Hành thiện tích đức, phúc chưa đến nhưng họa đã rời xa

Người xưa có câu: 'Có đức mặc sức mà ăn', học được cách tích đức, tức là ta đã học được cách cải biến số phận của mình, mang lại phước lộc dồi dào. Vậy làm thế nào để tích đức ngay cả khi không có điều kiện vật chất?

Gốc của vạn vật là ở Đức

Chữ “đức” (德) là chữ Hán (thiên bàng) hợp thành từ các bộ “xích” (彳 ) , “thập”; “mục” (目); “nhất” (一); “tâm” (心 ) tổ hợp thành. Trong cuốn “Thuyết văn giải tự” giải thích: “Đức, thăng dã. Tùng xích thanh”, tạm dịch là: “Đức, cảnh giới nhờ việc làm tốt mà thăng hoa”. Hình chữ chọn dùng “彳” làm biên bàng, “㥁 ” làm thanh bàng.

Chỉ cần tích đức, hành thiện, trời cao sẽ an bài những điều tốt đẹp nhất.

Chỉ cần tích đức, hành thiện, trời cao sẽ an bài những điều tốt đẹp nhất.

Vì vậy, “đức” có thể lý giải là đạo đức của con người, “tâm tính” (心性) của con người thăng hoa lên trên. Bởi “đức” có ý nghĩa vươn lên tầng thứ cao, cũng là chỉ tinh tấn trong tu luyện của người tu luyện. “Xích” , ý là đi thong thả.

Theo “Thuyết văn giải tự”, “Xích” (彳) giống như 3 khớp xương đùi, bắp chân, bàn chân của chân dưới của con người liên kết lại với nhau, ý là đi từng bước nhỏ. Nhưng bước đi thong thả trong chữ “đức” (德 ) này, không phải là chạy, không phải nhảy, không phải đang tản bộ trên đất bằng, cũng không phải đang dậm chân tại chỗ, mà là từng bước một có in dấu chân đi lên trên, hướng lên trên.

Đối với một người bình thường mà nói, sự ít nhiều của “đức” quyết định năng lực lớn nhỏ, mức độ của hạnh phúc, hướng đi và tầng thứ của luân hồi. Vậy nên, muốn “được” thì phải có “đức”, muốn “được” thì phải “mất”, muốn “được” thì phải “xả”, muốn “được” thì phải cho đi. Đối với người tu luyện mà nói, sự ít nhiều của “đức” đã quyết định mức độ khó dễ trong tu luyện của người tu luyện, tầng thứ và quả vị có thể đạt được.

Phía bên phải của “đức” là “thập mục nhất tâm” (十目一 心). Chúng ta trước hết nói về chữ “nhất” (一) trong này. Chúng ta hiện nay đều lý giải chữ “nhất” là chữ số 1, cho rằng chữ nhất chính là đơn giản nhất. Trên thực tế chữ số này là phức tạp nhất. Trong “Thuyết văn giải tự” giải thích đối với chữ này là nhiều nhất. Vậy “nhất” (一 ) ở trong đó được đàm như thế nào?

“Duy sơ thái cực, đạo lập ô nhất, tạo phân thiên địa, hóa thành vạn vật“, (tạm dịch là: Thái cực, Đạo tối nguyên sơ là được sinh ta từ “nhất”, sau đó tạo nên trời đất, sinh thành vạn vật). Vậy nên chữ “nhất” này nó là thủy tổ của vạn vật, là thủy tổ và bản nguyên của hết thảy mọi thứ.

Từ “nhất” sinh ra âm dương, tạo ra trời đất. Vậy nên một nét ngang này thực tế chính là tách biệt trời đất, bên trên là trời, bên dưới là đất, còn “thập” (số 10) chính là “thế giới mười phương, bốn mặt tám phương”. Vậy nên mọi người sẽ thấy chữ “đức” này rất có ý nghĩa, “thập mục” (十目) bên trên chữ “nhất” (一) chính là ý nói khắp trời đều là những con mắt.

Chữ “tâm” (心) bên dưới chữ “nhất” đương nhiên chính là chỉ nhân tâm, vậy nên con mắt của khắp trời đều đang nhìn vào cái tâm của con người. Quá khứ có một câu nói “trên đầu ba thước có Thần linh”, “làm chuyện trái với lương tâm ở trong phòng tối, mắt Thần lại thấy rõ như ánh điện”.

