Hạnh phúc nở hoa của cặp đôi một thời lầm lỡ

Đi tù từ năm 18 tuổi, Khánh, nữ phạm nhân ở trại giam Thanh Phong được coi là người tù trẻ nhất. Điều đặc biệt là cô đã 3 lần tự tử trong một năm đầu thụ án.

Khánh cứ nghĩ đi tù là hết cho nên nhiều lần cô cố gắng tự tử để chấm dứt cuộc đời nhưng không thành. Và sau khi tìm được ý nghĩa của cuộc sống, Khánh nhận ra tương lai vẫn còn ở phía trước.

Khánh kể: “Em còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Em học lớp 12, đã thi xong tốt nghiệp đang chờ thi đại học thì xảy ra chuyện. Hôm ấy cả mấy đứa học sinh rủ nhau đi chơi sau kỳ thi rất vui vẻ, em lấy trộm xe máy của bố để chở bạn đi chơi. Lúc đó cả đám học sinh đi xe đạp, xe máy hò hét trên đường rất phấn khích. Em rồ ga lao lên, em không biết sao mình lại làm thế, em cũng không thể lý giải hành động của mình lúc đó. Chiếc xe phóng bạt mạng và lao thẳng vào một người đi đường. Em bị thương nặng, người bị đâm chết ngay tại chỗ, còn cô bạn ngồi phía sau bị chấn thương giờ liệt không đi được nữa. Tội lỗi em gây ra ám ảnh em từng giờ, em nghĩ mình chỉ có cách chết đi mới không còn cảm thấy đau đớn, ăn năn”.

Và sau khi tìm được ý nghĩa của cuộc sống, Khánh nhận ra tương lai vẫn còn ở phía trước - Ảnh minh họa

Đó là hành trình dẫn Khánh đến trại giam với mức án 7 năm tù. Mỗi tháng, cô gái trẻ lầm đường chỉ biết ngóng chờ bố mẹ và anh người thân vào thăm, nhận ít quà tiếp tế rồi lại trở về phòng giam vùi mặt khóc nức nở. Khánh những tưởng, những tháng ngày sám hối trong trại giam sẽ mãi chỉ như thế, cho đến khi cô trả sạch mọi tội lỗi của mình. Thế nhưng, cô đã dần lấy lại tinh thần khi được các cán bộ trại giam động viên, chia sẻ và dạy nghề để quên đi những lúc buồn bã. 3 năm sau Khánh đã sống vui vẻ chan hòa và tích cực cải tạo trong trại giam. Vốn là một cô gái có ngoại hình khá, lại hát rất hay nên Khánh tham gia vào câu lạc bộ văn nghệ của trại giam và được anh chị em trong trại quý mến. Nhiều chàng trai trong trại cũng bày tỏ tình cảm với Khánh nhưng cô từ chối, bởi mặc cảm và nghĩ rằng sẽ không có tương lai.

Song kể cả khi trái tim đã rung động, cô vẫn không dám mở lòng đón nhận tình cảm chân thành của bạn tù. Mặc cảm tội lỗi vẫn bủa vây tâm trí, khiến cô một mực né tránh những cử chỉ thân mật, những cái nhìn âu yếm của người khác giới. Mãi đến khi tình yêu sét đánh đến với Khánh.

Hôm ấy Khánh xuống căng tin mua mấy thứ đồ dùng cá nhân thì gặp anh, một nam phạm nhân có án lừa đảo mà sau này cô mới biết. Anh đứng chắn trước mặt cô và bảo: “Anh để ý em lâu rồi, bây giờ gặp được em anh tranh thủ cơ hội ngỏ lời. Anh thích em, em có thích anh không?”. Khánh đỏ mặt cầm túi đồ chạy như bay về buồng giam. Nhưng sau đó, mỗi lần xuống căng tin Khánh đều gặp anh và biết anh tên Tuân.

Tuân tốt nghiệp đại học nhưng lại lao vào con đường lừa đảo để kiếm tiền. Bằng cách lừa đi xin việc cho nhiều sinh viên sắp ra trường, Tuân đã lừa được số tiền lớn lên đến vài tỷ đồng và bị bắt giữ. Là một trong những phạm nhân “tri thức” nhất nhì trại giam, Tuân cũng được nhiều nữ phạm nhân để mắt.

Sau ba lần trực tiếp gặp nhau, Khánh nhận lời yêu Tuân. “Anh bảo, con đường ngắn nhất để ra khỏi trại giam chính là cải tạo thật tốt. Vì thế hai đứa động viên nhau cùng cố gắng, vừa cải tạo vừa giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với những phạm nhân khác”, Khánh tự hào tâm sự về người yêu.

Thụ án được 5 năm, Khánh được ân xá, cô nửa mừng nửa lo vì sợ ra tù sẽ phải xa Tuân. Nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với cả 2 khi Tuân cũng được ân xá cùng đợt với Khánh. Dắt tay nhau ra khỏi trại giam, cả hai không khỏi bỡ ngỡ trước hạnh phúc như trong mơ mà mình mới nhận được sau những lầm lỡ, tội lỗi.

“Ngày đặc xá, em bước ra ngoài và nhìn thấy hai bên gia đình đã chờ sẵn bên kia cổng trại. Mẹ anh gọi em là “con dâu tương lai” khiến em cảm động đến bật khóc”, Khánh tâm sự trong hạnh phúc.

Quê Tuân ở Thái Bình, quê Khánh ở Bắc Giang, đi lại với nhau được hơn một năm mới cưới bởi còn phải ổn định công việc. Tuân là đàn ông nên quyết định đến lập nghiệp ở quê hương của Khánh để cô được ở gần gia đình, nơi mà cô đã phải rời xa từ khi 18 tuổi.

“Bây giờ chúng em đã có 2 cháu đều học giỏi và chăm ngoan. Anh ấy có bằng đại học nên xin được vào một công ty xây dựng làm quản lý, còn em thì học được nghề làm móng tay, mi giả ở trong trại giam nên cũng mở cửa hiệu ở nhà. Tuy cuộc sống vẫn còn khó khăn khi cả hai phải bắt đầu lại, nhưng đã trở nên yên bình và ổn định. Tuy nhiên, điều em buồn nhất là mỗi khi đến thăm bạn thân đang ngồi xe lăn. Cô ấy không còn hận trách em nữa nhưng mỗi lần nhìn thấy bạn như vậy em vẫn thấy trong lòng gợn lên những niềm hối tiếc”, Khánh tâm sự.

Đang trò chuyện thì thấy một người đàn ông chở hai đứa trẻ trên chiếc xe wave cũ về, tôi đoán đó là Tuân. Khi biết tôi là phóng viên, anh chia sẻ thêm: “Cũng may gặp được Khánh, nếu không thì mình cũng chẳng có động lực mà cải tạo, bởi tâm lý của một thằng tri thức bị nhốt trong trại giam thường rất bất mãn. Thời gian đầu vào trại mình luôn chống đối, không chịu cải tạo. Từ khi gặp Khánh mọi chuyện đã khác, mình hiểu rằng chỉ có ra tù thì mình mới có thể dành cuộc đời của mình cho Khánh”.

Nhìn “gia đình phạm nhân” ríu rít cười đùa trong căn nhà nhỏ ở miền quê, tôi tin rằng họ đã trả giá đủ cho những sai lầm của bản thân trong quá khứ và bây giờ là lúc họ mỉm cười bước vào tương lai.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Video Hành động "bá đạo" của nhân viên bán quần áo khi bị chĩa súng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/hanh-phuc-no-hoa-cua-cap-doi-mot-thoi-lam-lo-d133107.html