Hạnh phúc từ những điều bé nhỏ

Không phải ai trong nghề chữ nghĩa cũng ngộ ra được điều ấy. Vào tuổi bảy mươi, đã qua gần 50 năm cầm bút Phạm Quốc Toàn nhận ra rằng, viết được những điều bé nhỏ mà có ích cho đời mới thật sự là cần thiết.

Giống như con ong hút nhụy hoa làm mật không bao giờ quên những bông hoa, những loài hoa đồng nội mấy ai để ý như hoa nhãn, hoa bưởi, hoa dâu da xoan, hoa sú vẹt… nhưng ngược lại thì những con bướm la đà, lòe loẹt luôn nghĩ rằng những bông hoa kia nợ nó lời cảm ơn. Và thật sự Phạm Quốc Toàn, tác giả của 13 cuốn sách đã thật hạnh phúc khi ông đã làm được những điều không hề nhỏ.

Cuốn "Con voi chui lọt lỗ kim" (Ảnh Hải Đường).

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi từ năm 2012 đến nay, trong vòng tám năm trời, bằng cách nào ông đã cho ra lò tới ngần ấy cuốn sách? Không chỉ là số lượng, chất lượng mới là điều đáng nể. Ông viết nhiều thể loại: bút ký, ký chân dung, bình luận, tiểu phẩm… Đầu năm 2019 Phạm Quốc Toàn bất ngờ công bố cuốn tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng, nhân vật chính là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Đọc từng chương, từng dòng ai cũng thấy hiển hiện một gương mặt báo chí của thời ta sống, cao sang, tầm vóc mà gần gũi xiết bao! Nhà văn viết như đang kể chuyện, chứ không như đang…viết. Kể chuyện bằng hồi ức đằm sâu và những tình cảm nồng thắm, dường như không phải dụng công gì nhiều về hình thức, không phải thêm thắt gì, bản thân cuộc sống và nhân vật là như thế. Đương nhiên, xưa nay đối với một tác giả, không bao giờ có nội dung không hình thức, cũng như không bao giờ có hình thức không nội dung.

Đã có nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo giới thiệu một cách tổng quát về sự nghiệp báo chí, về quá trình làm nghề của Phạm Quốc Toàn. Dù góc tiếp cận khác nhau, nhưng nhận định chung nhất ở ông là: Một nhà báo có kiến văn rộng, dấn thân, chịu đi, chịu nghĩ và chịu viết. Luôn có mặt ở những điểm nóng của cuộc sống, viết với thái độ của một cây bút từng trải, đàng hoàng, sòng phẳng. Lối viết giản dị, chân thành, không thích khoa trương, kì cọ, đánh bóng chữ nghĩa. Nhờ vậy văn ông sinh động, cuốn hút.

Cuốn sách "Tôi nói bằng mồm tôi" (Ảnh Hải Đường).

Trong bài viết này tôi muốn nói sâu hơn về tiểu phẩm Phạm Quốc Toàn. Thể loại này, nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn từng nói đó là con dao nhọn. Bé đấy nhưng sức mạnh không bé, bất ngờ và lợi hại. Ở ta nhiều nhà văn, nhà báo đã thành công ở thể loại “nhỏ” này như Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Hữu Thọ, Phạm Phú Bằng, Lý Sinh Sự, Lê Thị Liên Hoan, Ba Thợ Tiện… Riêng tiểu phẩm Phạm Quốc Toàn, theo tôi, có dấu ấn nổi bật là luôn gắn với các vấn đề chính trị, thời sự. Vấn đề trong tiểu phẩm nêu lên là những vấn đề lớn dù thông qua những câu chuyện nhỏ. Nhiều tiểu phẩm trăn trở, dằn vặt về nghề báo. Văn tiểu phẩm của ông sắc nhọn, hài hước, nhưng đôi khi cười ra nước mắt. Thâm trầm nhưng không cay chua, rỉa rói, đau đấy nhưng không làm cho “đối tượng phản ánh” thối chí, gục ngã. Cách nghĩ ấy, giọng văn ấy là lối của một cây bút từng trải và lương thiện.