Chính là nói khắp nơi đều là con mắt của trời, con mắt khắp trời đều đang nhìn xuống mặt đất này. Từ đây có thể thấy người xưa cho rằng cái gì là “đức”? Chính là không kể có người đang dõi nhìn bạn hay không, có pháp luật truy cứu bạn hay không, hành vi của bạn nếu phù hợp với đạo trời, thì mới là “đức” thật sự.

Lão Tử nói: “Vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quý Đức“, ý là muôn vật đều tôn trọng Đạo và quý trọng Đức; muôn vật nếu không có Đạo thì không thể sinh, không có Đức thì không thể thành được. Vạn vật trong cõi trời đất sở dĩ có thể sinh tồn và phát triển, đều là bắt nguồn từ sự dưỡng dục của đạo đức. Đức là một loại vật chất cao năng lượng nhìn không thấy, sờ không được nhưng lại thật sự tồn tại.

Có thể nói chữ “Đức” quyết định hết thảy mọi thứ của con người, sâu cạn nhiều ít của đức hạnh quyết định phúc phận và vận mệnh của con người. Cũng chính như “có đức mặc sức mà ăn” mà cổ nhân thường nói đến. Đối với người bình thường mà nói, không có “đức” thì người ta sẽ không có phúc khí; đối với người tu luyện, không có đức thì người ta không thể tu luyện lên trên được, bởi vì tu luyện là “lấy đức diễn hóa ra công”.

Vậy nên “tâm tính” (bao gồm cả “đức” trong đó) là thứ cơ bản nhất, then chốt nhất khiến người tu luyện đề cao tầng thứ, có được cao “công”. Cát hung họa phúc của con người có liên quan chặt chẽ với đức, có đức là phúc, không có đức chính là họa, đây chính là “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân“, ý rằng trời không thiên vị, thường giúp người lành.

Muốn làm việc thiện phải có thiện tâm

Làm việc thiện để tích phước đức là điều ai cũng biết, nhưng nếu làm việc thiện mà tâm bất thiện thì kết quả lại trái ngược hoàn toàn. Có câu chuyện kể rằng: Một ngày, các nho sinh đến gặp vị thiền sư và thỉnh ngài giảng về thiện và ác, thiền sư bèn yêu cầu mỗi người hãy đưa ra ví dụ về những việc thiện-ác mà họ biết. Một người trong đó nói, mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện. Thiền sư nói rằng, không nhất định là như vậy.

Một người khác cho là tham lam lấy tài vật của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện. Thiền sư cũng nói rằng, không nhất định là như vậy. Mọi người đều lần lượt đưa ra các ví dụ khác nhau về thiện và ác, nhưng vị thiền sư đều lắc đầu rằng, không nhất định là như vậy. Thấy khó hiểu, các nho sinh bèn thỉnh thiền sư hãy giảng giải cho mình.

Lúc này vị thiền sư mới từ tốn nói: “Giúp ích cho người gọi là Thiện, chỉ vì ích kỷ lợi thân gọi là Ác”. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích lợi cho bản thân nên dù có kính trọng người cũng gọi là ác. Lại nữa, làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là “chân thiện”, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là “giả thiện”.

Ví như, nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp hàng ngàn người cũng không có nghĩa lý gì; ngược lại, tâm chân thiện, thì dù không có một đồng làm từ thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc đức rồi. Cũng nói, làm việc thiện rồi cầu được báo đáp thì là vị tư bất thiện. Chỉ có làm việc thiện một cách lặng lẽ âm thầm, không phô trương, không cầu báo đáp, mới thật sự tích được âm đức.

Âm tức là tiềm ẩn, là lòng tốt âm thầm. Chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức thì không cầu người khác biết, cũng không mong được người tán thán hay cầu sự trả ơn. Trong cuốn “Âm đức văn”, “âm đức” còn mang ý nghĩa “Thiên Nhân cảm ứng”.

Con người nên tự mình hành thiện, làm việc tốt nhưng không nên khoa trương ở khắp mọi nơi; chỉ cần lặng lẽ, âm thầm đi làm là được, bởi vì Thượng Thiên cảm ứng được lòng người. Âm đức là thiêng liêng, cho nên nếu làm việc thiện mà cố ý khoa trương bản thân để được danh và lợi thì hiệu lực của âm đức sẽ tự nhiên mất đi. Người ấy không tích được âm công, và cũng không khởi được tác dụng chân chính của hành thiện.

