Hạnh phúc là một chuỗi khó khăn

Lương của bố không cao trong khi mẹ không có việc làm. Chúng tôi ở trong một gian nhà ký túc của xưởng, đôi khi có lúc chỉ ăn hai bữa cơm.

Còn nhớ rõ, hôm ấy tôi rất muốn ăn màn thầu, nên quẩn quanh mãi bên bố đòi mua. Bố bực quá liền cho tôi một cái bạt tai. Lúc ấy tôi lăn ra sàn nhà khóc lớn. Mẹ thương, bèn dựng tôi dậy. Lần đầu tiên tôi thấy bố mẹ cãi nhau. Mẹ nói: “Anh đánh con làm gì? Con nó mới chỉ là đứa trẻ, bụng đói đòi ăn là chuyện thường!”. Bố sắc mặt nghiêm nghị, nói: “Lấy cái gì để cho nó ăn bây giờ?” Mẹ tức giận mà rằng: “Anh thật vô dụng, ngay cả con của mình cũng không thương tiếc”.

Rồi mẹ tìm việc làm bằng cách bán kem. Ngày ngày sớm đi tối về, còn tôi thì lẽo đẽo theo sau. Lúc khát, mẹ đều lấy kem cho tôi ăn. Nhiều lần để ý, tôi chưa bao giờ thấy mẹ ăn kem. Đã không ít lần tôi hỏi: “Mẹ, sao mẹ không ăn?” Mẹ lau mồ hôi trên trán, cười nói: “Mẹ không muốn ăn”.

Trên đường về nhà, tôi thường bắt mẹ phải cõng. Thế là mẹ vừa đẩy xe, vừa tươi cười nói: “Vậy thì sau này con lấy gì để cảm ơn mẹ nào?”. Tôi nghĩ một lát rồi nói rằng: “Đợi con lớn, sẽ mua một chiếc ô tô. Con sẽ đưa mẹ đi Bắc Kinh chơi một chuyến”. Mẹ nghe thế bèn nói: “Con trai của mẹ nói khéo quá. Nào, lại đây mẹ cõng”. Sau đó tôi nằm bò trên lưng mẹ, hai mắt nhắm lịm, miệng không ngớt kêu lên “bíp bíp, về đến nhà chưa? Mẹ trả lời “chưa”. Rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Minh họa: TÔ MINH NGỌC.

Minh họa: TÔ MINH NGỌC.

Lúc tôi sắp vào tiểu học, nhà bị đổ, chúng tôi không có chỗ ở. Thế là chúng tôi phải đi thuê nhà. Năm nhân khẩu chen chúc trong một căn nhà nhỏ. Thời gian đó, tôi đã biết rửa bát. Thông thường, sau bữa cơm trưa, bố đi làm, mẹ đi bán kem, hai chị đi học, chỉ còn lại mình tôi rửa bát. Tôi thấp bé, phải lấy chiếc ghế đệm đứng lên để có thể với tới được chậu rửa bát. Đôi khi tôi còn nhặt rau, chờ mẹ về nấu.

Một hôm, bố mẹ tôi mua về chiếc ti vi đen trắng. Tôi mừng quá, hét lên: “Nhà ta có ti vi rồi. Bây giờ có thể xem ti vi ở nhà rồi”. Mẹ xoa đầu tôi, nói: “Đây là thành quả công sức bố con vất vả làm nên”. Bố nhìn mẹ, nói: “Tất cả vẫn là nhờ có em, ngày ngày tảo tần, không ngại mưa gió”.

Khi tôi học lớp ba, nhà tôi chuyển sang ở ngôi nhà mái bằng, có một nhà bếp, một phòng khách, một phòng ngủ. Mẹ ngày ngày vẫn miệt mài đi bán kem, bố khi rảnh rỗi cũng tham gia giúp đỡ mẹ. Ba đứa chúng tôi sau khi làm xong bài tập về nhà cũng tham gia giúp đỡ mẹ bán kem. Sau đó, mẹ tìm được việc làm quét rác cho một tòa nhà. Đến chủ nhật, bố nói với ba đứa chúng tôi: “Mẹ các con cả ngày mệt mỏi rồi, các con ngày mai giúp mẹ quét dọn nhé”. Nhìn ánh mắt nghiêm nghị của bố, tôi không dám nói gì thêm.

