Hành tinh khỏe thì nhân loại khỏe, nhưng Trái Đất ngày càng suy yếu

'Hành tinh khỏe thì nhân loại khỏe. Nhưng hành tinh chúng ta ngày càng ô nhiễm và suy yếu đi… sức khỏe của nhân loại và hành tinh gắn liền với nhau', TS Gupta của ĐH Amsterdam nói.

Báo cáo tổng thể về môi trường toàn cầu (GEO 6) vừa được công bố tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường UNEP ở Nairobi, Kenya, cảnh báo nếu chúng ta không hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường thì hàng triệu người có thể sẽ chết sớm bởi các nguyên nhân có liên quan.

Châu Á ảnh hưởng nặng

Các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của môi trường xuống cấp có châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Quan chức Liên Hợp Quốc và các tác giả của báo cáo tổng thể về môi trường toàn cầu (GEO 6) tại buổi họp báo công bố chiều 13/3 ở Nairobi. Ảnh: Thanh Tuấn.

Quan chức Liên Hợp Quốc và các tác giả của báo cáo tổng thể về môi trường toàn cầu (GEO 6) tại buổi họp báo công bố chiều 13/3 ở Nairobi. Ảnh: Thanh Tuấn.

“Báo cáo tập trung vào 3 hệ thống chính: thực phẩm, năng lượng và chất thải”, bà Joyce Msuya, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc. “Về lương thực, chúng ta cần tử tế hơn với môi trường. Giảm lãng phí thực phẩm, có thể giảm lượng khí nhà kính thải ra và có thể giảm tới 2/3 ảnh hưởng của nông nghiệp tới môi trường”.

Báo cáo dày 700 trang được thực hiện 7 năm có sự đóng góp 250 nhà khoa học và chuyên gia từ 70 quốc gia và được coi là đánh giá toàn diện nhất về tình trạng môi trường toàn cầu.

Báo cáo GEO 6 cũng nhấn mạnh rằng ô nhiễm hệ thống nước sẽ khiến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc trở thành nguyên nhân gây tử vong chính vào năm 2050 và rối loạn nội tiết sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản cũng như khả năng phát triển thần kinh của trẻ.

Hành tinh khỏe thì nhân loại khỏe

Đánh giá môi trường toàn cầu lần 6 được công bố khi bộ trưởng tài nguyên toàn cầu đang ở Nairobi để tham dự diễn đàn toàn cầu lớn nhất thế giới của LHQ - UNEP 4. UNEP lần này nhắm giải quyết các vấn đề nghiêm trọng như lãng phí thực phẩm, thúc đẩy chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giải quyết cuộc khủng hoảng về ô nhiễm nhựa ở các đại dương và một loạt các thách thức cấp bách khác.

“Các nghiên cứu khoa học là rất rõ. Sức khỏe và sự thịnh vượng của nhân loại gắn liền trực tiếp với môi trường của chúng ta”, bà Msuya. “Báo cáo này chính là tình hình của nhân loại. Chúng ta đang ở giai đoạn mang tính quyết định. Chúng ta có muốn tiếp tục con đường hiện tại, mà sẽ dẫn tới tương lai bi thảm cho nhân loại, hay chúng ta chuyển hướng đi theo con đường phát triển bền vững hơn? Đó là lựa chọn mà các lãnh đạo cần phải đưa ra, ngay lúc này”.

Giáo sư Paul Ekins, một đồng tác giả báo cáo, giải thích sẽ có nhiều việc làm "xanh" được tạo ra nếu các nước tiến hành các thay đổi để giảm tác động tới môi trường. Ông thừa nhận đây là những thay đổi rất lớn liên quan tới cấu trúc của nền kinh tế. Ảnh: Thanh Tuấn.

Tiến sĩ Joyeeta Gupta của ĐH Amsterdam, đồng tác giả của báo cáo, giải thích rõ tác động của môi trường tới nhân loại: “Hành tinh khỏe thì nhân loại khỏe. Nhưng hành tinh chúng ta ngày càng ô nhiễm và suy yếu đi, nguyên nhân của nó có nhiều… sức khỏe của nhân loại và hành tinh gắn liền với nhau”.

Bà Gupta chỉ ra hiện con người đang sử dụng khoảng 100.000 hóa chất khác nhau nhưng hầu hết chưa được phân tích tác động của hóa chất này đối với con người và môi trường.

Viễn cảnh hành tinh khỏe hơn được đưa ra trên cơ sở thay đổi tư duy “phát triển trước, dọn dẹp sau” hiện nay để chuyển sang nền kinh tế với chất thải xấp xỉ bằng 0 vào năm 2050.

Theo báo cáo, chỉ cần đầu tư xanh của các nước đạt 2% GDP mỗi năm cũng có thể giúp đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại trong khi giảm đi rất nhiều ảnh hưởng đối với biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và hệ sinh thái bị biến mất.

Với tốc độ như hiện tại, thế giới sẽ không thể nào đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDG của Liên Hợp Quốc vào năm 2030, thậm chí là 2050 cũng không thể đạt được.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước hành động khẩn cấp vì bất cứ sự chậm trễ nào cũng sẽ làm tăng chi phí của việc đạt các mục tiêu do thỏa thuận Paris đưa ra, làm đảo ngược các tiến bộ chúng ta đạt được.

Tính toán của các nhà khoa học cho thấy với chế độ ăn ít thịt đi, giảm lãng phí thực phẩm cả ở các nước phát triển và đang phát triển sẽ giúp chúng ta giảm không cần phải tăng tới 50% sản lượng lương thực để nuôi 9-10 tỷ người dự kiến vào năm 2050.

Ở giai đoạn hiện tại, ước tính khoảng 33% lương thực sản xuất ra bị lãng phí hoặc bỏ thừa. Tỷ lệ này ở các nước phát triển thậm chí lên tới 56%.

Trong khi đô thị hóa đang diễn ra với mức độ chưa từng có tiền lệ, báo cáo nói tiến trình này có thể là cơ hội giúp cải thiện đời sống của người dân đồng thời giảm những gánh nặng mà họ tạo ra với môi trường.

Đô thị hóa cũng là nhân tố tác động lớn đến môi trường. Ảnh: AFP.

Báo cáo kêu gọi hành động để giảm lượng 8 triệu tấn nhựa trút xuống biển mỗi năm. Dù đây là vấn đề được chú ý trong mấy năm gần đây, hiện vẫn chưa có một thỏa thuận toàn cầu nào giải quyết vấn đề này.

Các nhà khoa học làm báo cáo cũng kêu gọi các biện pháp giải quyết tổng thể các vấn đề - năng lượng, thực phẩm và rác thải - thay vì giải quyết từng vấn đề riêng lẻ sẽ hiệu quả hơn.

Ví dụ nếu giữ được khí hậu ổn định và không khí trong lành, không ô nhiễm, lợi ích cho sức khỏe con người có thể lên tới 54.000 tỷ USD, lớn gấp đôi mức chi phí ước tính khoảng 22.000 tỷ USD để đạt các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

“Thông điệp của báo cáo rằng đây là những việc không dễ nhưng chúng ta phải thay đổi thế giới. Đây là tương lai chúng ta phải chiến đấu để có được”, bà Msuya nhấn mạnh.

Thanh Tuấn
(Từ Nairobi)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-tinh-khoe-thi-nhan-loai-khoe-nhung-trai-dat-ngay-cang-suy-yeu-post925161.html