Ta hãy cùng uống nước chè, ăn bánh cu đơ xứ Nghệ, nhẩn nha đọc ba cuốn tiểu phẩm của Phạm Quốc Toàn. Đó là các cuốn: Tôi nói bằng mồm tôi, Con voi chui lọt lỗ kim và Cá chép hóa Rồng. Phải đọc nhẩn nha, đọc từng chữ, đọc giữa hai hàng chữ thì mới thấm hết cái nỗi sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm. Đọc từng chữ bởi vì tiểu phẩm thường ngắn từ 700 đến 1000 từ, người viết phải dè xẻn, cân nhắc lắm. Tôi chợt liên tưởng đến chữ trong thơ của một người bạn. Nhà thơ viết: “Cái đêm hè ấy ai ra tắm/Để cả bầu trời phải tắt trăng”. Chữ tắt ở đây mới đắt làm sao. Nó là con mắt của bài thơ. Trong tiểu phẩm của Phạm Quốc Toàn cũng có nhiều từ đắt mà dẫn ra thì rất nhiều. Có khi nó đắt vì ngoài đời người ta dùng nhiều đấy, nhưng chỉ có nhà báo nhận ra và đưa vào lại trở nên đắc địa. Chữ dùng có thể là chữ sẵn có trong cuộc sống, là lời ăn tiếng nói của già bản, của bác nông dân, chị lao công, nhưng tác giả đã gửi được tâm tình mình vào đó. Từ đắt thể hiện ngay ở các đầu đề tác phẩm: Tôi nói bằng mồm tôi, Anh cứ xài đi đã có em lo, bé cái nhầm, Chống lưng, Tay ơi ta bảo tay này, Bố láo… bố lếu, Cảm ơn chị ve chai, Chạm nọc… lỉnh, Hỡi các “Tửu vương”, v.v..

Gắn với các vấn đề chính trị-thời sự tưởng chỉ có ở các bài chính luận, phóng sự điều tra, nhưng điều đó lại thể hiện rất rõ qua ba tập tiểu phẩm. Nhà báo của chúng ta với thế mạnh của một nhà quản lý báo chí lâu năm, nắm rất vững các vấn đề, các sự kiện nóng trong đời sống chính trị nước nhà, bởi thế ông không thích dông dài đem chuyện cũ ra mà ngẫm nghĩ. Tôi nhớ đến Thomas Friedman - một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times. Năm 2005 cuốn sách Thế giới phẳng của ông được xếp hạng cuốn sách hay nhất trong năm. Nhưng khi viết xong, ông trải lòng với các nhà báo: Ước gì đây là một cuốn sách điện tử để ngay chiều nay, ngày mai tôi sẽ bổ sung ngay. Thời “thế giới phẳng” mọi cái đều có thể cũ đi rất nhanh. Ông còn nói về tác phong, về dáng vẻ bên ngoài của nhà báo: “Trong lĩnh vực của chúng ta, nghề báo, tôi chỉ tin những người đi giày rách. Xi bong tróc, gót dính đất, bùn và bụi bẩn trên da giầy, tất cả những điều này chứng nhận cho việc làm báo. Đôi giầy rách chính là bằng chứng của công việc”.

Cuốn "Cá chép hóa rồng" (Ảnh Hải Đường).

Liên tưởng hơi dài như thế bởi vì tôi thấy nhà báo Phạm Quốc Toàn đã hòa nhịp với đời sống báo chí đương đại, không chỉ là báo chí trong nước. Ông đã viết hẳn một cuốn bút ký Xứ sở Chùa Vàng nhân chuyến công tác tại Liên đoàn Báo chí Thái Lan. Các vấn đề chính trị-thời sự được đề cập trong ba tập tiểu phẩm xoay quanh các chủ đề: phản biện và đồng thuận xã hội (Sức nóng nghị trường, Chia quỹ, festival lãng phí, Hạnh phúc từ những điều bé nhỏ, Tôi nói bằng mồm tôi…); chống tham nhũng, quan liêu (Con voi chui lọt lỗ kim, Chống lưng, Chuyện bên vườn vải, Nhiều tiền để làm gì…); đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà báo (Nhà báo nói thêm, Nhà báo cũng là công dân, Tin giả, Sống chung với lũ, Văn phòng đại diện…)

Vấn đề nóng, bài viết cũng nóng. Nhiều chuyện gây căm phẫn, nhức nhối, đau xót, bạn đọc còn đang xôn xao bình luận đã thấy “con dao nhọn” của “Ông Toàn” vung lên. Những lời bình ngắn và sắc sảo. Hoặc chỉ có chi tiết, chi tiết đắt nói thay lời bình. Hoặc mượn chuyện xưa mà nói nay. Tất cả cốt để bạn đọc cùng nghĩ ngợi và chia sẻ. Ấy là khoảng mở trong tiểu phẩm, là độ giao thoa giữa văn và báo, gợi hơn là gói. Gợi lên để yêu thương, gợi lên để băn khoăn, gợi lên để căm phẫn. Phần việc của người viết thế là đã thành công. Mới nhất là những chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La; vụ Mobiphone mua 95% cổ phần của AVG gây thất thoát cho Nhà nước gần 7000 tỉ đồng; vụ Thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền ở Vĩnh Phúc; Vụ công ty địa ốc Alibaba mua đất nông nghiệp lập dự án “ma” phân lô bán nền… đều có mặt trong các tiểu phẩm nóng hổi. Kết bài tiểu phẩm về công ty Alibaba, tác giả hạ một câu chua xót: “Vịt trời Alibaba thời nay coi Trời bằng vung”.