Năm giờ sáng, chúng tôi bật dậy, mỗi người phụ trách quét dọn 15 tầng gác. Tôi thường được phân công quét dọn ở tầng dễ quét nhất. Thế nhưng, tôi vẫn thường xuyên làm biếng. Hai chị tôi rất cần mẫn, quét rất chăm chỉ, rất sạch sẽ, thế là ngày hôm sau tôi đòi thay đổi nơi quét dọn với hai chị. Về sau, khi bố biết được đã đánh tôi một trận. Bố nói tôi lười quá. Mẹ ôm tôi vào lòng, nói: “Con phải ghi nhớ, làm người không được lười biếng”. Tuy rằng tôi không hiểu đạo lý này. Nhưng về sau, mỗi lần quét dọn, tôi đều rất cẩn thận.

Để bán được nhiều kem, bố mẹ tôi sắm một chiếc tủ lạnh để đựng kem. Thế là, chúng tôi không phải chạy ngược chạy xuôi nữa, chỉ cần chọn một nơi sầm uất, ngồi tại đó bán hàng. Chúng tôi sau khi tan học cũng phụ giúp một lát để mẹ về nhà ăn cơm.

Buổi tối, cả nhà chúng tôi đẩy chiếc tủ lạnh về nhà. Trên đường về, có một con dốc dài, lúc này, cần cả nhà chúng tôi hợp lực đẩy. Thế là bố ở đằng trước kéo, chúng tôi ở đằng sau đẩy. Khi qua khỏi dốc, tôi thường vỗ tay, thể hiện niềm vui của kẻ chiến thắng. Ngày qua ngày, tôi không cảm nhận được nỗi khổ của cuộc sống, chỉ thấy bố và mẹ mỗi tối đều tính toán thu hoạch của một ngày lao động vất vả. Cả nhà chỉ bố có hộ khẩu ở đây, nên học phí mà chúng tôi phải đóng nhiều hơn những học sinh khác. Chúng tôi biết điều, ra sức học hành. Bố và mẹ vẫn thường dạo quanh tòa nhà mới xây dựng, cũng chuẩn bị mua một căn hộ, vào hè sẽ chuyển đến ở, tôi mong ước ngày đó sẽ đến sớm.

Vào một ngày mùa hạ, bệnh tật đã cướp đi sinh mệnh của bố. Ba đứa tôi vội vàng chạy vào bệnh viện, nhưng bố đã vĩnh viễn rời xa cõi đời. Mẹ ngồi bên, khóc thảm thiết, nước mắt tôi cũng trào ra như nước vỡ bờ. Chúng tôi được người dìu về nhà. Khi giám đốc phân xưởng hỏi mẹ có khó khăn gì không? Mẹ khóc nói: “Tôi sẽ nuôi ba đứa cho đến khi chúng lớn, cho đến khi chúng đủ lông đủ cánh bay xa”. Bấy giờ, tôi giống như tên kẻ trộm, chạy trốn khỏi ánh mắt thương hại của mọi người. Tôi tin rằng hai chị tôi cũng có cùng cảm giác như vậy. Chị cả đã thi không đỗ vào cấp ba, chỉ có thể học ở trường dạy nghề.

Sự đau khổ thường đến từ tinh thần và hiện thực nghiệt ngã. Tôi không muốn nghe bất kỳ ai nhắc đến hai chữ: Phụ thân. Các bạn cùng học với tôi dường như cũng hiểu điều đó. Tôi còn nhớ một lần trong giờ tập làm văn, tiêu đề của bài văn là gia đình em. Ngày thường tôi làm văn rất tốt. Nhưng lần này tôi không biết viết gì, bắt đầu từ đâu, chỉ biết ngồi một chỗ khóc thút thít. Cô giáo đến bên, xoa đầu tôi, nói nhỏ: “Vào phòng làm việc của cô làm cũng được, em có thể viết về đề tài khác”. Mỗi lần nộp học phí lại làm tôi phải khó xử, mẹ kiếm đâu ra đủ tiền đóng học phí cho chúng tôi. Bố, bây giờ bố đang ở đâu? Tính tình bướng bỉnh như tôi cũng phải cắn môi, cố không để nước mắt trào ra.

