Hạnh phúc vỡ òa của bà mẹ tật nguyền đơn thân gần 40 tuổi mới có con

Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật với một bên chân gãy, hộp sọ bị vỡ và một mắt không còn, chị Dung đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời mình…

Hơn 9 tháng qua, được ẵm bồng đứa con bé bỏng trên tay, được nghe tiếng khóc, tiếng cười của con, được ngắm con gái ngủ mỗi đêm, với chị Hoàng Thị Dung (sinh năm 1983, ở Quế Võ, Bắc Ninh), điều này vẫn như một phép màu. Bởi lẽ, từ khi vụ tai nạn định mệnh xảy ra, chị đã chẳng còn dám mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”.

Tâm sự với chúng tôi, chị Dung cho biết, năm 2014, khi đang trên đường đi làm về, chị bất ngờ gặp tai nạn giao thông và bất tỉnh. Mở mắt dậy trong bệnh viện, chị bị sốc khi biết mình chỉ còn một bên mắt, bên còn lại đã hỏng hoàn toàn do tổn thương quá nặng khi va đập. Không những thế, chị còn bị vỡ hộp sọ, gãy chân và nhiều chấn thương khác khiến cơ thể chị chẳng còn lành lặn.

Chị Dung hạnh phúc bên cô con gái xinh xắn, đáng yêu

Chị Dung hạnh phúc bên cô con gái xinh xắn, đáng yêu

Quá hoảng loạn và không muốn chấp nhận sự thật, chị Dung đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát nhưng may được những người thân động viên, trấn an tinh thần, chị đã bình tĩnh hơn. Những ngày tháng sau đó là chuỗi ngày vô cùng khó khăn để chị có thể chấp nhận được sự thật và dần quen với cuộc sống của một người khuyết tật.

Không chỉ lấy đi một phần cơ thể, vụ tai nạn còn cướp đi hạnh phúc trước mắt của chị khi chẳng còn bao lâu nữa, chị sẽ lên xe hoa về nhà chồng. Vì quá mặc cảm, tự ti về sức khỏe và ngoại hình chẳng còn nguyên vẹn của mình, chị Dung đã quyết định hủy bỏ hôn ước với người chị yêu thương vì không muốn trở thành gánh nặng của anh.

Biết số phận mình kém may mắn, không thể có được gia đình hoàn chỉnh như những người phụ nữ khác nhưng trong thâm tâm chị Dung luôn khao khát được làm mẹ, được ẵm bồng con trẻ trên tay. Chị bảo: “Nhìn thấy họ bế con là mình “thèm” lắm. Cũng mong có một đứa con bầu bạn để cho đỡ tủi”.

Chị Dung đưa con gái đến thăm và cảm ơn những "ân nhân" đã giúp chị có cơ hội được làm mẹ

Khi được một người chị ở làng kế bên giới thiệu đến Bệnh viện Bưu điện để làm thụ tinh trong ống nghiệm, chị Dung cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, vượt qua mặc cảm bản thân, cùng sự giúp đỡ tài chính của bố mẹ, anh em họ hàng, chị đã mạnh dạn tìm đến gặp các bác sĩ để mong “được làm mẹ”.

Quả không phụ ước mong được làm mẹ của chị, ngay trong lần thụ tinh đầu tiên, chị Dung đã “dính” bầu. Cô con gái xinh xắn chào đời vào tháng 6/2018 từ trứng của chị và tinh trùng hiến tặng tại Ngân hàng tinh trùng (Bệnh viện Bưu điện) là một điều kỳ diệu, một món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho người phụ nữ tật nguyền này.

Biết tin chị sinh con, rất nhiều anh em họ hàng và bà con xóm giềng đã đến chia vui, chúc mừng chị. Từ ngày có “tiếng khóc con trẻ” trong nhà, chị Dung trở nên vui tươi, phấn khởi hơn, không còn u sầu, ủ rũ như trước. Hiện tại, con gái chị đã được hơn 9 tháng, nặng 11kg.

Con gái chị Dung rất mạnh khỏe và ngoan ngoãn

Từ khi có con, cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều. Tôi không còn thấy cô đơn, buồn tủi nữa. Bao nhiêu khó khăn, vất vả đều tan biến khi tôi được ôm con vào lòng. Mà trộm vía con bé ngoan lắm. Có thể nó biết mẹ nó đã kém may mắn hơn những người khác nên thương mẹ không quấy”, chị Dung tâm sự.

Mới đây, chị Dung đã quyết định đưa con từ Bắc Ninh xuống Bệnh viện Bưu điện để cảm ơn những “ân nhân” đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ người phụ nữ đơn thân tật nguyền như chị được làm mẹ, giúp cuộc đời chị được sang một trang mới tươi sáng hơn.

Chia sẻ về trường hợp của chị Dung, BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết, chị Dung không phải là trường hợp hy hữu trong số các bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm. Bởi lẽ, vì nhiều lý do khác nhau, đã có không ít phụ nữ đơn thân đến gặp bác sĩ với nhu cầu và mong muốn được làm mẹ.

BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết, có không ít phụ nữ đơn thân đến gặp bác sĩ với nhu cầu và mong muốn được làm mẹ.

Mọi phụ nữ đều có quyền làm mẹ, Nhà nước và Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể tạo điều kiện cho phụ nữ đơn thân được sinh con. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu điện sẵn sàng đồng hành, giúp chị em phụ nữ đơn thân thỏa nguyện mong muốn này”, BS Nhã nói.

Cũng theo BS Nguyễn Thị Nhã, đối với phụ nữ đơn thân muốn được hỗ trợ sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cần đến khám, thực hiện các chỉ định của bác sĩ. Nếu đủ yêu cầu về điều kiện sức khỏe sinh sản có thể thực hiện biện pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) nếu có những bất thường về sức khỏe sinh sản không thể thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác.

Mai Thùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/hanh-phuc-vo-oa-cua-ba-me-tat-nguyen-don-than-gan-40-tuoi-moi-co-con-20190329163646174.htm