Từ lý luận này, xem ra chỉ có không màng danh lợi, lặng lẽ làm việc thiện thì mới thực sự là hành thiện tích đức chân chính. Từ nhỏ chúng ta vẫn thường nghe ông bà căn dặn: “Phải tích âm đức, không cho mình thì cũng là cho con cháu”.

Nhưng thế nào gọi là âm đức và dương đức? Làm việc tốt để người khác biết gọi là “dương đức”. Dương đức phúc báo nhanh, người ta sẽ ca ngợi bạn, tuyên dương bạn, báo đáp bạn bằng vật chất hoặc khen thưởng biểu dương. Dương đức đã được báo đáp rồi thì sẽ hết.

Làm việc tốt mà không để người khác biết gọi là “âm đức”. Âm đức dù không được ai biết đến, không được ai biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài. Đừng sợ làm việc tốt thì sẽ phải chịu thiệt. Hành thiện sẽ tích đức, đức ấy vĩnh viễn là của bạn, người khác không thể trộm được, không thể cướp được. Tự mình tu đức thì tự mình được phúc báo, vì đức là một loại năng lượng.

Tuy đức nhìn không thấy, sờ không được, nhưng không lúc nào và không nơi nào là không tồn tại. Dương đức không lâu dài, đa số là tùy theo việc làm tốt mà nhận được phúc báo ngay trong đời. Âm đức tích được lâu, hơn nữa càng tích càng lớn, càng tích càng dày, còn có thể để lại phúc trạch cho cháu con.

Do đó làm việc thiện thì nên xuất tự đáy lòng, không nên truy cầu để người khác biết. Người xưa rất coi trọng âm đức, cho rằng âm đức mới là trân quý, còn dương đức chỉ là một chút hư danh, không có giá trị thực tế đối với sinh mệnh. Phúc Âm Matthew 6 viết: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.

Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

Làm việc xấu để người khác biết gọi là dương ác. Dương ác khi bị người khác biết là đã báo ứng rồi, sau khi báo hết thì không còn nữa. Những việc xấu đã từng làm thì không nên giấu giếm, bởi càng có nhiều người biết thì càng tốt. Tại sao? Báo hết rồi thì sẽ không còn ác nữa. Do đó Phật Pháp, Đạo Pháp và Cơ Đốc giáo đều giảng sám hối, hễ sám hối thì tội nghiệp sẽ dần tiêu tan.

Vậy sám hối là gì? Chúng ta thành tâm hướng tới Thần nói ra những lỗi lầm mình đã phạm, cảnh tỉnh những hành vi của mình, không làm việc xấu nữa, sửa đổi quy chính tư tâm dục vọng của mình, gắng hết sức làm việc tốt, đó gọi là sám hối chân chính. Có người tùy ý hành ác, cũng đến giáo đường sám hối, hoặc đến chùa, nhà thờ quyên tặng, sau đó về nhà tiếp tục làm việc ác như xưa.

Người như thế thì hễ thời khắc đến, ác báo liền giáng xuống. Xúi giục thị phi, phỉ báng sau lưng, hủy hoại danh dự người khác, v.v. đều là âm ác. Người làm loại việc ác này nếu tích lại rất lâu mà không hoàn trả, đến lúc quá lớn rồi thì ác báo cũng rất lớn. Lớn nữa thì dẫu phải chịu tội trong địa ngục họ cũng không trả hết.

Phúc ở tích thiện, họa ở tích ác

Vào thời chiến tranh thế giới thứ hai, vị thống soái tối cao của quân đồng minh châu Âu là Eisenhower vì hào hiệp giúp đỡ đôi vợ chồng già người Pháp mà đã tránh được đòn ám sát của Hitler. Khi đó, Eisenhower đang ngồi xe trở về tổng bộ để tham gia hội nghị quân sự khẩn cấp. Hôm ấy tuyết rơi đầy trời, tiết trời lạnh buốt, chiếc xe phóng như bay trên đường. Bỗng Eisenhower thấy một đôi vợ chồng già đang ngồi bên đường, lạnh cóng run lẩy bẩy.