Để tôi an tâm học hành, mẹ đã nhiều lần khóc khẩn cầu người ta giảm một phần học phí cho các con, làm tim tôi như muốn xé nát. Bác tôi từ quê lên, muốn đưa chị hai về quê, để bớt gánh nặng cho mẹ, nhưng mẹ vẫn bình thản nói rằng: “Em sẽ cho chúng nó có một cuộc sống không kém gì người khác”. Tôi không biết mẹ nuôi chúng tôi ăn học thế nào, lương mỗi tháng có chừng hơn 100 Nhân dân tệ. Lúc bấy giờ việc học của ba chị em tôi rất căng thẳng. Sau đó, chị cả khóc và nói với hai chúng tôi rằng, mẹ thường đi bán máu. Năm tôi học lớp 9, tôi và chị hai không có hộ khẩu nên không thể tham gia thi lên cấp 3. Lúc này, có công văn từ trên xuống, nói rằng có thể chăm lo cho gia đình khó khăn, giải quyết được hai hộ khẩu. Nhưng cần đi kiểm tra sức khỏe mới có được chỉ tiêu.

Mẹ trước khi đi kiểm tra sức khỏe, nói với chúng tôi: “Nếu mẹ có chuyện gì không may xảy ra, các con phải tiếp tục sống cho nên người”. Tôi chết đứng người, hỏi: “Chẳng qua chỉ là kiểm tra sức khỏe thôi, làm sao mà có chuyện gì xảy ra?” Mẹ lấy ra một lọ thuốc, nói với tôi: “Đây là mẹ nhờ người khác mua, trước khi kiểm tra sức khỏe một tiếng đồng hồ thì uống, nhưng tác dụng phụ là rất lớn, mẹ cũng không biết có thể qua hay không?”. Tôi quỳ xuống trước mặt mẹ khóc, nói : “Mẹ, thế thì mẹ đừng uống thuốc nữa. Chúng con không cần hộ khẩu. Chúng con chỉ muốn có mẹ”. Mẹ cười nói: “Con ạ, hộ khẩu rất quan trọng, mẹ không sao đâu”.

Ngày hôm đó, ba đứa chúng tôi không ra khỏi nhà, chờ mẹ về. Cuối cùng, mẹ cũng được người khác dìu về. Mẹ nói đã kiểm tra sức khỏe xong. Ba chị em tôi ôm chặt lấy mẹ, khóc nức nở. Mẹ nói: “Các con, can đảm lên, không có con đường nào là không thể vượt qua”.

Năm tôi vào trường dạy nghề, trong xưởng vẫn phải tiếp tục nộp tiền nhà mà chúng tôi không có ai làm trong xưởng nên họ không cho chúng tôi ở nữa. Chúng tôi hoang mang, nhưng mẹ lại nói: “Để mẹ tìm cách”.

Đêm đó, chúng tôi ngủ rất say, hôm sau, khi tỉnh dậy, không thấy mẹ đâu. Tới tận trưa, chúng tôi mới thấy mẹ về với nước mắt ướt hoen mi. Chúng tôi hoang mang hỏi mẹ có chuyện gì, thì sau đó mới biết: Đêm qua, mẹ tôi quỳ suốt đêm trước nhà giám đốc phân xưởng... Vì chúng tôi mà mẹ phải chịu đựng, quỳ gối trước người khác, tôi chỉ có một lời muốn nói: “Mẹ, con sẽ không quên ơn mẹ”. Mẹ lắc đầu nói: “Mẹ không cần các con báo đáp gì. Chỉ cần các con sống tốt là mẹ an tâm rồi".

Sau này, các chị và tôi có việc làm, gia đình có của ăn của để, nhưng tôi chưa từng kể với đồng nghiệp về gia cảnh của tôi. Đêm đó, tôi nói với mẹ: “Mẹ, con đi làm rồi, có thể nuôi mẹ, con không muốn nhận đồ tiếp tế nữa”. Mẹ gật đầu, nói: “Con, phải làm cho tốt, không chịu thua kém người khác là được rồi. “Mẹ, để con đấm lưng cho mẹ”, tôi gật đầu và nói. Tôi vừa đấm lưng cho mẹ vừa hỏi: “Mẹ còn nhớ lúc nhỏ con từng nói gì với mẹ không?” “Đương nhiên rồi, mẹ cười nói: “Con nói rằng sau này lớn khôn sẽ đưa mẹ đi thăm Bắc Kinh. Mẹ sẽ đợi đến ngày đó”. “Đúng vậy, ngày đó sẽ không xa đâu mẹ”. “Bíp bíp, về đến nhà chưa?”-“chưa”. Đợi đến khi tôi nói về nhà rồi thì mẹ đã ngủ thiếp đi trong vòng tay tôi.

Truyện ngắn của THẨM HÀN DƯƠNG (Trung Quốc) PHẠM HUY QUỲNH (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hanh-phuc-la-mot-chuoi-kho-khan-592069