Hành trình 10 năm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn

Từ ngày 18/9, công chúng sẽ được thưởng thức triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020. Đây là triển lãm nghệ thuật điêu khắc quy mô lớn nhất trong 10 năm qua, quy tụ hơn 60 tác phẩm đương đại đặc sắc của 32 tác giả từ hai đầu đất nước.

Tác phẩm “Chuyện quê” của nhà điêu khắc Kù Kao.

Tác phẩm “Chuyện quê” của nhà điêu khắc Kù Kao.

Thầy giáo đoạt 3 giải điêu khắc

Đây là triển lãm lần thứ 6, đánh dấu cột mốc chặng đường 10 năm hoạt động của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn. Triển lãm năm nay quy tụ số lượng tác giả và tác phẩm đông đảo nhất kể từ trước đến nay, với sự góp mặt của 32 nhà điêu khắc nổi tiếng cùng 63 tác phẩm trưng bày.

Phần lớn các tác phẩm được sáng tác hoàn toàn mới trong năm 2020, mang dáng dấp và hơi thở của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đương đại. Đáng chú ý, với sự tham gia hùng hậu của lớp nghệ sĩ trẻ ra đời những năm 1980 – 1990, triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020 hứa hẹn đem đến làn gió và những góc nhìn mới dành cho người yêu nghệ thuật.

Theo ban tổ chức triển lãm, điểm nhấn của triển lãm năm nay không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở sự phong phú trong khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng như kim loại, gỗ, đá, gốm, composite, sợi thủy tinh….

Các tác phẩm chứa đựng những suy tư và chiêm nghiệm của nghệ sĩ về đời sống. Từ những vấn đề phổ quát như tự do, thời gian, chuyển động, thiên nhiên… cho tới những câu chuyện cụ thể của người đương thời, ký ức tuổi thơ, sự cô đơn cùng những khao khát. Qua đó phản ánh phần nào những diễn biến đa dạng, nhiều chiều của điêu khắc Việt Nam đương đại.

Nhân triển lãm ghi dấu ấn 10 năm, nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền - đại diện nhóm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn, bật mí: Hoạt động trong không gian lớn được thiết kế tinh tế, bay bổng cùng hệ thống ánh sáng chuyên nghiệp.

Giới phê bình nghệ thuật đánh giá triển lãm sẽ giúp các nhà điêu khắc được thỏa mãn hơn trong sáng tạo, từ đó đưa ra một ngôn ngữ và kích thước phù hợp nhất cho các tác phẩm được trưng bày.

Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020 có sự tham gia của 32 tác giả với những tên tuổi rất quen và rất lạ. Người yêu nghệ thuật điêu khắc hẳn biết Kù Kao Khải, nghệ sĩ điêu khắc xuất thân từ một thầy giáo ở Ninh Bình. Anh nổi tiếng với những tác phẩm kể về cá, biển đảo và chủ quyền quốc gia.

Ngoài trọng trách đào tạo con em vùng biển, Khải còn sáng tác nghệ thuật về vùng quê mà mình đang sống. Sự âm thầm lẫn những hì hụi trong nghệ thuật đã đưa về cho anh 3 giải vinh quang nhất.

Tác phẩm đem lại vinh quang ấy cho thầy giáo làng Kù Kao Khải chính là “Chuyện quê”. Tác phẩm như sự đánh giá của họa sĩ Lê Quốc Bảo là “quê nhưng không cộc”. Khải đã lột tả đúng thần thái và sự lam lũ của ngư dân – những người bám biển và làm chủ đại dương rộng lớn.

Tác phẩm điêu khắc “Chuyện quê” kể về một đôi vợ chồng đi làm kinh tế mới tại bãi bồi biển Kim Sơn. Dù lắm cực nhọc nắng gió, biển cũng cho họ những tôm cá lẫn niềm vui. Tác phẩm được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trao giải Nhì (không có giải Nhất).

Cùng với đó, “Chuyện quê” cũng được giải chính thức của Hội Mỹ thuật Việt Nam và một giải A triển lãm khu vực sông Hồng.

Gửi thông điệp – trao kiến thức

Với thế mạnh sáng tác trên chất liệu kim loại, được tạo hình với kỹ thuật gò và hàn điện, nhà điêu khắc Trần Văn An quê Nam Định – người nổi tiếng với triển lãm “Tiếng vọng” vào năm 2019 sẽ tiếp nối dòng chảy truyền thống của người Việt trong chế tác đồ kim khí.

Trần Văn An đã hàn lên bề mặt những mảnh kim loại với những vết hàn mạnh mẽ tựa như những khối chấm tròn hình đinh tán trang trí trên những tấm áo giáp sắt, mũ giáp của quân đội Đại Việt xưa nhưng mang tinh thần của nghệ thuật tạo hình hiện đại.

Điêu khắc gia Nguyễn Hoài Huyền Vũ cũng là một thầy giáo. Anh muốn trực tiếp làm nghề, sáng tạo nghệ thuật và trên hết là mang kiến thức tích lũy của mình trao lại cho các thế hệ học trò. Có một lý do nữa để anh chọn bộ môn điêu khắc vì đây là môn nghệ thuật mang tính chất xã hội cao.

Quá trình sáng tác là sự kết hợp ăn ý giữa người thầy và người thợ, nhằm cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Anh chia sẻ: “Để sự kết hợp đạt được kết quả tốt nhất thì điêu khắc gia ngoài chuyên môn vững vàng, họ còn phải hiểu được ngôn ngữ biểu cảm của các chất liệu làm nên tác phẩm như: Đồng, đá, gỗ”.

Thái Nhật Minh lại là một hình ảnh khác. Anh trung thành với đề tài con giáp. Đầu năm 2020, anh tung ra bộ sưu tập “Chuột Tết” được làm từ bột giấy, que đồng và acrylic. “Những con chim” – triển lãm từ năm 2013 của Minh đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật. Mỗi con chim được tác giả khai thác ngôn ngữ điêu khắc ở những khía cạnh khác nhau. Mỗi cá thể chim là một khối của tâm trạng, thiên về sự lắng đọng.

Điêu khắc Hà Nội trong một thập kỷ qua luôn có mặt Hoàng Mai Thiệp. Tác phẩm của anh hiếm khi bị các giám tuyển bỏ qua. Cá là chủ đề mà Thiệp say sưa dù anh không phải kiểu nghệ sĩ chủ đích xây dựng “bộ nhận diện thương hiệu” sáng tạo bằng việc chôn chân ở một mảng đề tài.

Thiệp phân bua không phải anh ngại thay đổi, ngại khám phá. Anh muốn nói đến hai chữ “cảm xúc”. Bởi vậy rất khó để tìm trong tác phẩm của Thiệp một thông điệp cụ thể.

Nhà điêu khắc cho rằng “Cá cũng có thân phận” bởi đến hạt bụi còn có thân phận dưới mỗi gót giày. Nhưng nhìn các tác phẩm của Hoàng Mai Thiệp, có cá lớn, cá bé, có cá độc hành, cá bầy đàn, có cá hung tợn, có cá hiền lành… thì mới hiểu nốt cái ý mà điêu khắc gia không nói ra bằng lời.

Nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông nhận định: “Sự phát triển trong hoạt động của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong. Họ là những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng trên hết, điểm nhấn sau một thập kỷ hoạt động chính là định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hanh-trinh-10-nam-dieu-khac-ha-noi-sai-gon-74BbQOOMg.html