Hạnh phúc thật giản dị

Tiếu thuyết 'Xứ Đoài mây trắng' đã cho thấy cái nhìn ấm áp, bình dị về đời sống thôn quê vùng Đồng bằng Bắc bộ thời trước kháng chiến. Cuộc sống đó là những con người tuy lấm lem, nghèo khó, tuy đã có những lúc tưởng như cùng đường nhưng lấp lánh trong truyện những con người quê quyết giữ được tình người, vẫn coi trọng chữ nghĩa và dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất cũng không mất niềm tin vào tương lai, vào những thế hệ kế tiếp và ở đó họ tìm thấy niềm hạnh phúc của cuộc đời.

Câu chuyện bắt đầu từ vợ chồng viên trung tá, quan năm De Farcheau khi mua bức tranh của Phí Quỳ, một người thôn Chàng Sơn (một vùng quê xứ Đoài, thuộc tỉnh Sơn Tây cũ). “Xứ Đoài mây trắng” được tác giả dẫn dắt qua cuộc đời của Phí Quỳ. Từ đời cha, đời ông dù nghèo vẫn cố gắng “giấy rách phải giữ lấy lề” và rồi đến ông, đời con ông, những người đầu tiên trong làng đến với cuộc cách mạng giải phóng cho dân nghèo, giải phóng đất nước. Cuộc cách mạng đến với ngôi làng, dù ngay sát Hà Nội không sớm, nhưng chắc chắn và mạnh mẽ. Ngôi làng được tác giả Nguyễn Sơn Đỗng xây dựng là những cặp đôi hạnh phúc, những con người yêu nhau, yêu đất, yêu người, yêu làng, yêu nước. Họ, dù trong hoàn cảnh nào vẫn lấy sự tử tế làm đầu.

Giới thiệu sách "Xứ Đoài mây trắng".

Con người mà cả làng kính trọng vì cái đức của cả dòng họ chứ không phải vì sự giàu có hay địa vị là gia đình ông Giáo Lĩnh. “Ngày đưa thi hài ông Giáo ra đồng dòng người đưa tang suốt đường làng. Có lẽ chưa từng thấy đám tang một con người bình thường nào mà khăn trắng nhấp nhô kéo dài đến thế. Nhìn mặt họ rất dễ nhận ra vẻ bùi ngùi nhưng là vẻ bùi ngùi tự hào đã được cùng sống với một con người từ bề ngoài cho đến nhân cách đã xứng đáng là một con người”. Ông Giáo lĩnh mất sau khi đã tận lực để cứu làng xóm khỏi dịch tiêu chảy, đã làm chết nhiều người. Kể cả khi sắp chết, ông vẫn dặn con: “Nhà ta kể đã bao đời đều lấy việc chí nhân làm gốc, lấy việc sống của mình sao cho người ta nhìn vào đều cảm thấy đời đáng sống. Đến đời thầy, cho đến bây giờ đã quá sáu mươi năm, đã thấy bao buồn vui, bao nghịch cảnh, cả những nuối tiếc trước sự vinh hiển của đồng liêu đồng tuế, nhưng thầy vẫn vững tâm giữ gốc, và từ cái gốc ấy đã cho thầy tình yêu và trách nhiệm”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà đọc những câu chuyện hạnh phúc giản dị trong chuyện, GS, TS Bae Yangsoo, Trưởng khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc) cảm kích rằng “Tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng đã thực sự giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Thiết chế làng, xã đúng là nhân tố làm cho văn hóa Việt Nam mãi trường tồn trước tất cả các cuộc xâm lăng văn hóa trong lịch sử”. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì viết: “Đọc cuốn tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng, tôi lại nhớ đến quê tôi, cũng ở một làng quê nghèo “Kẻ Rủn”, một làng cổ xứ Thanh, làng Thạch Khê, tỉnh Thanh Hóa…”. Phải chăng dù trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam vẫn vậy, họ tìm thấy niềm hạnh phúc bởi lẽ sống chí tình, chí lý và nhìn vào tương lai.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hanh-phuc-that-gian-di-534053