Hành trình 10 năm bóng đá Việt Nam: Vô địch là... tất yếu!

10 năm chờ đợi, chiếc cúp vô địch AFF Suzuki Cup cũng đã trở về với người hâm mộ Việt Nam. Điều đọng lại, không chỉ là cúp vàng, mà còn là cách mà đội tuyển Việt Nam bước lên ngôi vương của bóng đá Đông Nam Á.

“Có bột mới gột nên hồ”

Có lẽ chưa khi nào, bước vào trận chung kết quyết định ngôi vô địch, người hâm mộ lại mang tâm thế với niềm tin vào một chiến thắng cho Việt Nam cao như ở giải đấu lần này. Và thực tế đã chứng minh niềm tin ấy của người hâm mộ là hoàn toàn có cơ sở. Trên sân, dù chỉ cần một trận hòa cũng đủ để Việt Nam bước lên bục cao nhất của giải đấu, tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam đã làm được nhiều điều hơn thế với một chiến thắng khiến người Mã cũng phải ngã mũ thuyết phục.

10 năm chờ đợi, chiếc cúp vô địch AFF Suzuki Cup cũng đã trở về với người hâm mộ Việt Nam

Bóng đá Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới trên bản đồ bóng đá Châu Á hay chưa? Câu hỏi ấy có lẽ còn phải chờ vào nhiều giải đấu cấp độ ĐTQG ở châu lục, mà trước mắt là Asian Cup 2019 sẽ diễn ra vào tháng 1/2019, nơi mà Việt Nam sẽ phải chạm trán với những đội bóng sừng sỏ nhất của châu Á.

Tuy nhiên, nhìn cái cách mà ĐTVN lên ngôi vương ở AFF Suzuki Cup 2018, ít ra, người hâm mộ không còn phải dõi theo trận đấu một cách nơm nớp, thót tim cầu vào những điều may mắn, bởi những đôi chân của cầu thủ đã không còn run sợ trước đối thủ. Một trận đấu mà đội nhà đã thể hiện được tâm thế của một đội bóng “cửa trên”, có thể tự mình quyết định được thắng lợi trước đối thủ chứ không còn trông chờ vào thần may rủi.

Tại AFF Cup 2018, Việt Nam mang tới một đội hình gần như trẻ nhất trong các đội bóng tại giải đấu với độ tuổi trung bình chỉ 23,69 tuổi (đội có tuổi trung bình trẻ thứ 3 sau Lào và Đông Timor). Nhưng phong thái chơi bóng của dàn cầu thủ trẻ lại đĩnh đạc không khác gì những cầu thủ lão luyện. Hàng công khôn ngoan, “thêu hoa dệt gấm”, trong khi hàng thủ thi đấu chắc chắn, vô cùng vững vàng trước những cầu thủ cao to và giàu thể lực của Malaysia. Nhìn cái cách mà những Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh, Quang Hải... thi đấu, không khỏi ngỡ ngàng khi tuổi đời của họ mới chỉ mười chín đôi mươi.

“Có bột mới gột nên hồ”! Lần thứ 2 bước lên đỉnh vinh quang của bóng đá khu vực, dấu ấn mà HLV Park Hang Seo mang lại là vô cùng lớn. Song, phải thừa nhận nếu không có trong tay những tài năng trẻ, “ngài Park nhiệm màu” thật khó điều binh khiển tướng.

Người tài nơi nào cũng có...!

Những thành công dồn dập đến với bóng đá Việt Nam trong năm 2018, đã chứng minh Việt Nam hoàn toàn có những cầu thủ đủ tài năng, tố chất để vươn ra thi thố sòng phẳng với những đội bóng lớn ở châu lục. Người tài bóng đá nơi nào cũng có trên mảnh đất hình chữ S, nhưng phát hiện, trui rèn, mang họ tới môi trường nào để biến những viên sỏi thuở ban sơ thành những viên ngọc quý là câu chuyện đã được minh chứng rõ nhất đối với “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam hiện tại.

Giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc năm 2007, với chức vô địch thuộc về đội Nhi đồng Hải Dương. Giải đấu ấy đã chứng kiến những tài năng nhí xuất sắc mới chỉ 9-10 tuổi như Duy Mạnh, Quang Hải, Văn Toàn, Văn Thanh... Hải Dương, cái nôi của bóng đá nhi đồng, nhưng trước đây, hết giải nhi đồng, cầu thủ bước sang tuổi 11 thì không có một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đúng nghĩa.

Thật may, ngay sau giải đấu ấy, những Văn Thanh, Văn Toàn, Văn Sơn đã lọt vào mắt xanh của HLV Guillaume Graechen của lò đào tạo HAGL, để rồi 3 cầu thủ Hải Dương sau đó có cơ hội hội quân tại lò đào tạo phố núi cùng với lứa thế hệ cầu thủ tài năng sau này như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng... Những Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng... sau đó đều đã về với lò đào tạo trẻ của CLB Hà Nội. Đoàn Văn Hậu, chàng cầu thủ từng thổ lộ ý định “nếu không làm cầu thủ thì sẽ đi làm lơ xe khách” cách đây 10 năm còn là một cậu bé ở đội tuyển U10 huyện Hưng Hà (Thái Bình).