Ông bèn bảo viên quan phiên dịch xuống xe hỏi sự tình. Một vị tham mưu vội vàng nhắc nhở: “Chúng ta còn phải đến tổng bộ cho kịp giờ họp, những sự tình loại này nên giao cho cảnh sát địa phương xử lý thì hơn”. Eisenhower nói: “Nếu đợi đến khi cảnh sát đến, đôi vợ chồng già này đã chết rét lâu rồi”.

Thì ra, đôi vợ chồng đang đến thăm con trai ở Paris, vì giữa đường xe chết máy nên mới bị kẹt lại giữa tuyết trắng mênh mông, không có cách nào di chuyển được. Eisenhower lập tức mời họ lên xe, đưa đôi vợ chồng già đến nhà con trai họ ở Paris rồi mới vội vàng về tổng bộ. Điều khiến Eisenhower không thể ngờ tới là, hành động vô tư vừa rồi lại giúp ông tránh khỏi một kiếp nạn mất mạng.

Thì ra hôm đó, quân đánh chặn của Hitler đã mai phục sẵn trên đường, chỉ đợi xe của Eisenhower đến sẽ lập tức ám sát. Hitler đã sắp đặt mọi việc đâu vào đấy, đoán định Eisenhower nhất định sẽ chết. Hitler không ngờ rằng việc thiện của Eisenhower lại khiến mọi tính toán sắp đặt của mình bị phá sản hoàn toàn.

Nhưng nào có biết rằng, Eisenhower vì cứu giúp cặp vợ chồng già mà đã thay đổi tuyến đường, tránh được kiếp nạn. Nếu không như vậy, thì sau này nước Mỹ đã không có vị tổng thống thứ 34 – Dwight D. Eisenhower. Khổng Tử từng giảng đức hạnh là nguồn nước, tài năng chỉ như sóng nước, đức là cái gốc của cây còn tài chỉ như cành cây mà thôi.

Bởi vậy mà trong làm người hay làm việc, Khổng Tử đều nhấn mạnh rằng: “Dĩ đức vi thủ”, tức là lấy đức làm đầu. “Làm người tốt”, “trong lòng luôn có thiện niệm”, “thường làm việc thiện”, đây là lời vàng tiếng ngọc cổ nhân để lại cho chúng ta. Chỉ cần trong tâm có thiện niệm, tướng mạo, vận mệnh sẽ theo đó mà cải biến vì tướng tại tâm sinh.

Người xưa cũng nói “hành thiện tích đức” là chân lý của vũ trụ, đó cũng chính là luật nhân quả. Bất kể địa vị xã hội cao hay thấp, có tiền hay không có tiền, chỉ cần trong lòng có thiện lương thì con người sẽ làm việc thiện, làm việc thiện thì tự nhiên sẽ tích âm đức.

Người có quyền có thể điều hành đất nước, làm lợi cho nhân dân, lợi cho quốc kế dân sinh. Người có tiền có thể làm các việc thiện lớn như cứu tế nạn đói, quyên tặng áo rét, mở trường học, cứu giúp trẻ mồ côi, giúp người già không nơi nương tựa và người tàn tật. Người ít tiền có thể làm việc thiện nhỏ, tùy theo sức của mình mà dùng thiện tâm để giúp đỡ người khác.

Chỉ cần có thiện tâm thì sẽ thấy xung quanh có rất nhiều việc thiện đang chờ bạn: ngồi xe nhường chỗ, quét dọn vệ sinh môi trường xung quanh, nhặt được của rơi trả lại người mất, đối xử với người lễ độ hòa ái, hiếu kính với bề trên, khoan dung với kẻ dưới, v.v. Đó đều là tích âm đức.

Vạn vật trên đời đến và đi ắt đều có nguyên do, có những điều mà người trần mắt thịt chúng ta “mắt thấy tai nghe” cứ ngỡ rằng đó là chân lý là sự thật. Tuy nhiên, có nhiều sự việc mà đằng sau đó là huyền cơ thâm sâu mà không phải ai cũng có thể nhìn thấu tỏ tường, chân tướng của nó lại hoàn toàn trái lại những gì chúng ta thấy.

Hành thiện tích đức chính là con đường duy nhất có thể đưa con người đến bến bờ hạnh phúc, vinh quang thực sự, dù cho biểu hiện bề mặt của nó có ra sao đi nữa thì nó vẫn là con đường ngắn nhất để cải biến vận mệnh của mình.

Trường Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/hanh-thien-tich-duc-phuc-chua-den-nhung-hoa-da-roi-xa-d102722.html