Hạnh phúc vì yêu mến Việt Nam

Những con dâu, con rể là người nước ngoài đã cùng chồng, vợ mình góp sức trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, giúp thế giới hiểu hơn về Việt Nam, bồi đắp văn hóa Việt Nam cho con cái, những người xung quanh bằng vốn hiểu biết về Việt Nam của mình. Dường như niềm hạnh phúc gia đình họ được nhân lên bằng thứ tình cảm còn lớn hơn nhiều tình yêu quê hương của 'nửa kia'.

Yêu Việt Nam vì vợ

Một ngày trên facebook, tôi đọc được dòng chia sẻ đầy yêu thương của Phạm Mai: “Bữa cơm chia tay trước khi ra đi, anh nói với ba mẹ: Cảm ơn ba mẹ đã cho con được là con trong gia đình. Con sẽ chăm sóc Mai cẩn thận khi chúng con còn sống trên trái đất này và cho cả khi sang thế giới bên kia...".

Tự nhận rằng mình rất yêu Việt Nam và tình yêu đó bắt đầu từ tình yêu với cô gái Việt Nam bé nhỏ, giờ đã là vợ của anh, Antonio Ardizzoni (chàng rể Tây trong câu chuyện trên) cho rằng: “Nền văn hóa Việt Nam có nhiều nét giống Chile quê hương tôi. Ở cả hai nền văn hóa, tôi đều nhận thấy việc coi trọng hạnh phúc gia đình vì đó là nền tảng để phát triển xã hội".

Chung tay xây dựng đất nước

Theo lẽ thường, những người con xa quê cha, đất mẹ thường chủ động đưa "nửa kia" của mình về quê hương nhưng trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Cử và bà Anke Friedel Nguyễn thì ngược lại, ông Nguyễn Trọng Cử lại là người theo vợ về Việt Nam.

Anke Friedel Nguyễn học ngành Việt Nam học. Khác với suy nghĩ của người phương Tây, Anke Friedel Nguyễn thích một gia đình đông con. Một người bạn của ông Nguyễn Trọng Cử từng nói về Anke Friedel Nguyễn thế này: “Nàng là người Đức nhưng phẩm chất còn rất "phương Đông". Nàng nói tiếng Việt rất giỏi, tính tình hiền dịu, dễ thương”.

Nguyễn Trọng Cử (đứng giữa) và vợ-Anke Friedel Nguyễn (thứ hai từ trái sang), cùng bạn bè, người thân. Ảnh nhân vật cung cấp

Mong muốn cho các con hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, được giao tiếp tiếng Việt nhiều hơn, năm 1998, Anke Friedel Nguyễn quyết định chuyển cả gia đình về Việt Nam sống và làm việc. Cô chia sẻ: "Quê anh Cử ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) còn nghèo. Từ lâu anh đã có tâm nguyện muốn đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực và khi cả gia đình về Việt Nam sống thì anh ấy có thể thực hiện tâm nguyện đó. Với tôi, để con trẻ sống ở Việt Nam, chúng sẽ có tuổi thơ, có những kỷ niệm về quê hương của bố để có thể hiểu hơn về văn hóa của người Việt cũng như cội nguồn của gia đình".

Ông Nguyễn Trọng Cử lúc đó cũng bỏ việc tại một cơ quan thuộc chính phủ Đức, khăn gói về Việt Nam. Ở Việt Nam, sau một thời gian ông thấy việc nuôi cá nước lạnh là hướng đi mới, lại tận dụng được lợi thế hỗ trợ kiến thức, con giống từ Đức nên đi sâu tìm hiểu. Sau 10 năm, hiện gia đình ông đã có 5 trang trại ở Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt, Thanh Hóa và Hòa Bình cùng hệ thống Nhà hàng Thác Bạc ở Sa Pa, Hòa Bình và Hà Nội, tạo nên mô hình cá sạch từ lúc nuôi cho đến bàn ăn. Ông Nguyễn Trọng Cử hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu về cá nước lạnh tại Việt Nam, chuyên cung cấp cá giống, thức ăn cho các cơ sở sản xuất cá nước lạnh khác.

Vợ chồng Nguyễn Trọng Cử-Anke Friedel Nguyễn còn đóng vai trò quan trọng khi là những người nhiệt tâm bắc cầu nối nhịp giữa hai nước, bởi công việc và cũng là xây dựng quê hương của cả hai. Chúng tôi gặp vợ chồng họ khi Anke Friedel Nguyễn đưa đoàn Hiệp hội nông nghiệp từ Đức sang Việt Nam để tìm hiểu ngành nuôi cá Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các bạn Đức đều đánh giá cao những nỗ lực và sự nhiệt tình của vợ chồng Nguyễn Trọng Cử-Anke Friedel Nguyễn.

Vẫn còn nhiều cặp đôi như thế. Họ đóng góp nhiều cho Việt Nam trên các lĩnh vực, như vợ chồng Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama và cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Kim Oanh; Tiến sĩ khoa học Vladimir Kolotov, Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Quốc gia Saint Petersburg (Nga) và cô gái Nguyễn Thị Minh Hạnh; nghệ sĩ Opera Hàn Quốc Park Sung Min với nghệ sĩ piano Trang Trịnh… Những chàng rể, nàng dâu nước ngoài đều có chung đặc điểm: Họ yêu "nửa kia" của mình một phần vì tình yêu say đắm, phần khác vì đồng cảm, quý mến sâu sắc mảnh đất, con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.

MINH NHÃ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hanh-phuc-vi-yeu-men-viet-nam-534054