Đoàn Văn Hậu (hàng dưới, thứ tư từ phải sang) khi còn ở đội bóng U10 huyện Hưng Hà (Thái Bình)

Nếu không có những nhà tuyển trạch đến từ lò đào tạo Hà Nội “nẫng” về đào tạo từ khi còn 10 tuổi, chàng hậu vệ trẻ chủ lực của ĐTVN bây giờ có thể đang là một chàng lơ xe lắm chứ!? Với ngày càng nhiều những trung tâm, lò đào tạo bóng đá trẻ trên khắp cả nước, có thể nói, chiến lược “xây nhà từ móng” cho nền bóng đá đã tới ngày thu quả ngọt. Những cầu thủ trẻ, nòng cốt ở ĐTVN hiện nay, đa số đều đã phải rời xa gia đình, sống độc lập trong môi trường đào tạo bóng đá chuyên nghiệp từ khi còn tấm bé.

Thành công của bóng đá Việt Nam hôm nay, là kết quả của miệt mài của cả quá trình dài hàng chục năm qua, từ công cuộc đi nhặt những viên ngọc thô cho nền bóng đá Việt Nam, tạo môi trường bóng đá và mạnh dạn trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ. HLV Park Hang Seo, với tài năng của mình, đã có công lớn trong việc sử dụng khôn khéo, khoa học những học trò của mình để đưa bóng đá Việt Nam gặt hái những thành công vang dội. Nhưng để có được những học trò xuất sắc ấy, những người làm bóng đá trẻ vẫn đang ngày đêm miệt mài thầm lặng.

Thế hệ tài năng của bóng đá Việt Nam

Trong đó, vài ba năm trở lại đây, phải công bằng nhìn nhận có công lao không nhỏ của HLV Hoàng Anh Tuấn, người đã gắn bó với lứa cầu thủ tài năng hiện tại kinh qua những giải đấu lớn, từ thành công của U19 Châu Á năm 2016. Dưới bàn tay của HLV Hoàng Anh Tuấn, những Văn Hậu, Đức Chinh, Quang Hải, Tiến Dũng, Tiến Linh... đã lần đầu tiên lọt vào 4 đội bóng mạnh nhất Châu Á ở lứa U19, qua đó có cơ hội lần đầu tiên đưa một đội bóng nam 11 người vào sân chơi World Cup tại U20 World Cup 2017. Những cọ xát ở môi trường bóng đá đỉnh cao chính là thử thách đã trui rèn cho lứa cầu thủ trẻ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự điềm tĩnh đến kinh ngạc trước những giải đấu lớn sau đó như U23 Châu Á 2018, Asiad 2018 và AFF Suzukicup 2018.

Quang Hải ở giải Nhi đồng Toàn quốc 2007

Những ai theo dõi sâu về lứa cầu thủ này, có thể thấy rõ sự chắc chắn của hàng phòng ngự ở ĐTVN hiện tại, có gì đó vẫn mang “âm hưởng” từ thành quả mà HLV Hoàng Anh Tuấn đã để lại. Nếu như trước đây, cầu thủ Việt Nam thi đấu tới phút 60 - 70 trở đi thì gần như “đi bộ” thì thể lực rất bền bỉ của lứa cầu thủ hiện tại, cũng có phần thành quả mà HLV Hoàng Anh Tuấn mang lại. Dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn, thể lực là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng chú trọng gây dựng đội hình với những cầu thủ có thể hình to cao. Dàn hậu vệ ở giải U19 châu Á 2016, U20 World Cup 2017 với những Văn Hậu (1.85m); Huỳnh Tấn Sinh (1.84m); Trọng Đại (1.84m); Hồ Tấn Tài (1.80); Dương Văn Hào (1.80m), cùng những cầu thủ sức vóc như Đức Huy, Đức Chinh, Tiến Linh, Tiến Dũng.... chính là sản phẩm mà HLV Hoàng Anh Tuấn đã ưu tiên lựa chọn, để rồi họ chính là trụ cột của U23 Việt Nam, ĐTVN ngày hôm nay. Nhờ đó ở AFF Suzukicup 2018, ngoài trừ những cầu thủ có chất “quái” như Quang Hải, Hồng Duy hay Công Phượng có thể hình hạn chế, ĐTVN xếp thứ 3 tại giải đấu về chiều cao với trung bình 1.76m (sau Thái Lan và Singapore).

Để trở thành một nền bóng đá, một thế lực bóng đá mạnh, không chỉ có sự thành công ở một lứa cầu thủ nào, độ tuổi nào, mà phải mạnh từ các giải trẻ lên tới ĐTQG. Thế hệ của Quang Hải, của Văn Hậu rồi cũng sẽ đi qua thời kỳ đỉnh cao trong khoảng 5-7 năm nữa. Chỉ 2-3 năm nữa thôi, ĐTVN sẽ cần những “Quang Hải mới”, “Văn Hậu” mới để xây dựng một đội hình giàu cả về kinh nghiệm và sức trẻ. Nếu không chuẩn bị, không tiếp tục đầu tư cho bóng đá trẻ ngay từ hôm nay, thật khó để chúng ta trở thành một thế lực thực sự bền vững ở Đông Nam Á, chứ chưa nói tới tầm châu Á.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hanh-trinh-10-nam-bong-da-viet-nam-vo-dich-la-tat-yeu-post233047.html