quay được 5 ngày là dịch bắt đầu bùng lên, rồi đến giai đoạn giãn cách xã hội. Có thời kỳ cả team ‘banh’ hết. Ê-kíp nước ngoài về nước tránh dịch, anh em ở đây cũng tụt mood. Hết giãn cách thì nhân sự trong đoàn hết hợp đồng, ê-kíp có sự thay đổi liên tục, cứ người mới vào là tôi phải làm việc lại từ đầu”, Bá Cường chia sẻ.

Với Võ sinh đại chiến, nhà sản xuất Bá Cường (giữa) phải linh hoạt xử lý nhiều tình huống phát sinh.

Nếu chỉ hướng tới mục tiêu kinh tế, việc remake những bộ phim doanh thu cao của nước ngoài hay các thể loại phim ăn khách đã được kiểm chứng tại thị trường điện ảnh trong nước sẽ là lựa chọn an toàn. Nhưng khó khăn của Bá Cường là "trót nặng lòng với mong muốn quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam".

Hơn 5 năm sản xuất, nhiều lần nản chí nhưng Bá Cường chưa bao giờ có ý nghĩ buông xuôi. Đến một ngày, anh nhận thấy việc đối đầu giữa MMA và võ dân tộc Trung Quốc, Thái Lan... đang trở thành trào lưu thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận thế giới. Anh coi đây là gợi ý lời giải cho bài toán quảng bá võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Nếu tiền tố võ thuật đòi hỏi nhà sản xuất nói riêng và cả ê-kíp nói chung phải thực sự tìm tòi, hậu tố học đường lại đẩy nhà sản xuất vào cuộc chơi mạo hiểm. Dù đề tài học đường không khó, nhà sản xuất lại tự đẩy mình vào thế nan giải khi đặt ra tiêu chí "tươi mới, hợp thời" cho Võ sinh đại chiến.

Bá Cường và phim Hạnh phúc của mẹ từng được vinh danh tại Lễ trao giải “Cánh diều 2019”.

Tại lễ trao giải “Cánh diều 2019”, Hạnh phúc của mẹ - tác phẩm đầu tay của Bá Cường từng được vinh danh khi khai thác chủ đề trẻ tự kỷ dù không đại thắng doanh thu phòng vé. Trong lần trở lại này, với chủ đề "không ai chọn" là võ thuật học đường, giới chuyên môn nhận định Bá Cường sẽ tiếp tục dấn thân để tìm tòi những điều mới mẻ trong nghệ thuật.

Hạnh Trà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-2000-ngay-san-xuat-vo-sinh-dai-chien-post1168007.html