Trăn trở về nghề báo, người chiến sĩ quân đội năm xưa, người từng là Tổng biên tập của ba tờ báo, không thể không trải chiếu hoa cho tiểu phẩm mà trên chiếc chiếu ấy bày lên những mâm bát nghề nghiệp. Cũng có khen, có chê. Nhưng chê chính là yêu lắm. Chê mà là đưa cánh tay ra để nâng dậy người trượt chân vì đi vội, vì đi sai, vì mưa gió trơn trượt, vì sương mù… Đọc phần này thấy ông thật là am hiểu lẽ đời, chuyện nghề, tinh nhạy thời cuộc. Về khen, ông khen cái sự vật vã với nghề từ ông Tổng biên tập đến thư ký tòa soạn, phóng viên. Ông thấm thía sự “cô đơn lớn” của người văn, người báo. Như trường hợp Mai Sông Bé đắm say với nghề, khi nghỉ hưu “lấy bút đỏ gạch một đoạn đường đời, bỏ lại đằng sau mọi thứ bon chen của người đời”. Mai Sông Bé lại lao vào viết nhũng tác phẩm nặng ký, làm mới mình qua từng con chữ... Đấy là chuyện vui, còn buồn thì muôn nỗi. “Con dao” tiểu phẩm lách sâu vào những chuyện người, chuyện nghề, từ việc nhà báo tống tiền doanh nghiệp, đánh hội đồng, đạo văn, đến coi mình như cái rốn của vũ trụ đi đâu cũng xưng xưng “Tao là nhà báo”. Là nhà báo thì cũng là công dân chứ bộ! Sao lại có những con sâu như thế làm rầu làng báo của ta?

Phần trên là nhìn về tác phẩm, phần cuối bài viết này tôi muốn nhìn tác giả. Không phải là một đánh giá to tát, chỉ là góc nhìn của một đồng nghiệp lớp sau, bởi tôi cũng như Phạm Quốc Toàn cùng chuyển ngành ra làm báo từ Tổng cục Chính trị, nói như ông là “máu lính còn đặc lắm”; cùng là học trò Khoa báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương. Đúng là chân dung tác giả - người con sinh ra dưới chân núi Hồng Lĩnh mây gió ngút trời - thật là sáng, thật nét. Ông là người lao động cật lực. Viết mọi lúc, mọi nơi, “viết” cả trong lúc ngủ, lúc ăn, cái đầu không động đậy là ốm. Bởi nghề này không có chỗ cho sự lười biếng, nửa vời. Không có trăm hoa đua nở nếu không có rễ cây âm thầm hút nhựa đất, lá cây tắm ánh nắng, khí trời. Viết nhanh, viết mới, viết những điều thiết thực, và quan trọng nhất: viết hay.

Tôi nhớ nhà báo Lưu Quý Kỳ, bậc thầy viết tùy bút, khi vào giảng bài cho sinh viên báo chí lứa chúng tôi có dặn: “Đã là người làm báo thì ngày nào cũng phải viết. Viết đi cho hay. Viết đi cho tốt. Cảm ơn các bạn đã chịu khó nghe tôi”. Phạm Quốc Toàn là một trong những sinh viên xuất sắc thời bấy giờ. Ông khiêm tốn nói: “lấy công làm lãi”. Thật ra cái công ấy là công lao động đặc thù rất nhọc nhằn. Viết xong cái này, cái khác lại lấp ló ngoài kia. Và nhà văn - nhà báo hai trong một ấy lại kĩu kịt mùa dâu, mùa lúa, lại rút ruột ra mà viết. Nói như Đại tá, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, một người bạn lính cùng thời với Phạm Quốc Toàn: “Kiếp tằm vương một lời chi/ Rút tơ lòng trải đường đi riêng mình”./.

Hải Đường

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/hanh-phuc-tu-nhung-dieu-be-nho-541572.html